Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khởi sắc nông thôn mới 20 xã biên giới Tây Ninh
Hạt nhân lãnh đạo trong xây dựng nông thôn mới
Thứ hai: 05:58 ngày 24/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không phải ngẫu nhiên Đại hội Đảng bộ tỉnh thống nhất đưa chỉ tiêu xây dựng Đảng ở các xã biên giới cao hơn so với mức bình quân chung. Điều này tiếp tục khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh uỷ đối với vai trò lãnh đạo của cấp uỷ các xã biên giới.

Lãnh đạo Đảng uỷ, chính quyền xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng tặng quà cho các lực lượng vũ trang giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia

Tính đến năm 2021, toàn tỉnh có 55/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 20 xã biên giới. Đặc biệt, trong số 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021 có một xã biên giới là Long Thuận, huyện Bến Cầu.

Tiếp đà xây dựng NTM, cấp uỷ, chính quyền, nhân dân các xã biên giới của tỉnh tiếp tục đồng lòng vươn lên đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong quá trình phát triển đi lên của NTM và NTM nâng cao, vai trò hạt nhân lãnh đạo của cấp uỷ đảng các xã, ấp biên giới càng được khẳng định rõ nét.

XÃ PHƯỚC BÌNH VÀ CÂU CHUYỆN ĐOÀN KẾT NỘI BỘ

Năm 2020, Tỉnh uỷ Tây Ninh cho chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã là xã Bình Thạnh (xã biên giới) và Phước Lưu (xã nội địa) của thị xã Trảng Bàng thành xã mới Phước Bình (xã biên giới) theo Nghị quyết số 865/NQ-UBTVQH14 ngày 10.1.2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV. Sau sáp nhập, xã có tổng diện tích tự nhiên trên 3.400 ha, gồm 10 ấp, trên 4.400 hộ/16.200 nhân khẩu.

Trong giai đoạn đầu, tổng số cán bộ, công chức của xã mới dôi dư rất lớn so với quy định, đòi hỏi xã Phước Bình thực hiện theo cơ chế đặc thù, từng bước sắp xếp tổ chức, bộ máy. Sau sáp nhập, Phước Bình có 51 đại biểu HĐND xã (dư 22), Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 29 người (dư 14); cán bộ 19 người (dư 8), công chức 22 người (dư 12), cán bộ không chuyên trách 27 người (dư 12).

Ông Trần Văn Minh- Bí thư Đảng uỷ xã Phước Bình cho biết: “Số lượng cán bộ dôi dư sau sáp nhập xã rất nhiều nên công tác bố trí cán bộ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có nguy cơ gây mất đoàn kết nội bộ. Nếu ứng xử và xử lý, sắp xếp không tốt sẽ rất dễ xảy ra thưa kiện, rồi tư tưởng “nặng Phước Lưu, nặng Bình Thạnh”. Do vậy, người lãnh đạo phải làm thật sự công tâm, khách quan, hài hoà để giữ được đoàn kết nội bộ.

Không có đoàn kết nội bộ thì làm sao hoàn thành nhiệm vụ được? Công tác cán bộ và giữ sự đoàn kết nội bộ được lãnh đạo đảng uỷ, chính quyền xã Phước Bình đặt lên hàng đầu. Dù đã cố gắng hết sức nhưng cũng không thể tránh được tư tưởng phiền hà trong một số anh em. Sau rất nhiều nỗ lực, đến nay, tất cả đều đã ổn”.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Thị uỷ Trảng Bàng, sự nỗ lực của Ban Thường vụ Đảng uỷ xã và cả hệ thống chính trị, công tác bố trí, sắp xếp cán bộ sau sáp nhập của xã Phước Bình từng bước được thực hiện, hoàn thành vào cuối năm 2021, trước dự kiến 2 năm. Đến nay, tổ chức bộ máy của xã từ khối Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đều đã đi vào hoạt động ổn định. Số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của xã được biên chế bảo đảm theo quy định của Nghị định 34/2019/NĐ-CP.

Khi bắt tay thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, thuận lợi của xã Phước Bình là năm 2018, xã Bình Thạnh (cũ) đã đạt chuẩn NTM, nên trong giai đoạn này sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên đầu tư cho khu vực xã Phước Lưu (cũ). Người dân Bình Thạnh trước đây và nay là Phước Bình được thụ hưởng các chính sách đặc thù của khu vực biên giới, như Chương trình 135, Chương trình 160, chương trình lúa nước… hỗ trợ rất lớn cho chương trình NTM sau này.

Tuy nhiên, xã cũng gặp không ít khó khăn, do Phước Lưu là xã nghèo, cơ sở hạ tầng, nhân lực, vật lực, phong tục tập quán của người dân còn nặng truyền thống. Dân cư sống rải rác khiến việc đầu tư cơ sở hạ tầng rất khó khăn, cần nguồn kinh phí lớn.

“Phải có một quá trình dài, cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể từ xã tới xóm, ấp ra sức vận động bà con thay đổi phương thức sản xuất phù hợp, tăng dần mức thu nhập lên, từng bước thay đổi những phong tục tập quán truyền thống lạc hậu. Năm 2021, xã Phước Bình được công nhận xã NTM, Đảng bộ xã Phước Bình được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”- ông Trần Văn Minh- Bí thư Đảng uỷ xã cho biết.

Thành quả từ sự đồng lòng, chung sức xây dựng NTM đã giúp Phước Bình thêm khởi sắc và nhiều triển vọng phát triển. Đặc biệt cuối năm 2021, công trình cầu An Phước bắc qua sông Vàm Cỏ Đông hoàn thành, đưa vào sử dụng đã kết nối hai xã biên giới cánh Tây thị xã Trảng Bàng là Phước Bình, Phước Chỉ với trung tâm thị xã Trảng Bàng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tại ấp Bình Quới- một ấp biên giới của xã Phước Bình, đường làng, ngõ xóm, nhà văn hoá ấp được xây dựng khang trang, trên địa bàn ấp không còn hộ nghèo theo chuẩn Trung ương.

Ông Nguyễn Thành Điệp- Bí thư Chi bộ ấp Bình Quới chia sẻ: “Ngay từ giai đoạn trước, việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM đã được chi uỷ, ban lãnh đạo ấp, Ban công tác Mặt trận thường xuyên tuyên truyền, vận động đảng viên, người dân trong ấp tham gia.

Nhận thức rõ ý nghĩa của Chương trình xây dựng NTM là để phục vụ đời sống của mình, người dân trong ấp tích cực đóng góp tiền, ngày công để hoàn thiện, nâng cấp các tuyến đường, thắp sáng đường quê, thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất, vệ sinh môi trường. Sau khi xã Phước Bình hoàn thành xây dựng NTM, chúng tôi tiếp tục xây dựng NTM nâng cao.

Theo chỉ đạo của Đảng uỷ, UBND xã, ấp Bình Quới sẽ tiếp tục vận động người dân tham gia đóng góp, xây dựng các đoạn đường nhỏ, thực hiện các mô hình mới, trồng cây, trồng bông làm đẹp đường làng, ngõ xóm… Mối quan hệ với người dân xã tiếp giáp biên giới thuộc phường Bavet, thành phố Bavet (Campuchia) từ xưa giờ rất tốt, đặc biệt sau hai năm dịch bệnh, hiện nay, bà con qua lại thăm thân thường xuyên hơn”.

HƯỚNG VỀ BIÊN GIỚI

Tây Ninh có đường biên giới dài 240km, tiếp giáp 3 tỉnh Svay Rieng, Tboung Khmum và Prey Veng thuộc Vương quốc Campuchia. Đường biên giới của tỉnh trải dài trên địa bàn của 20 xã thuộc 5 huyện biên giới: Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng.

Từ khi triển khai xây dựng NTM, Tây Ninh với xuất phát điểm thấp, nhất là các xã biên giới, hầu hết cơ sở hạ tầng thiết yếu như: giao thông, trường học, chợ, cơ sở vật chất văn hoá đều chưa đạt yêu cầu.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn còn thấp, công tác quy hoạch hạn chế, công tác bảo vệ môi trường chưa được chú trọng… Do còn nhiều hạn chế về nguồn lực, điều kiện của một tỉnh biên giới, Tây Ninh không có chính sách đặc thù dành riêng cho các xã biên giới trong xây dựng NTM như một số địa phương khác trên cả nước.

Bù lại, sự quan tâm của tỉnh đối với các xã biên giới được lồng ghép thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và thông qua phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng NTM” xuyên suốt cả hai giai đoạn 2010-2020 và 2021-2025.

Điểm mới trong phong trào thi đua xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh là đã phân công các khối thi đua hỗ trợ, đỡ đầu các xã trong xây dựng NTM bằng các công trình, phần việc cụ thể, thiết thực, trong đó có các xã biên giới. HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết hỗ trợ, tạo “đòn bẩy” để các xã thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập người dân vùng nông thôn.

Có thể kể đến như Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND về hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, cá nhân, hộ gia đình về chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết số 28/2022/NQ-HĐND hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND về hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm xây dựng các đề án phát triển kinh tế - xã hội kết hợp bảo vệ quốc phòng an ninh vùng biên giới, hình thành những khu dân cư kiểu mẫu dọc tuyến biên giới.

Gần đây nhất, Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11.7.2022 về phát triển thương mại biên giới tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh đề xuất, kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư nâng cấp mở rộng hệ thống đường tuần tra biên giới kết nối Tây Ninh với các tỉnh biên giới lân cận.

Bên cạnh đó, công tác củng cố, xây dựng Đảng ở các xã biên giới được Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và cấp uỷ 5 huyện, thị xã biên giới của tỉnh dành nhiều sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đặt mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 85%, riêng các đảng bộ xã biên giới bình quân hằng năm đạt 90%.

Không phải ngẫu nhiên Đại hội Đảng bộ tỉnh thống nhất đưa chỉ tiêu xây dựng Đảng ở các xã biên giới cao hơn so với mức bình quân chung. Điều này tiếp tục khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh uỷ đối với vai trò lãnh đạo của cấp uỷ các xã biên giới.

Kết quả, năm 2021, 95% đảng bộ xã biên giới trên địa bàn tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; nhiệm vụ xây dựng NTM được Đảng uỷ, Ban Thường vụ Đảng uỷ các xã biên giới lãnh đạo thực hiện tốt. Năm 2021, toàn tỉnh có 55/71 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 20 xã biên giới.

Đặc biệt, trong số 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021 có một xã biên giới là xã Long Thuận- huyện Bến Cầu; các xã còn lại như Tân Lập, Tân Hà, Long Khánh, Long Phước, Phước Chỉ… đặt mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao trong giai đoạn 2022-2025.

Phương Thuý - Tâm Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục