BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hảo Đước: Huệ héo, người rầu

Cập nhật ngày: 16/01/2011 - 11:04

Ba năm gần đây, người trồng huệ ở Hảo Đước đều khốn đốn vì cây huệ bị bệnh, bị sâu hại. Câu hỏi được đặt ra là có nên khuyên bà con nông dân tạm dừng trồng huệ? Đồng thời, nên chăng ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương có biện pháp giúp đỡ bà con, ít nhất là giúp tìm ra nguyên nhân gây bệnh cho cây, để có cách phòng ngừa nhằm hạn chế rủi ro trong thời điểm xuân về Tết đến?

Thiệt hại nặng nề

“Nhìn đám huệ tốt mơn mởn trong thời gian đầu, cả nhà tui vui lắm, khấp khởi mừng thầm, chuyến này ăn Tết sẽ ngon miệng. Không ngờ, trời cho thấy mà không cho ăn, tui tuyệt vọng quá…”- bà Lê Thị Diệp, một người dân ở ấp Trường, xã Hảo Đước (Châu Thành) vừa ngắm nhìn đám huệ vừa than thở.

Đây là vụ thứ hai, nhà bà Diệp thuê đất trồng huệ. Năm ngoái, bà trồng được ba công huệ, vào dịp Tết, huệ có giá nên thu nhập cũng khá. Vụ huệ năm nay nhà bà Diệp cũng trồng ba công. Những ngày đầu, cây huệ phát triển tốt, cả nhà bà rất mừng, hy vọng một mùa huệ bội thu. Nhưng khi những cây huệ đầu tiên ra hoa thì chúng bắt đầu có dấu hiệu bất thường, cho thấy cây đã bị nhiễm bệnh: ngọn huệ sần sùi, nổi gai trông rất xấu. Sau khi trổ được mấy ngày, hoa chuyển sang màu nâu nâu, vàng vàng hoặc hơi đo đỏ. Sau khi phát bệnh, cây huệ không cao được nữa, chúng cứ “ỳ” ra rồi bắt đầu héo úa. Người trồng huệ không biết chính xác cây huệ bị bệnh gì nên cứ gọi theo cách hiểu của họ: bệnh sượng. “Vào thời điểm này năm ngoái, với ba công huệ này, mỗi lần thu hoạch, nhà tui bán được gần một triệu đồng nhưng năm nay, mỗi lần bán chỉ được chừng hơn trăm ngàn. Sắp tới Tết nhưng không có huệ để bán” - bà Diệp rầu rĩ.

Ông Hải rầu rĩ bên ruộng huệ

Một trong những người bị thiệt hại nặng nề nhất là ông Lương Văn Tửng, nhà ở ấp Bình Lợi. Vụ huệ này nhà ông Tửng trồng đến gần một mẫu. Tính đến thời điểm này, sau 4 tháng kể từ ngày trồng, chi phí cho đám huệ của ông đã lên đến khoảng 70 triệu đồng. Vậy mà, đám huệ sau khi lên được khoảng hai gang tay thì bắt đầu sinh chuyện. Những bông hoa nhỏ vừa nhú lên được mấy ngày tự dưng bị xoắn lại, uốn theo hình lưỡi câu và sượng ngang không lớn, không cao được nữa. Là người có gần chục năm trồng huệ, ông Tửng đã tìm mọi cách, kể cả lên mạng internet tìm tài liệu để biết cách chữa trị nhưng đều không mang lại kết quả. Nghe nói cây huệ trồng trên đất mới sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh hơn trồng trên đất cũ, năm nay ông Tửng đã trồng huệ trên khu đất mới nhưng huệ vẫn cứ bệnh. Mấy ngày qua, ông cho người phun thuốc với hy vọng cứu được những cây huệ chưa ra hoa nhưng xem ra rất khó trị cái chứng bệnh mà bản thân ông cũng không biết nó là gì.

Nhà ông Nguyễn Văn Hải trồng 4 công huệ, tổng số tiền mà ông bỏ ra đầu tư cho đám huệ này đã hơn 40 triệu đồng, chúng cũng đang bị chứng bệnh tương tự. Ông Hải cho biết: không chỉ riêng Tây Ninh mà ở một số địa phương khác có truyền thống trồng huệ như Tiền Giang, Vũng Tàu và huyện Bình Chánh của TP.HCM người trồng huệ năm nay cũng đang điêu đứng vì huệ bệnh. So với năm ngoái, giá bông huệ năm nay cao hơn nhiều. Vào thời điểm này năm trước, giá mỗi cành khoảng 1.400 đồng, còn giá hiện tại đã là 2.200 đồng. Sau ngày ông Táo về trời, giá bông huệ mới thực sự lên cao. “Nhưng lúc đó làm gì có huệ mà bán? Sâu hại chết hết còn đâu nữa, được giá thì lại mất mùa”- ông Hải buồn rầu nói. Mấy ngày nay, ông đang cho hái những bông huệ bệnh, bỏ lên bờ cho bò ăn! “Nếu như không bị bệnh, số bông huệ phải bỏ trong mấy ngày nay nhà tui có thể bán được vài ba triệu đồng. Ước tính đám huệ phải thất thu đến 80%”  – ông xót xa.

Có nên tạm dừng trồng huệ?

Mặc dù bị thiệt hại nặng nề như vậy nhưng những người trồng huệ, sang năm chắc họ vẫn sẽ trồng! Lý do trước hết là bởi cây huệ có giá trị kinh tế cao, một mẫu huệ nếu được mùa, được giá thì doanh thu phải đến cả trăm triệu đồng. Trước đây, nhiều hộ nông dân đã thực sự giàu lên nhờ cây huệ. Thứ hai, đối với nhiều hộ nông dân ở xã Hảo Đước, trồng huệ gần như đã trở thành nghề truyền thống, rất khó bỏ. Họ trồng huệ không đơn thuần lý do kinh tế mà còn vì rất yêu loài cây này, bỏ đi là thấy nhớ lắm! Thứ ba, nếu như bỏ không trồng thì đến khi muốn trồng lại phải đi mua giống (củ huệ) với giá rất cao.

 Theo ông Trương Thành Nhân, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã phụ trách kinh tế của xã Hảo Đước, năm nay diện tích trồng huệ không giảm so với năm ngoái, thậm chí có nhà còn trồng nhiều hơn. Đây không phải là lần đầu tiên cây huệ bị bệnh nhưng hiện tại chưa ai biết cách chữa trị.

Ba năm gần đây, người trồng huệ ở Hảo Đước đều khốn đốn vì cây huệ bị bệnh, bị sâu hại. Câu hỏi được đặt ra là có nên khuyên bà con nông dân tạm dừng trồng huệ? Đồng thời nên chăng ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương có biện pháp giúp đỡ bà con, ít nhất là giúp tìm ra nguyên nhân gây bệnh cho cây, để có cách phòng ngừa nhằm hạn chế rủi ro trong thời điểm xuân về Tết đến?

Đ.V.T