Xoan là một hình thức âm nhạc cổ truyền rất cổ, kết hợp giữa văn hóa, lịch sử và nghệ thuật.
Trước nguy cơ hát Xoan bị mai một và thất truyền, ngay từ tháng 8.2009, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Bộ VH,TT&DL, tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học về hát Xoan, để trình Chính phủ Việt Nam xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Tổ chức Khoa học Giáo dục và Văn hóa của LHQ (UNESCO) công nhận: Hát Xoan là di sản văn hóa thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp dựa trên các tiêu chí: độc đáo ở lời ca, giai điệu, làn điệu và tính trung thực.
Trong quá trình bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xoan, tỉnh Phú Thọ chủ trương chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa cổ, đồng thời cũng đưa những làn điệu hát Xoan hòa nhập vào thế giới đương đại, để hát xoan không những chỉ có ý nghĩa về lịch sử mà còn có cơ hội cho hát Xoan phát triển hơn.
Đứng trên góc độ nhà quản lý chính sách, ông Hoàng Dân Mạc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đánh giá, hát Xoan là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung, của tỉnh Phú Thọ nói riêng. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quan trọng cần được bảo vệ. Nếu được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thì đó là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng.
“Để bảo tồn và phát huy giá trị của hát Xoan, trong thời gian tới đây chúng tôi tiến hành phổ biến, quảng bá giới thiệu giá trị của hát Xoan với cộng đồng trong tỉnh, trong nước và với bạn bè quốc tế. Đồng hành với đó là việc tổ chức truyền dạy và phổ biến rộng rãi nghệ thuật hát Xoan. Các trường học, nhất là các trường phổ thông ở thành phố Việt Trì hiện nay đang dạy cho các cháu tiếp cận và hiểu được giá trị của hát Xoan. Các nghệ nhân của tỉnh Phú Thọ cũng đang tích cực tổ chức truyền dạy cho các thế hệ trẻ sau này” – Ông Mạc khẳng định.
Trong quá trình khảo sát thực tế tại vùng Xoan Phú Thọ, các nhà khoa học trong và ngoài nước đều nhất trí với kế hoạch xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Từ thực tế đang tồn tại ở vùng Xoan, các nhà khoa học đều đồng tình với việc chú trọng sưu tầm, nghiên cứu, hệ thống hóa, phân tích đánh giá giá trị các tư liệu liên quan đến hát Xoan, đồng thời thống nhất tiến hành công tác phục dựng hát Xoan theo đúng nghi thức cổ truyền của dân tộc.
Đồng quan điểm về vấn đề phục dựng nghệ thuật hát Xoan, GS.TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng, hát Xoan mang bản chất loại hình nghệ thuật dân gian, việc cải biên lời mới dựa trên cơ sở những làn điệu cũ sẽ làm cho hát Xoan mất đi tính nguyên gốc.
Đề cập đến việc giữ gìn và bảo tồn nghệ thuật hát Xoan, GS.TS Tô Ngọc Thanh khẳng định rằng: “Chúng ta cần đầu tư cho việc bảo tồn hát Xoan một cách tập trung, có trọng điểm. Cấp thiết nhất là việc tiến hành phục dựng lại những di tích gốc, tạo ra không gian biểu diễn cho hát Xoan. Cùng với đó và việc bổ sung kinh phí hoạt động cho các phường Xoan, các nghệ nhân duy trì sinh hoạt. Ngoài ra, việc đưa hát Xoan vào trường học và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho các nghệ nhân hát Xoan để khuyến khích họ duy trì và phát triển nghệ thuật hát Xoan cũng là một biện pháp thiết thực”.
Dưới góc độ nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan phân tích, Xoan là một hình thức âm nhạc cổ truyền rất cổ, kết hợp giữa văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Với những tiêu chí này, chúng ta có quyền hy vọng hát Xoan sẽ được cộng đồng quốc tế công nhận là di sản văn hóa.
Tuy nhiên, nhạc sĩ Hoành Loan cũng đề xuất, điều quan trọng trước tiên khi hát Xoan được thế giới công nhận là Di sản cần được bảo vệ khẩn cấp thì chúng ta phải bảo vệ toàn vẹn về nghệ thuật, phương thức sinh hoạt cũng như lối hát Xoan. Nếu không bảo vệ được toàn vẹn, chúng ta sẽ để cho Xoan bị mất dần bản chất của nó. Sự bảo vệ toàn vẹn trong 2 -3 năm tới sẽ đưa hát Xoan đến được với đông đảo cộng đồng dân cư Phú Thọ cũng như cả nước, dần tiến tới trong vòng 5 năm, Xoan có thể trở thành di sản đại diện của nhân loại.
Cũng theo nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, muốn để Xoan duy trì và phát triển thì phải khôi phục được cả 18 làng Xoan trước kia. Ngoài không gian đình làng, một trong những cái thiếu dẫn đến khó khăn trong quá trình phục hồi di sản văn hóa phi vật thể là chúng ta thiếu không gian văn hóa làng quê.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, 63 tuổi, Trùm phường Xoan An Thái vẫn hy vọng vào thế hệ kế tiếp sẽ phát huy tốt truyền thống hát Xoan khi cho rằng, bản thân bà sẽ luôn có trách nhiệm truyền dạy hát Xoan cho các thế hệ con cháu. Hiện phường Xoan của bà đang tồn tại 4 -5 thế hệ từ nhỏ nhất là các cháu lên 8 -9 tuổi cho đến nghệ nhân cao niên nhất là 86 tuổi.
Đối với nghệ nhân Lê Xuân Ngũ, 75 tuổi, Trùm phường Xoan Phù Đức, khi được hỏi về quan điểm bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xoan đã bày tỏ: “Muốn duy trì nghệ thuật hát Xoan cho các thế hệ sau, các cấp lãnh đạo, cơ quan đoàn thể cần quan tâm hơn đến các phường Xoan cả về vật chất và tinh thần. Nên có định hướng trong việc truyền dạy hát Xoan cho các lớp thế hệ trẻ, đặc biệt là các cháu học sinh ngay từ trong trường học, để các cháu nắm bắt được và hiểu rõ tầm quan trọng của việc giữ gìn bảo tồn nghệ thuật hát Xoan”.
Trong tiến trình đề cử UNESCO công nhận hát Xoan là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, ông Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Chủ tịch Ủy ban UNESCO Quốc gia của Việt Nam cho biết, trước thềm kỳ họp Hội đồng Di sản của UNESCO diễn ra vào tháng 11 tới tại Bali – Indonesia, Bộ Ngoại giao đã đặc biệt quan tâm tới công tác vận động cho Hồ sơ hát Xoan của tỉnh Phú Thọ. Trong đó, việc tổ chức chương trình đêm hát Xoan ngoại giao là hoạt động ngoại giao hữu hiệu, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế cũng như nhìn nhận Hát Xoan là xứng đáng với các tiêu chí của UNESCO đề ra.
Bằng việc cam kết sẽ duy trì công tác bảo tồn nghệ thuật dân gian độc đáo hát Xoan, bà Nguyễn Thị Kim Hải, Chủ tịch Hội Di sản tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh: “Chúng tôi thấy rằng, sẽ còn rất nhiều việc mà Phú Thọ cũng như Bộ VH,TT&DL cần phải làm, những vấn đề đó liên quan trực tiếp đến việc phục dựng, tôn tạo hát Xoan và các vấn đề liên quan tạo nên sức lan tỏa trong cộng đồng”.
K.D (st)