Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nguyên Phó Chủ tịch nước:
'Hãy cùng làm gì đó cho con em mình!'
Chủ nhật: 16:55 ngày 08/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tôi gặp cô Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - PV) khi cô đã nghỉ hưu, vào năm 2015. Lần đầu tiên, tôi được trò chuyện cùng cô khoảng gần 2 tiếng đồng hồ.

Vì những lí do riêng, tôi không xin cô ghi âm cuộc nói chuyện, nên chuyện kể dưới đây hoàn toàn dựa vào trí nhớ của mình.

Gọi là gặp cô để trò chuyện nhưng thực ra tôi nói nhiều hơn nghe, vì cô hỏi và tôi trả lời.

Trong buổi nói chuyện đó, tất cả đều xoay quanh giáo dục, trong đó có một chủ đề về đạo đức xã hội và đạo đức học đường.

Cô Bình, sau khi nói về những phản ánh trên phương tiện truyền thông những góc tối trong giáo dục, cô kêu lên: “Phải làm một cái gì đó đi chứ!”

Nhiều hành vi của thầy cô giáo, của phụ huynh và học trò diễn ra làm xấu hình ảnh của giáo dục nước nhà mà bất cứ một công dân nào cũng không muốn nhắc lại! Đó có phải chỉ là những hạt sạn, “con sâu làm rầu nồi canh”… hay thực sự đã trở thành “chuyện hàng ngày ở huyện”? Tôi vẫn hi vọng, những điểm tối trong giáo dục chỉ là trường hợp cá biệt và có thể được khắc phục trong một thời gian sớm nhất, mà ở đó, mỗi bên đều cần có trách nhiệm của mình.

Thứ nhất, truyền thông không thể là nguyên nhân của những sự việc xấu, nhưng truyền thông có thể đưa sự việc theo chiều hướng giải quyết tích cực hay tiêu cực là chuyện có thật, nhất là khi ngày nay với sự phát triển của công nghệ, có sự tương tác.

Những bình luận có tính xây dựng nhiều hơn đối với các sự kiện, cùng nhau cắt nghĩa nguyên nhân, tìm cách thức giải quyết luôn là những bình luận cần thiết để giải quyết vấn đề. Tôi nói điều này để báo chí kiểm soát thật tốt câu từ trong các bình luận, yêu cầu người góp ý có ý thức xây dựng, có văn hóa xây dựng. Làm tốt được việc này, tôi chắc chắn, những nhà quản lí giáo dục, người vi phạm sẽ sớm nhận ra sai lầm, cho dù không có cơ hội sửa chữa.

Thứ hai, cha mẹ, xã hội và nhất là học sinh kì vọng ở thầy cô quá nhiều, thậm chí hơn cả những việc thầy cô có thể làm. Sự kì vọng này vừa là vinh dự, vừa là áp lực cho thầy cô giáo. Tôi cho rằng, trong giáo dục hiện đại, thầy cô chỉ là người tổ chức cho học sinh tìm kiếm tri thức, hình thành kĩ năng và thái độ đối với cuộc sống hiện tại và tương lai của chính học trò. Thầy cô là người đồng hành cùng học trò chuẩn bị cho tương lai.

Cô giáo Phạm Thị Khánh hướng dẫn cậu học trò tí hon Đinh Văn K'Rể hoà nhập với lớp học. Lớp 1B, Trường Tiểu học bán trú Sơn Ba (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) do cô Khánh làm chủ nhiệm có 26 học sinh. Ảnh: Hạ Anh

Hiện nay, lao động trong ngành giáo dục, đặc biệt là lao động của giáo viên là một loại hình lao động nặng nhọc. Công bố của một nhóm nghiên cứu cho thấy thời gian lao động của thầy cô giáo cao hơn luật định khoảng từ 30% đến 70%. Đó là một áp lực lớn.

Phần lớn các lớp học trong các đô thị có sĩ số quá đông. Chính việc có quá đông học trò trong một lớp làm cho việc áp dụng các lí thuyết, phương pháp dạy học vào lớp học khá khó khăn như việc cá thể hóa việc dạy học. Phần lớn những sai phạm trong cách ứng xử của thầy cô đối với học trò diễn ra trong các lớp học có sĩ số đông, nhất là trong lớp học đó, có nhiều học sinh có cá tính mạnh.

Tuy nhiên, vẫn phải mở ngoặc để nhấn mạnh rằng tôi không ủng hộ bất cứ một hành vi phản giáo dục nào của thầy cô đối với học sinh. Thầy cô giáo, cần phải biết kìm chế, thậm chí hi sinh mình vì học trò - đó chính là một trong những phẩm chất hàng đầu của thầy cô.

Thứ ba, với học sinh, tôi nghĩ rằng, các em đều biết quyền của mình trong lớp học và cần phải thực hiện đầy đủ những quyền (và lợi ích) ấy. Các em có quyền đòi hỏi thầy cô nhiều hơn, nhưng ngược lại, các em cũng phải có trách nhiệm với chính mình: Học tập tốt hơn, phấn đấu tốt hơn để trở thành những công dân có ích trong tương lai.

Mỗi khi làm một việc gì đó không phải, các em phải tự vấn mình và bè bạn phải có thái độ không đồng tình với những sai trái của bạn bè, giúp nhau cùng tiến bộ, xây dựng một tập thể mạnh, gắn bó, yêu thương.

Thứ tư, phụ huynh và xã hội cũng cần có trách nhiệm phát triển giáo dục thông qua việc cùng thầy cô giáo, cùng nhà trường dạy con nên người: có năng lực giải quyết cuộc sống của con em hiện tại và tương lai, có trách nhiệm với cha mẹ và cộng đồng. Thật bình tĩnh và có thái độ tích cực nhằm loại bỏ những hành vi xấu trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Một mình nhà trường không thể làm cho mọi công dân tương lai của chúng ta có đầy đủ hành trang bước vào cuộc sống – đó phải là trách nhiệm chung.

"Chúng ta hãy cùng làm một việc gì cho con em mình đi chứ!"

Tôi muốn dùng câu nói của cô Nguyễn Thị Bình để kêu gọi mọi người cùng chung tay đưa con em chúng ta vào tương lai tươi đẹp hơn!

Nguyễn Kim Hồng (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) 

Cần xác lập chuẩn giá trị mới

Những hiện tượng vừa qua tuy chưa phải phổ biến nhưng đã phần nào hé lộ một khoảng tối tăm. Nếu không kịp thời khắc phục, đó sẽ là hiểm họa của ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung.

Nhìn bề mặt của hiện tượng, ai cũng thấy nguyên nhân là do những con người cụ thể ở những nơi chốn cụ thể nào đó được gọi là học sinh, là thầy cô giáo, là phụ huynh gây ra. Họ quẳng vào giáo dục cái tăm tối khiến những người làm giáo dục chân chính và cả xã hội bàng hoàng, ngơ ngác, phẫn nộ, …

Tại sao họ lại có những hành động phản nhân văn, thậm chí phi nhân tính như vậy? Đương nhiên, cá nhân họ phải là người chịu trách nhiệm. Nhưng ngành giáo dục nghĩ gì khi những kẻ ném tối tăm vào mình lại chính là sản phẩm của mình ngày hôm qua, hôm nay?

Phải làm gì đây để kịp thời ngăn chặn tình trạng đó? Câu hỏi này phải đồng thời đặt ra cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình, cho ngành giáo dục, cho hệ thống chính trị và toàn thể xã hội.

Cuộc sống đã và đang diễn ra sự dịch chuyển tất yếu của các giá trị. Theo đó cũng xuất hiện những quan niệm, nhận thức, hành động có phần khác với truyền thống. Ngành giáo dục, cần phải tổng kết qua thực tiễn, từ đó xác lập những chuẩn mực giá trị mới trên cơ sở kế thừa nhằm định hướng, giám sát các hành vi giáo dục trong và ngoài nhà trường.

Ai cũng biết, giáo dục là rường cột của xã hội. Thắng hay bại là ở đây. Giáo dục Việt Nam đã và đang oằn mình vượt qua nhiều vùng tối, trong đó có bạo lực học đường để bước ra ánh sáng. Nó rất cần những tiếng nói có trách nhiệm.

Nhà giáo Nguyễn Hữu Quyền (Nghệ An)

Nguồn vietnamnet

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục