BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hãy tự bảo vệ mình trước khi nhờ đến pháp luật 

Cập nhật ngày: 07/08/2017 - 22:50

BTN - Trong thực tế cuộc sống hiện nay, vẫn còn nhiều giao dịch dân sự người dân rất thờ ơ trong việc công khai, minh bạch, thậm chí nhiều khi tự đặt mình vào thế bất lợi, để cuối cùng phải nhận những hậu quả đau lòng khi có tranh chấp xảy ra.

Một bị cáo phạm tội lừa đảo được dẫn giải về trại giam sau khi bị tuyên phạt 15 năm tù (ảnh minh hoạ).

Thành ngữ Việt Nam có câu “Mích lòng trước, đặng lòng sau” để khuyên mọi người phải rõ ràng, minh bạch trong mọi việc hằng ngày, tránh gặp phải những hệ luỵ phiền phức về sau.

Thế nhưng trong thực tế cuộc sống hiện nay, vẫn còn nhiều giao dịch dân sự người dân rất thờ ơ trong việc công khai, minh bạch, thậm chí nhiều khi tự đặt mình vào thế bất lợi, để cuối cùng phải nhận những hậu quả đau lòng khi có tranh chấp xảy ra.

Ông Bùi Ðức Xuân- Chánh án TAND tỉnh cho biết, trong thực tại, khi giao dịch dân sự với nhau, nhiều người dân đã không biết tự bảo vệ mình trước khi nhờ cơ quan pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Thậm chí có trường hợp khi giao dịch, người dân biết trước, nhưng vẫn tự đặt mình vào thế bất lợi, nên không tránh khỏi dẫn tới hậu quả bất lợi về mặt pháp lý.

Trong thời gian qua, TAND hai cấp đưa các vụ án tranh chấp dân sự ra xét xử, đã nhiều vụ tranh chấp nhà, đất bắt nguồn từ việc vay mượn tiền nhưng không làm giấy nợ, tức là không làm hợp đồng vay nợ, lại thông qua hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất được công chứng chứng thực.

Thực chất, đây là dạng hợp đồng chuyển nhượng giả tạo, khi đến hạn, bên vay không trả được nợ, chủ nợ khẳng định hai bên không có việc vay tiền, đưa hợp đồng giả tạo này ra để kiện lấy nhà, đất.

Có trường hợp chủ nợ đem hợp đồng chuyển nhượng nhà đất (giả tạo) tới Uỷ ban nhân dân để sang tên và đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp ngân hàng vay tiền; người vay khởi kiện ra Toà án yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì không có chuyển nhượng nhà đất. Quá trình giải quyết vụ án, Toà án rất khó đánh giá chứng cứ cũng như xử lý khi tài sản tranh chấp đã thế chấp cho ngân hàng.

TRẢ NỢ KHÔNG YÊU CẦU CHỦ NỢ KÝ NHẬN

Có những vụ vay mượn nợ, người vay có viết giấy mượn nợ. Nhưng đến khi trả toàn bộ hay một phần nợ gốc hoặc lãi, người vay lại không yêu cầu chủ nợ viết giấy đã nhận tiền hay ký nhận tiền trả nợ, mà cứ “ngay tình” nghĩ rằng nợ đã trả là xong.

Người vay nợ không thể ngờ rằng chính việc lơ là và cả tin của mình, dẫn đến những tranh chấp pháp lý đầy bất lợi về sau nếu chủ nợ “trở giọng”, đem giấy nhận nợ làm chứng cứ ra kiện ở Toà án để tiếp tục đòi nợ.

Lúc này, người vay ở trong tình thế “tình ngay, lý gian”, trong khi pháp luật thường trọng chứng hơn trọng cung. Theo ông Xuân, trong những vụ án tranh chấp như thế, việc giao dịch vay mượn hoặc trả nợ (gốc, lãi) chỉ có hai bên đương sự biết, chủ nợ đưa ra chứng cứ là giấy nợ và bảo rằng người vay “chưa trả”; còn người vay nợ bảo rằng “đã trả” nhưng lại không có chứng cứ nào để chứng minh; trong khi Toà án không thể thu thập thêm được chứng cứ nào khác.

Không ít vụ án, bản thân người cầm cán cân công lý qua xét hỏi trong “nội tâm” có “niềm tin” rằng người vay nợ đã trả nợ hết hoặc một phần nợ gốc, lãi.

Tuy nhiên, “niềm tin nội tâm” phải phù hợp với tài liệu, chứng cứ; còn việc xét xử phải dựa trên những quy định pháp luật. Do đó, dù muốn hay không, Toà án vẫn phải dựa trên cơ sở chứng cứ pháp lý để xét xử, thế là… hậu quả thường thuộc về người vay.

VAY NỢ BẰNG… THỦ TỤC SANG NHƯỢNG NHÀ ÐẤT

Chánh án TAND tỉnh đưa ra một dẫn chứng: chị H, ngụ huyện Hoà Thành là một “nạn nhân” của việc tự đặt mình vào thế bất lợi khi vay mượn tiền của người khác. Trước đây, chị H có vay một số tiền của ngân hàng để làm ăn.

Vì việc làm ăn không thuận lợi nên khi đến thời hạn trả nợ ngân hàng, chị không có tiền để trả. Trong lúc bối rối, qua lời giới thiệu của người quen, chị H tìm gặp một người cho vay tiền để đáo hạn ngân hàng.

Khi đó, người cho chị vay tiền sẵn sàng cho vay 500 triệu đồng với lãi suất khá cao. Tuy nhiên, người cho vay không yêu cầu chị H viết giấy vay nợ mà muốn chị phải đến phòng công chứng làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDÐ) cho người này, với điều kiện nếu trong vòng 3 tháng, chị H không trả được nợ, người cho vay sẽ làm thủ tục đứng tên nhà đất của chị H.

Bản thân chị H nghĩ rằng, sau khi trả được nợ ngân hàng, ngân hàng sẽ giải quyết cho chị vay tiền lại để trả nợ vay. Sau đó, do khoản nợ trả trễ hạn, chị H bị ngân hàng liệt vào danh sách nợ xấu nên không giải quyết cho chị vay lại.

Hết thời gian 3 tháng, người cho chị H vay tiền đem hợp đồng chuyển nhượng QSDÐ làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận QSDÐ. Sau khi được cấp giấy chứng nhận QSDÐ, người này khởi kiện chị H ra Toà án yêu cầu giao tài sản nhà, đất đã bán.

Qua 2 phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, với những chứng cứ thể hiện chị H đã làm hợp đồng chuyển nhượng QSDÐ cho người cho vay nợ, toà đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người cho vay tiền, buộc chị H phải giao nhà đất. Sau nhiều lần khiếu nại không có kết quả, cuối cùng, cơ quan Thi hành án dân sự đã tiến hành cưỡng chế nhà đất của chị H giao cho chủ nợ.

Chị H cho biết, thua kiện, chị đã trách Toà án không bảo vệ người có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, bây giờ mọi việc đã qua, chị nhận ra không ai khác hơn chính bản thân chị đã tự đưa mình vào thế bất lợi.

Theo chị H, nếu chị đừng dại dột làm thủ tục sang nhượng nhà đất, chỉ viết giấy vay nợ, nếu có phải bán nhà đất trả nợ, chị cũng có thể bán được giá cao hơn nhiều.

Bởi lúc vay nợ, giá phần đất của chị trên thị trường khoảng 1 tỷ đồng, vậy mà chị lại đi công chứng làm thủ tục “bán đất” khi mượn nợ chỉ có 500 triệu đồng (!).

MUA BÁN VỚI… “CHỮ TÍN LÀM ÐẦU”

Môt vấn đề pháp lý khác, ông Bùi Ðức Xuân cho rằng, người dân nên quan tâm trang bị kiến thức pháp luật để tự bảo vệ mình khi tham gia vào các giao dịch dân sự.

Ðó là thói quen mua bán hàng hoá với nhau, mỗi bên tự làm sổ mua hàng và sổ nhận tiền, nhưng khi mua hàng và trả tiền lại không đòi hỏi hai bên ký xác nhận.

Không ít vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá, ra toà bên bán hàng nói bên mua chưa trả tiền, nhưng không cung cấp được chứng cứ cụ thể bên mua đã ký nhận hàng nhưng chưa thanh toán.

Hoặc ngược lại, bên mua nói “khi nhận hàng đã trả tiền rồi” nhưng không cung cấp được chứng cứ, vì cả hai bên đều không có xác nhận việc mua hàng trả tiền trong một thời gian dài, việc mua bán chỉ theo thói quen đặt “chữ tín là trọng” (!).

Tất nhiên, cũng tương tự như việc “vay nợ không làm giấy nhận nợ, lại làm thủ tục sang nhượng nhà, đất”, chuyện mua bán bằng “chữ tín” này, Toà án chỉ có thể xử thắng kiện cho bên nào đưa ra được chứng cứ cụ thể, thuyết phục. 

THIÊN TÂM 

* (Kỳ sau: Các thủ đoạn “hụi lừa” và tẩu tán tài sản).