Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Chuẩn bị cho kỳ thi thpt Quốc gia:
Hãy giúp học sinh biết chủ động hơn
Thứ năm: 12:00 ngày 15/01/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Về kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, các kênh truyền thông đã thông tin khá nhiều. Từ năm 2015 học sinh lớp 12 chỉ còn 1 kỳ thi dành cho 2 mục đích: xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Cách tính điểm để công nhận tốt nghiệp cho học sinh phổ thông cũng như phương thức xét tuyển vào đại học, cao đẳng thôi không nhắc nữa. Bài viết này chỉ xin trao đổi đôi điều xoay quanh công tác chuẩn bị để bước vào một kỳ thi quan trọng mà cứ đến hẹn lại lên, nó lại được nhiều người bàn luận.

Điều đầu tiên phải khẳng định là quyết định về kỳ thi đã được ban hành, phần còn lại chỉ là thực hiện. Trên báo Tây Ninh ngày 7.1.2015, ở trang Giáo dục, tác giả Việt Đông có nêu lên tâm lý bất an, lo lắng của học sinh vì các em cho rằng kỳ thi “hai trong một” được thực hiện năm 2015 mà đối tượng tham gia là những học sinh có năm sinh 1997 (và trước đó) là bất hợp lý.

Lập luận này của các em học sinh chưa thật đúng. Vì lẽ, kỳ thi này không hoàn toàn mới. Thêm nữa, việc “có học là có thi” chắc chắn các em đã quen rồi, không thể nào nói rằng học sinh hoàn toàn lạ lẫm. Cho nên, có thể thấy, vấn đề của học sinh cuối cấp hiện tại chính là tâm thế bước vào kỳ thi. Để chuẩn bị tâm thế bước vào kỳ thi quan trọng của đời học sinh, các em gần như bị động. Sự bị động của các em thể hiện qua tâm trạng chờ đợi cấu trúc đề thi được ban hành (trên báo Tây Ninh ngày 7.1.2015 có nêu thông tin này).

Ngay lãnh đạo các trường học và cả giáo viên cũng chung tâm trạng chờ đợi này. Có lẽ đây là tâm lý quen thuộc đến mức khó bỏ, hễ bước vào kiểm tra thi cử là học sinh lại trông chờ giáo viên biên soạn đề cương, ra câu hỏi rồi hướng dẫn mình ôn tập để làm bài đạt điểm cao. Người viết từng nghe một học sinh của một trường phổ thông phàn nàn trong quá trình ôn bài, chuẩn bị kiểm tra học kỳ 1 như sau: “Sắp thi rồi mà cô con không chịu ra đề cương, biết cái gì mà học!”.

Hỏi em thế nào là đề cương, em cho biết đó là hệ thống câu hỏi và phần trả lời mà từ đầu cấp trung học cơ sở (THCS) các em đã quen được các thầy cô phát ra rồi nhân bản, học thuộc mỗi khi bước vào kỳ kiểm tra. Việc này cũng không ngoại lệ với cấp học mới của các em. Xin được bàn thêm đôi điều, cấu trúc đề thi mà học sinh THPT đang hết sức quan tâm và đề cương mà học sinh vừa hết cấp THCS cũng bận tâm không kém không hoàn toàn như nhau nhưng đó là một phần của công tác kiểm tra, thi cử.

Nghĩa là với học sinh, đã thi thì phải có cấu trúc đề hoặc đề cương để các em dựa theo đó chứ không thì biết cái gì mà ôn, mà học! Tuy nhiên, do quá bận tâm về cấu trúc đề mà cả thầy và trò ở trường THPT đều quên một điều là từ 2 năm nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã không ban hành cấu trúc đề thi nữa.

Quan điểm đưa ra là để tránh tình trạng học lệch, học tủ và đề thi hướng đến việc phát huy năng lực, khả năng vận dụng tri thức trình bày hiểu biết của người học (loại bỏ kiểu học vẹt, học thuộc một cách máy móc). Năm 2014, Bộ GD-ĐT chỉ ra công văn hướng dẫn về việc tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp THPT mà thôi.

Chưa kể là trong các đợt tư vấn cho học sinh ở nhiều tỉnh, thành khác nhau trên cả nước vừa qua, đại diện Bộ GD-ĐT luôn khẳng định là đề thi sẽ kế thừa tinh thần của đề thi năm 2014 và có tính đến sự phân hoá (vì còn dùng cho mục đích xét tuyển cao đẳng, đại học). Nếu nhận thức được điều này, cả thầy và trò ở trường phổ thông sẽ bớt hoang mang, sẽ chủ động về mặt kiến thức và kỹ năng tích luỹ được cho kỳ thi sắp tới.

Một vấn đề nữa mà tác giả Việt Đông có đặt ra cũng trong bài báo nêu trên, rằng phải chăng chính sự thờ ơ của giáo viên (khi có người chưa từng đọc dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hoặc hoàn toàn “vô cảm” với nó - NV) đã gián tiếp khiến học sinh không nắm bắt đủ thông tin để có thể chuẩn bị tâm lý cho kỳ thi quan trọng sắp tới? Điều này là có thật. Và cũng không khó để tìm câu trả lời.

Trên thực tế, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp 12 rất vất vả. Việc chịu trách nhiệm về kết quả 2 mặt giáo dục của học sinh (học tập và rèn luyện) với các GVCN lớp 12 nặng nề hơn gấp nhiều lần so với các khối lớp còn lại ở bậc phổ thông.

Trong việc chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, các trường học vẫn thiên về kết quả học tập (chứ chưa chú trọng cả 2 mặt học tập và rèn luyện), khi đó GVCN thường chỉ căn cứ trên sức học của học sinh (dựa vào kết quả học tập các môn) để định hướng. Vì thế, học sinh vẫn chịu thiệt thòi.

Mỗi người có thế mạnh và hạn chế khác nhau. Học sinh phổ thông cũng vậy, chưa chắc những em học lực yếu không có thế mạnh nào, thực tế cho thấy nhiều em sức học chỉ trung bình yếu nhưng sau khi vượt qua được kỳ thi cuối cấp THPT cũng đã trúng tuyển vào đại học các ngành văn hoá, thể thao… (vì điểm năng khiếu được nhân hệ số).

Ngành giáo dục cần tạo điều kiện hơn nữa để GVCN phát huy vai trò của mình trong việc dìu dắt, nâng đỡ “đứa con trong trường” của họ. Tiếc là vẫn còn những trường sử dụng GVCN- chủ yếu như một công cụ quản lý kỷ luật theo kiểu- học sinh đi trễ bao nhiêu phút, học sinh có ăn mặc đúng quy định hay chưa, một tuần em này vi phạm bao nhiêu lỗi, em kia đã làm mấy bản kiểm điểm…

Trong việc tư vấn, định hướng cho học sinh cuối cấp bước vào kỳ thi có tính chất “hai trong một” sắp tới, nên chăng, các trường học cần dựa vào lực lượng đã có chính là cựu học sinh của trường? Đàn anh đàn chị đi trước tư vấn cho đàn em đi sau chắc chắn có sức thuyết phục cao hơn so với những gì thầy cô nói. Các anh chị đi trước sẽ giúp đàn em hiểu thêm về cơ hội lẫn thách thức các em sẽ gặp và biết mình cần phải chuẩn bị những gì khi rời khỏi trường phổ thông để bước vào một môi trường khác.

NAM VIỆT

 

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục