Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðiều đặc biệt nguy hiểm, những ngòi bút thiếu công tâm này sử dụng một chiêu thức tinh vi được rút ra từ môn triết học: lấy hiện tượng làm bản chất. Ðể tìm ánh hào quang (trên mạng xã hội) cho cá nhân mình, họ bất chấp tất cả, dù miệng luôn nói lời lương thiện.
Ðợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư đã và đang diễn biến phức tạp khó lường, căng thẳng, chồng chất khó khăn. Chính phủ đang dồn toàn lực- từ áp dụng biện pháp hành chính, khoa học, ngoại giao nhằm sớm chấm dứt đợt dịch bệnh “chưa từng có tiền lệ” ở nước ta.
Chỉ khi dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống của người dân, doanh nghiệp mới có thể trở lại “trạng thái bình thường mới”. Trong lúc “cái áo thủ tướng đẫm mồ hôi” theo đúng nghĩa đen thì nhiều người, vì một nguyên do nào đó, liên tục có nhiều bài viết, ý kiến công kích Chính phủ, bôi nhọ cá nhân lãnh đạo.
Ðiều đặc biệt nguy hiểm, những ngòi bút thiếu công tâm này sử dụng một chiêu thức tinh vi được rút ra từ môn triết học: lấy hiện tượng làm bản chất. Ðể tìm ánh hào quang (trên mạng xã hội) cho cá nhân mình, họ bất chấp tất cả, dù miệng luôn nói lời lương thiện.
Ngày 19.7, lúc 10 giờ 46 phút, theo giờ Việt Nam, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết có nhan đề “Toàn dân xuống đường”. Chủ đề chính của bài viết là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: làm thế nào để kêu gọi người dân Việt Nam xuống đường nhằm thay đổi chế độ.
Bài viết được thể hiện dưới hình thức hỏi đáp, tuy nhiên, phần sau của bài bày lại thể hiện sự thanh minh của tác giả, rằng anh ta không có ý định lật đổ chế độ hiện nay ở Việt Nam, rằng đó không phải việc của cá nhân mình.
Trước khi xuất cảnh qua Mỹ, người viết bài này có thời gian dài tự nhận mình (và cả được phong) là “nhà hoạt động” của một tổ chức mang đậm màu sắc chính trị, chống đối. “Lật đổ cộng sản không phải mục tiêu của mình.
Mình muốn xã hội Việt Nam phải thay đổi, chế độ phải chuyển đổi từ độc tài cộng sản sang dân chủ đa đảng. Dân chủ đa đảng chưa chắc đã giàu mạnh nhưng độc tài cộng sản chắc chắn là nghèo đói.
Ðây là chân lý. Hoàn toàn giống chân lý ở bài trước: Chơi vé số chưa chắc đã trúng nhưng không chơi thì chắc chắn là không trúng” - bài viết có đoạn. Bằng đoạn văn này, mặc dù nói lật đổ chế độ không phải mục tiêu nhưng sau đó lại nói muốn thay đổi chế độ, rằng Việt Nam phải đa nguyên đa đảng nếu không sẽ mãi nghèo đói. Không quá khó để nhận thấy, trong bài viết của người này, câu trước mâu thuẫn câu sau.
Ðã nhiều lần, lãnh đạo cao cấp nhất của Ðảng trả lời một cách sòng phẳng, không thể thẳng thắn hơn với báo chí phương Tây rằng, Việt Nam cần ổn định để phát triển, không có nhu cầu đa đảng, đa đảng hoàn toàn không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.
Không chỉ lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, nhiều trí thức, nhà nghiên cứu, thậm chí có người từng đi tù vì vi phạm pháp luật cũng bày tỏ quan điểm, Việt Nam không nên và không cần đa đảng. Mục tiêu chính của Việt Nam là dân giàu nước mạnh, là bạn bè, là đối tác tin cậy của các quốc gia và tổ chức quốc tế.
Chuyện đói nghèo, Việt Nam được Liên Hợp Quốc công nhận là một trong ít quốc gia đạt thành tựu ấn tượng nhất, tốt nhất về xoá đói giảm nghèo thuộc chương trình thiên niên kỷ. Hơn ba mươi năm đổi mới, từ một nước đói kém, nghèo nàn, Việt Nam đã thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới.
Nếu tính theo sức mua, thu nhập của người Việt Nam còn cao hơn những con số đơn thuần. Trong lúc dịch bệnh đang càn quét khắp thế giới, việc kích động, kêu gọi, xúi giục người dân xuống đường nhằm mục đích gì? Hành vi, việc làm, lời nói, bài viết như thế liệu có phải là thiên lương không? Bất kỳ ai có lương tri cũng không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước hậu quả tàn khốc của cái gọi “mùa xuân Ả rập” (chuyện này đã đề cập nhiều, xin không đề cập sâu).
Dịch bệnh ngày càng căng thẳng, virus đã “biến hoá” thành nhiều chủng cực kỳ nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh hơn trước, hậu quả nặng nề hơn. Dù đã triển khai tiêm vaccine nhưng việc này không thể hoàn thành trong thời gian ngắn.
Không phải Việt Nam không có tiền mua, mà sự khan hiếm vaccine trên toàn cầu. Bằng chính sách ngoại giao, nhiều quốc gia hoặc bán hoặc tặng Việt Nam hàng triệu liều vaccine để triển khai tiêm chủng cho người dân. Một lọ vaccine bây giờ còn quý hơn vàng, là nghĩa cử cao đẹp của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam.
Thế nhưng, một số người lại tỏ thái độ hằn học, hậm hực chửi bới, mạ lỵ, xúc phạm lãnh đạo rằng, không lo bào chế, không lo chuẩn bị vaccine để bây giờ phải “ngửa tay xin nước ngoài”. Như có lần từng đề cập, phát triển vaccine không phải là điều đơn giản. Cho đến nay, trong số hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, số quốc gia phát triển được vaccine chưa quá số ngón tay của hai bàn tay. Thông tin công khai cho biết, cuối năm nay, nếu mọi chuyện diễn ra đúng kế hoạch, đúng tiến độ, Việt Nam sẽ có vaccine nội địa. Lúc đó, Việt Nam sẽ là một trong rất ít quốc gia phát triển được vaccine để phòng, chống virus độc hại, nguy hiểm này.
Mấy ngày vừa qua, ở một số địa phương, lẻ tẻ xảy ra một vài trường hợp lùm xùm liên quan chuyện ưu tiên tiêm vaccine. Mới đây nhất, chuyện một phụ nữ ở Hà Nội lên mạng khoe được tiêm, không cần đăng ký vì có người quen.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh, không để tái diễn. Thế nhưng một số người Việt Nam (cả trong và ngoài nước) lại gào lên rằng, đó là bản chất của chế độ. Họ không ngần ngại, không bỏ lỡ cơ hội để đẩy vụ việc vốn đơn lẻ, chỉ là một hiện tượng cá biệt thành bản chất của vấn đề.
Khoa học triết học gọi hành vi này là “lấy hiện tượng làm bản chất”. Cách đánh tráo, xuyên tạc này, phải thừa nhận là tinh vi mà không phải ai cũng nhận ra, nhìn thấy. Lại phải thừa nhận, cách viết, cách quy chụp này không phải xuất phát từ những ngòi bút tầm thường. Những bài viết như thế lừa được không ít người, vốn cảm tính, cả tin nên dễ bị tác động, lôi kéo.
Có người, dù không có chuyên môn nhưng luôn miệng đề nghị Chính phủ hãy xem dịch bệnh Covid-19 như một loại cúm thông thường. Họ lớn tiếng đòi bỏ giãn cách xã hội, đòi tự do đi lại, đòi tất cả những thứ mà cá nhân họ mong muốn.
Ðến lúc này, dù không có chuyên môn nhưng bất kỳ ai có đầu óc bình thường cũng biết, dịch bệnh Covid-19 hoàn toàn khác với bệnh cúm thông thường. Ngày 21.7, trao đổi với Báo điện tử VietNamNet, một bác sĩ nhận định, Việt Nam chưa thể “sống chung với lũ” trong tình hình hiện tại, ý nói miễn dịch cộng đồng, coi Covid-19 như bệnh cúm thông thường.
Theo đánh giá này, trích nguyên văn: “Hiện một số người có quan điểm nên coi Covid-19 là dịch cúm mùa, có thể “sống chung với lũ” vì thực tế số ca tử vong không cao. Ðây là quan điểm chủ quan, bởi thực tế chúng ta chưa đạt đến điều kiện “sống chung với lũ”. Ta chỉ có thể “sống chung với lũ” khi tìm được cách giảm thiểu gánh nặng của lũ, tức phải có áo phao, phương tiện phòng hộ ứng phó.
Tương tự, trong đại dịch Covid-19, người dân chỉ có thể sống chung với virus SARS-CoV-2 nếu có “bảo hộ” để tránh nguy cơ tử vong khi mắc bệnh - chính là vaccine phòng Covid-19. Khi tất cả các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm nguy cơ diễn biến nặng được tiêm vaccine hoặc Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng, chúng ta mới có “phao” để sống với lũ. Không thể so sánh Covid-19 với cúm mùa bởi tỷ lệ nặng và tử vong khi dịch Covid-19 lan ra cộng đồng đang rất cao.
Chỉ có vaccine hoặc miễn dịch cộng đồng mới “biến” Covid-19 thành bệnh đơn giản như cúm mùa”. Sự phân tích, cảnh báo này từ người có chuyên môn, cộng với thực tế đang diễn ra đã bác bỏ hoàn toàn những nhận định cảm tính của người không có chuyên môn, đặc biệt giới cầm bút đang có ý đồ làm cho tình hình phức tạp thêm.
Một câu hỏi được đặt ra, vì sao một số người tự nhận mình là “nhà dân chủ, văn minh, cấp tiến, hào sảng” lại thường xuyên tỏ thái độ hẹp hòi và chĩa mũi giáo vào chính quyền, kể cả trong những lĩnh vực họ không hề có chút chuyên môn nào? Không ai cấm họ lên tiếng, cũng không ai ngăn cản được điều đó nhưng vấn đề là, họ lớn tiếng dạy dỗ, lớn tiếng đòi “dân chủ, nhân quyền” có phải cho dân, cho nước và cho sự tiến bộ? Câu trả lời, rất tiếc, không phải như vậy.
Họ, hoặc thuộc thành phần bất mãn, chống đối chế độ, chống phá đất nước hoặc đã hết thời, có người còn mắc hội chứng “về hưu nói hay”. Trên hết, họ luôn sợ bị “cộng đồng mạng” lãng quên. Cao hơn nữa, họ muốn, thông qua mạng xã hội và các nền tảng công nghệ thông tin để “tỏ ra nguy hiểm” nhằm tìm ánh hào quang cho cá nhân mình.
Ðể kết thúc bài viết, xin dẫn câu nói của vị bác sĩ hiện giữ trọng trách tại một bệnh viện tuyến trung ương chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19: “Có rất nhiều loại người thất bại ngoài đời nên tìm hào quang trên mạng. Mà cái cách tìm hào quang của kẻ kém cỏi thường là đốt đền”.
VIỆT ÐÔNG