Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hậu phương của người chiến sĩ
Chủ nhật: 21:15 ngày 29/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để bảo đảm an toàn công tác phòng, chống dịch, tất cả cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố phải “cấm trại” 100% quân số. Hơn 3 tháng nay, các chị- hậu phương của người chiến sĩ, vừa chăm sóc gia đình vừa tích cực góp sức mình vào công tác chống dịch ở địa phương. Mọi người đều vững tin: virus SARS-COV-2 sẽ bị đánh bại một ngày không xa.

Chị Thu Hiền tặng quà cho các hộ khó khăn trên địa bàn.

Bí thư Đoàn năng nổ

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền là vợ của Thiếu tá Nguyễn Thanh Thời- Trưởng Ban Tuyên huấn (phòng Chính trị - Bộ CHQS tỉnh). Chị là Bí thư xã Đoàn xã Trường Tây (thị xã Hòa Thành). Những ngày qua, dịch bệnh bùng phát, chị Hiền tích cực cùng các ban, ngành, đoàn thể của xã thực hiện nhiều công việc chung sức cùng địa phương phòng, chống dịch bệnh. 

Chúng tôi gặp chị trong những ngày cả tỉnh thực hiện việc lấy mẫu sàng lọc xét nghiệm SARS-CoV-2. Đây là thời điểm mọi người đều phải ở yên trong nhà, thực hiện nghiêm việc phong tỏa, giãn cách chờ kết quả xét nghiệm. Để người dân yên tâm ở nhà mà không phải lo thiếu thức ăn, chị Hiền và các bạn đoàn viên trong xã nhận đi chợ giúp dân. 

Trong thời gian hơn 2 tiếng, điện thoại của chị Hiền liên tục reo và tin nhắn của bà con nhờ mua hàng. “Chị cho địa chỉ và số điện thoại đi, các bạn sẽ tới giao cho chị ngay”; “Anh ơi, hiện tại không có rau muống, chỉ có những món em đăng trên facebook, anh xem đặt mua món nào thì nhắn tin qua giúp em nha”… Vừa nhận điện thoại xong, chị Thu Hiền xoay qua đọc đơn hàng cho các bạn đoàn viên thanh niên soạn cho vào túi mang đi giao.

Cứ vậy, có người nhờ mua hộp sữa cho em bé, mua vài ký đường hay con gà .... chị Hiền đều hỗ trợ. Do “Điểm tập kết” của mọi người là một căn nhà nằm cạnh chợ Long Hải, nên việc mua hộ cũng thuận lợi hơn. 

Khi việc đi chợ giúp người dân đã tạm ổn là hơn 16 giờ. Chị Hiền và các bạn lại chuẩn bị hơn 10 phần quà mang đi tặng cho những hộ khó khăn trên địa bàn. Hơn 5 giờ chiều, chị và các bạn trong nhóm lại tiếp tục đi hái nhãn. “Có nhà vườn gọi cho nhãn.

Chúng tôi bỏ công ra hái, mai có tặng cho bà con nữa. Vẫn biết nhận thì mọi người rất cực, nhưng các bạn đoàn viên, thanh niên ở đây ai cũng chung lòng, sẵn sàng làm hết mình. Có hôm đi giải cứu cải xoăn, không có người nhổ, cũng không có người vận chuyển, chúng tôi phải làm hết các khâu. Tất cả chỉ mong giúp được gì cho bà con thì giúp thôi”, chị Hiền chia sẻ.

Các bạn ĐVTN Xã đoàn Trường Tây còn chăm lo cho những hộ khó khăn với “bữa cơm 0 đồng”, phụ trách bếp ăn cho các khu cách ly, các khu vực phong tỏa, lực lượng làm nhiệm vụ ở chốt. Mỗi ngày vài trăm suất cơm với đầy đủ các món kho, xào, canh được mọi người chung tay nấu, phục vụ tận nơi. 

Những ngày thực hiện test sàng lọc, chị Hiền cùng đoàn viên thanh niên trong xã đến tận nhà người dân tuyên truyền và hướng dẫn mọi người cài đặt ứng dụng Bluezone. Có hôm trời tối mịt chị mới về đến nhà. “Những hôm trước đi, tôi vừa làm công tác ở xã vừa chạy về lo hai đứa con ở nhà. Thấy việc đi lại bất tiện, nên gần đây, tôi đưa hai con về nhờ ba mẹ ruột trông chừng, để toàn tâm lo cho công tác xã hội”, chị Hiền chia sẻ. 

Thiếu tá Nguyễn Thanh Thời cho biết, từ khi cưới nhau đến nay đã hơn 10 năm, đây là lần đầu anh xa gia đình lâu như vậy. Trong thời gian anh phải ở đơn vị làm nhiệm vụ rơi vào dịp kỷ niệm sinh nhật của vợ và cô con gái nhỏ 8 tuổi. Không thể về để cùng cả nhà cắt bánh sinh nhật, món quà duy nhất anh có thể gửi tặng đến vợ con lúc này là tình cảm, sự yêu thương vô bờ bến.

Sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch 

Hơn 3 tháng nay, chị Phan Thị Thùy Trinh (xã Thái Bình, huyện Châu Thành) vừa đi làm ở Trung tâm Y tế Hòa Thành vừa lo cho 2 con gái nhỏ. Chồng chị - Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Vũ Đức Dũng cũng đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch ở Bộ CHQS tỉnh. Không có anh ở nhà, mọi việc trong ngoài, chị đều phải tự tay lo toan.

Từ việc cái bóng đèn hư, ống nước bể, anh phải “hướng dẫn từ xa” qua camera điện thoại để chị sửa chữa. Mỗi ngày trước khi đi làm, chị nấu cơm, làm sẵn thức ăn để ở nhà cho mẹ chồng. Hai đứa con nhỏ 7 tuổi và 3 tuổi chị cũng nhờ mẹ chồng trông nom. 

Chị Thùy Trinh đang phát thuốc BHYT cho người dân.

Chị Trinh hiện phụ trách phòng OPC, cấp, phát thuốc ARV cho người bị nhiễm virus HIV. Khi dịch bùng phát, Trung tâm Y tế thị xã phải tăng cường lực lượng y tế đến các khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Chị Trinh vì vậy phải đảm nhiệm thêm phần việc của các đồng nghiệp. Chị vừa phụ trách việc phát thuốc ARV vừa phát thuốc BHYT đối với những bệnh thông thường.

“Việc xem như tăng nhiều hơn lúc trước nên cũng phải tranh thủ sắp xếp, cố gắng hoàn tất trong ngày. Thường sáng và chiều tôi đều ở phòng phát thuốc. Việc vô sổ, theo dõi nhận thuốc của bệnh nhân nhiễm HIV phải làm vào giờ nghỉ trưa và cuối giờ chiều. Có hôm làm đến tận gần 18 giờ, tôi giật mình đến giờ giới nghiêm, vội vàng về cho kịp giờ, tranh thủ sáng hôm sau đến sớm để làm cho xong”, chị Trinh nói. 

Đây là lần thứ hai, anh Dũng xa nhà. Trong đợt dịch tháng 4.2020, anh cũng đã trực ở đơn vị 1 tháng. Chị Trinh khi đó được Trung tâm Y tế thị xã tăng cường về hỗ trợ công tác dược tại Trạm Y tế Long Thành Trung, trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống dịch. 

“Lần đó tôi được phân công trực ở các khu cách ly. Mỗi ca trực 24 tiếng rồi lại về nhà. Lần này, tình hình phức tạp hơn. Các đồng nghiệp đều được huy động tối đa để hỗ trợ chuyên môn. Tuy hiện tại không tham gia trực tiếp các tổ phòng chống dịch nhưng tôi cũng đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Bất cứ khi nào, bệnh viện điều động tăng cường là tôi tức tốc lên đường. Thức ăn, đồ tiêu dùng trong gia đình tôi luôn chuẩn bị sẵn. Nếu trong trường hợp tôi đột xuất đi công tác, mẹ chồng tôi vẫn có thể lo cho bà và hai cháu. Tôi chuẩn bị mọi thứ để mẹ có thể chủ động được trong tuần đầu tiên”, chị Trinh chia sẻ.

Dù một mình đảm đương nhiều việc nhưng các chị vẫn không nản lòng. Bởi các chị hiểu rằng, đồng lòng cùng nhau là cách để chiến thắng dịch bệnh, để gia đình sớm được sum vầy. 

N.D

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục