Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Để có một nền giáo dục tiên tiến:

Hãy thắp lên một ngọn nến

Cập nhật ngày: 17/09/2015 - 03:40

Sinh viên Trường CĐSP Tây Ninh trong ngày khai giảng năm học mới.

Vào tháng 4.2014, Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”. Cuộc hội thảo đề cập nhiều vấn đề từ lý thuyết cho đến thực tiễn, liên quan mật thiết đến công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo.

Tại thời điểm ấy, Báo Tây Ninh đã đưa tin về cuộc hội thảo, hôm nay, nhân năm học mới 2015 - 2016, cùng với việc Bộ Giáo dục - Đào tạo đang tiếp nhận đóng góp ý kiến của dư luận xã hội cho chương trình giáo dục phổ thông sau 2018, Báo Tây Ninh xin tiếp tục đề cập một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đã được bàn đến trong cuộc hội thảo. Đây là những vấn đề, lĩnh vực được coi như điều kiện tiên quyết để đổi mới nền giáo dục nước nhà.

KHÔNG ÔM ĐỒM, KHÔNG LÀM THAY VÀ TĂNG TÍNH ĐỐI THOẠI

Theo PGS.TS Trần Ngọc Giao (Học viện Quản lý giáo dục, Hà Nội), cải cách, đổi mới căn bản giáo dục do Nhà nước quyết định, nhưng kết quả không chỉ tuỳ thuộc vào ý muốn của Nhà nước mà phụ thuộc rất lớn vào những người thực hiện và các đối tượng thụ hưởng nền giáo dục ấy.

Quản lý giáo dục trong điều kiện cơ chế thị trường cần được thực hiện theo các nguyên tắc: chính phủ chỉ cung cấp các dịch vụ và giải quyết các vấn đề công cộng; chính phủ trao quyền cho công dân và cộng đồng; cạnh tranh được xem là động lực tốt của việc chuyển giao dịch vụ công.

Với dịch vụ công, công dân sử dụng dịch vụ công là khách hàng và khách hàng có quyền lựa chọn dịch vụ công qua sự cạnh tranh. Để nền giáo dục thích nghi với những đòi hỏi thời kỳ hội nhập, theo tiến sĩ Trần Ngọc Giao, cần tuân thủ các nguyên tắc: thứ nhất, mỗi cơ sở giáo dục phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật.

Thứ hai, quản lý nhà nước về giáo dục cần xác định là không ôm đồm, không làm thay. “Quản lý nhà nước về giáo dục được thể hiện qua việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách phát triển giáo dục; ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục; nhà nước quy định mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục. Nhà nước phân cấp và giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho nhà trường, chuyển từ chỉ đạo, kiểm soát sang giám sát” - tiến sĩ Giao đề xuất.

Bên cạnh đó, một trong những điều cần quan tâm của quá trình đổi mới giáo dục là tăng cường hoạt động đối thoại trong môi trường giáo dục, hạn chế tư duy áp đặt của người dạy đối với người học, của cán bộ quản lý đối với giáo viên.

Theo thạc sĩ Lê Linh Chi (giáo viên Trường THPT Hùng Vương, TP. HCM): “Nhờ đối thoại và qua đối thoại con người trưởng thành thêm, phát triển thêm. Nếu không có sự đối thoại, mỗi người sẽ chỉ có một vốn hiểu biết nhỏ bé và hẹp hòi. Trong đối thoại, mọi cái tôi sẽ được bổ sung và làm giàu cho nhau.

Tính cố chấp và sự ngộ nhận sẽ nhận được sự phản biện, đối thoại chính là con đường khắc phục mọi độc đoán, là hướng đi duy nhất đúng để khám phá cái mới đích thực và khoa học cho nghệ thuật”. Thạc sĩ Chi cho rằng, dạy học hiện đại không phải chỉ có truyền thụ tri thức một chiều, ngược lại mọi hoạt động của quá trình dạy học hiện đại cần hướng đến nhiệm vụ phát triển năng lực của học sinh.

Thầy không được dùng quyền uy của mình để áp đặt cho trò mà nên thu hút sự hợp tác, từ đó tạo nên sự tương tác giữa thầy và trò. Đó chính là chìa khoá dẫn đến thành công trong hoạt động dạy và học. Trước đây, hoạt động dạy chủ yếu là cung cấp thông tin, được học sinh đáp lại bằng những ghi nhớ có tính thuộc lòng.

Như vậy, giáo viên trở thành người cung cấp tri thức, cung cấp thông tin độc quyền nên người học phụ thuộc chủ yếu vào người dạy. Theo tinh thần đổi mới, hoạt động học của học sinh được coi là trung tâm của các hoạt động giáo dục. Các hoạt động giáo dục ở đây không phải là sự ghi nhớ một cách máy móc mà học sinh thật sự thấu hiểu về những kiến thức vừa được học.

Trong giao tiếp dạy học, bản chất đối thoại thể hiện ở sự thừa nhận lẫn nhau, bình đẳng với nhau giữa các chủ thể đối thoại, xét cho cùng thì dạy học chính là một hoạt động trao đổi thông tin. Bản chất của đối thoại còn được thể hiện ở sự chờ đợi câu trả lời của học sinh, sự tán thưởng của giáo viên. Sự cởi mở tâm hồn và tính cách giữa giáo viên và học sinh sẽ xây dựng nên lòng tin giữa thầy và trò, xoá bớt khoảng cách xa lạ giữa người dạy và người học nhưng đồng thời vẫn dành sự tôn trọng cho nhau.

Cao hơn tất cả: người thầy

Theo PGS.TS Hoàng Tâm Sơn (nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo II thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo), để được coi là một giáo viên tốt, người thầy, người cô phải là những người yêu mến người học.

Giáo viên tìm thấy niềm vui trong sự tiếp xúc với người học và tin tưởng rằng, mỗi người học đều trở thành một con người tốt. Giáo viên cũng cần có sự đồng cảm, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của người học, hiểu tâm hồn của học sinh và không bao giờ quên rằng chính mình cũng là người đi học. Một người thầy tốt phải là người thầy hiểu biết sâu rộng, bởi vì càng hiểu biết sâu rộng thì giáo viên không chỉ là một người giảng dạy mà còn là nhà giáo dục ở mức độ cao hơn.

Tiến sĩ Sơn lo ngại, nguy cơ “nguội lạnh” về mặt tâm hồn đang đe doạ nhiều nhà giáo trẻ - điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người học. Bởi vì, khi giáo viên đến lớp chỉ để dạy cho xong việc thì thực tế là giáo viên đã rơi vào trạng thái dạy bài theo kiểu “trả cho xong nợ”.

“Trong điều kiện khoa học - kỹ thuật phát triển nhanh chóng, muốn hiện đại hoá giáo dục trước hết phải hiện đại hoá nhà giáo. Nhà nước cần có chế độ luân phiên cho nhà giáo được đi đào tạo, đào tạo lại” - tiến sĩ Sơn đề xuất.

Tiến sĩ Vũ Lan Hương (Trưởng khoa Quản lý giáo dục Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM) dẫn lời của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình rằng tuyệt đại bộ phận giáo viên có tinh thần trách nhiệm cao, có ý thức nghề nghiệp, song cũng có một bộ phận giáo viên (khoảng 10-20%) chán nghề.

Một thực trạng khác cũng được tiến sĩ Hương chỉ ra về tình hình của giáo viên hiện nay là trình độ của giáo viên bị hạn chế và sức ì ngày càng lớn. Theo tiến sĩ Hương, để có thể đảm nhiệm tốt vai trò của mình trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục thì công tác đào tạo, đào tạo lại cần được thay đổi, cải tiến, hạn chế tính hình thức như lâu nay.

Nói chung, “đổi mới” thành hay bại, yếu tố mang tính quyết định là ở người thầy không chỉ biết yêu học trò mà còn phải giỏi chuyên môn. Do vậy, thầy cô giáo luôn phải ra sức học tập nâng cao nghề nghiệp. Thế nhưng, bên cạnh các yếu tố chủ quan, thì một trong những tồn tại lâu nay tác động đến hoạt động chuyên môn của người thầy chính là hiện tượng “hành chính hoá” các hoạt động khoa học. Nhiều giáo viên phản ánh (Báo Tây Ninh đã nhiều lần đề cập): họp hành và hồ sơ sổ sách cùng các loại báo cáo, thống kê nhiều đến mức “mụ mị” cả người.

Về chất lượng giáo viên, như trên đã nói, hiện nay, một bộ phận không nhỏ giáo viên có biểu hiện chây ì, thực hiện những giờ dạy nhàm chán, đôi khi chỉ như “dạy” cho xong việc, chờ đến cuối tháng lãnh lương. Thực tế cho thấy, chất lượng của một bộ phận giáo viên và cán bộ quản lý hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của nền giáo dục tiên tiến, hiện đại.

Nguyên nhân đã được bàn đến nhiều, trong đó, mấu chốt ở vấn đề công tác tuyển sinh và đào tạo giáo viên thiếu khoa học. Suốt một thời gian dài hàng chục năm, chính sách đào tạo và nội dung đào tạo giáo viên đã mắc phải những khuyết tật không dễ gì khắc phục được. Chính sách đãi ngộ dành cho giáo viên - nếu chỉ tính thu nhập từ lương thì rõ ràng chưa thu hút được những người giỏi gắn bó với giáo dục.

Trong giờ dạy môn Tin học lớp 6 theo mô hình trường học mới tại Trường THCS Võ Văn Kiệt (TP. Tây Ninh).

Đổi mới, cải cách giáo dục là điều phải làm vì phương pháp giáo dục lạc hậu. Nhưng để công cuộc đổi mới giáo dục thành công đòi hỏi sự hợp tác, trách nhiệm từ nhiều phía, trong đó vai trò của người giáo viên đặc biệt quan trọng. Có ai đó đã đúc kết “không có một nền giáo dục nào có thể cao hơn ông thầy”, nghĩa là không thể có nền giáo dục tốt nếu như thiếu người thầy tốt.

Đối với Nhà nước, một yêu cầu vừa có tính cấp thiết vừa có tính lâu dài là cải cách cơ chế, chính sách đối với ngành Giáo dục. Bởi vì thực tế cho thấy, cơ chế mà Nhà nước đang áp dụng rõ ràng là biểu thị của sự lạc hậu.

Không có gì khó hiểu khi những khuyết tật, yếu kém được nêu ra thì lại được nghe câu giải thích quen thuộc “do cơ chế”. “Do cơ chế” là một câu “đổ thừa” thuộc loại an toàn nhất hiện nay. Cơ chế là do con người làm ra, vậy nếu thật sự những khuyết tật, hạn chế trong thời gian qua và cả hiện nay là do cơ chế thì còn chần chừ gì nữa mà không thay đổi cái cơ chế đó đi? Ngành Giáo dục còn nhiều yếu kém, song thay vì chỉ trích (thực ra nếu chỉ trích đúng thì đó cũng là một giải pháp) cách tốt nhất là mỗi người đóng góp cho sự nghiệp giáo dục theo cách của mình, bởi đã có đúc kết “thà thắp một ngọn nến còn hơn ngồi rủa bóng tối”.

VIỆT ĐÔNG