Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong đám cưới của người Tày hát Quan làng có khi diễn ra trong cả vài giờ đồng hồ, với hàng trăm câu hát đối đáp khác nhau.
Hát Quan làng từ lâu nay vẫn được coi là nét văn hóa đặc sắc trong các đám cưới của đồng bào dân tộc Tày. Đây là hệ thống các bài ca có thể dài tới hàng trăm câu được sử dụng để chào hỏi và ứng xử trong thời gian diễn ra đám cưới. Tuy nhiên, do điều kiện sinh hoạt xen kẽ giữa cộng đồng các dân tộc với nhau, đồng thời tác động của sự giao thoa văn hóa đã phần nào làm cho phong tục này dần bị mai một.
Một nghi lễ trong đám cưới của đồng bào dân tộc Tày |
Trong đám cưới của đồng bào dân tộc Tày ở huyện vùng cao Nà Hang đến nay vẫn còn giữ được nguyên vẹn phong tục hát Quan làng, hay còn gọi là thơ Lẩu. Với hệ thống các bài hát, câu hát đối, hát Quan làng được chia thành từng phần, với từng nội dung cụ thể. Thông qua lời hát Quan làng nhằm chỉ bảo, thể hiện lối ứng xử tinh tế, tao nhã của con người trong đời sống hằng ngày. Ngoài ra, lời hát còn thay cho lời chào xã giao lịch sự, thể hiện tình cảm trân trọng nhau. Khi một đám cưới sắp diễn ra, để mọi công việc trong đám cưới được suôn sẻ, nhà trai mời một người đàn ông nhanh nhẹn, hoạt bát trong ứng khẩu, chất giọng tốt, am hiểu phong tục tập quán để làm Quan làng, hay còn gọi là Pú Rặp.
Ngoài ra, nhà trai có thể mời thêm một người phụ nữ nữa để “trợ giúp” cho người nam trong việc hát đối tại đám cưới, người phụ nữ này được gọi là Gia Rặp. Khi thực hiện các nghi lễ đón, rước dâu, người Quan làng giữ vai trò rất quan trọng, phải hát làm sao để nhà gái nghe thuận tai, tạo điều kiện để nhà trai được triển khai thực hiện các nghi lễ theo đúng trình tự một cách thuận lợi nhất. Đại diện nhà gái, hay còn gọi là Pả me cũng sẽ có lời hát đối, hát đáp lại, tạo không khí vui vẻ. Người hát Quan làng phải là người thông minh, hoạt bát, khéo ứng xử, giàu tri thức và am hiểu về tập quán của dân tộc đó.
Khi chúng tôi ngỏ lời muốn được tìm hiểu thêm về lối hát độc đáo này, ông Hoàng Quang Hột, thôn Nà Khá, xã Năng Khả, một Quan làng “có tiếng” ở Nà Hang với kinh nghiệm 22 năm trong nghề cho biết: Lối hát đối đáp Quan làng thực ra là một trò vui, mang tính chất văn nghệ, giải trí trong đám cưới nhằm tạo không khí vui vẻ, đoàn kết được cha ông truyền lại từ xa xưa. Tùy từng địa phương cụ thể, khi người Quan làng cất tiếng hát lên là để kể cho nhà gái biết sự hiểu biết của mình về vùng đất đó với những lời hay, ý đẹp. Cô dâu được ví như một bông hoa đẹp đang nở rực trong vườn nhà gái, còn chú rể là người đến để mua bông hoa đó và người Quan làng có nhiệm vụ hát làm sao cho nhà gái nghe thuận tai và đồng ý bán bông hoa đó cho chú rể…
Trong đám cưới của người Tày
ở Nà Hang, hát Quan làng có khi diễn ra trong cả vài giờ đồng hồ, với hàng trăm
câu hát đối đáp khác nhau. Có nhiều đám cưới trở thành đám thi hát. Theo trình
tự, khi nhà trai đến xin dâu, đầu tiên sẽ phải hát xin dâu, nếu hát trôi chảy
thì được cắt dây vào cổng và sau đó lại phải tiếp tục hát để có thể vượt qua
nhiều chướng ngại vật của nhà gái ở cầu thang, ở cửa chính rồi mới được vào nhà.
Chướng ngại vật của nhà gái là những vật dụng rất đỗi thân thuộc với cuộc sống
hằng ngày như chậu thau, đèn, chổi, ống nước, chiếu, đòn gánh… Nhà trai khi gặp
những chướng ngại vật này sẽ phải hát về chính những vật dụng đó, nếu hát được
thì nhà gái mới cất vật dụng đó đi. Ví như khi nhà trai vào nhà mà nhà gái chưa
trải chiếu thì phải hát về cái chiếu, sau đó mới được trải chiếu ngồi nói
chuyện, nếu không hát được thì phải uống rượu phạt, hai họ vừa là công chúng,
vừa là người xét thưởng, xét phạt. Khi tiếng hát cất lên cũng là lúc mọi người
trong đám cưới bị cuốn vào cuộc vui, tạo nên một không khí vui vẻ, đoàn kết
trong cộng đồng.
Tuy nhiên, hiện số người đi hát Quan làng như ông Hột chỉ còn lại rất ít, ở Nà
Hang thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Những lúc rảnh rỗi, ông cũng dạy các
con mình hát và mong sẽ có người kế nghiệp ông sau này. Hiện nay, ngoài những
buổi được mời đi làm Quan làng tại các đám cưới, ông Hột cùng với đội văn nghệ
của thôn Nà Khá cũng thường xuyên luyện tập lối hát Quan làng nhằm truyền đạt
tới bà con nhân dân trong những buổi văn nghệ của thôn với hy vọng hát Quan làng
không bị mất đi.
Đ.T (theo Báo Tuyên Quang)