Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Việc sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, chứng chỉ VietGAP giúp người sản xuất xây dựng thương hiệu sản phẩm và tạo thị trường tiêu thụ ổn định. Người tiêu dùng sẽ được sử dụng nông sản có chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hướng tới sản xuất hàng hóa, tập trung; chi phí áp dụng các mô hình tương đối cao; trình độ của nông dân còn hạn chế, cùng với việc ngại thay đổi tập quán canh tác cho nên việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Mới đây, tại kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa X đã thông qua và ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (gọi chung là VietGAP) đối với sản xuất sản phẩm nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho người dân.
Trong đó, đối tượng áp dụng là các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, cá nhân, hộ gia đình sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp và thủy sản an toàn áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt thuộc danh mục sản phẩm được hỗ trợ theo quy định tại Thông tư số 53/2012/TT-BNNPTNT ngày 26.10.2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh.
Mỗi sản phẩm đăng ký sản xuất theo quy trình VietGAP được hỗ trợ một lần 100% kinh phí phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí khi thực hiện áp dụng quy trình VietGAP (mức kinh phí hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/sản phẩm); hỗ trợ một lần bằng 50% tổng vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải phù hợp với yêu cầu áp dụng quy trình VietGAP (mức kinh phí hỗ trợ không quá 100 triệu đồng đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và không quá 20 triệu đồng đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt).
Chứng chỉ VietGAP giúp người sản xuất xây dựng thương hiệu sản phẩm và tạo thị trường tiêu thụ ổn định.
Ngoài ra, mỗi sản phẩm đăng ký sản xuất theo quy trình VietGAP được hỗ trợ một lần bằng 70% kinh phí đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động tại cơ sở sản xuất (mức kinh phí hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/sản phẩm) và hỗ trợ một lần cho 100% kinh phí thuê tổ chức đánh giá, chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP (mức kinh phí hỗ trợ không quá 60 triệu đồng đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và không quá 70 triệu đồng đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt).
Đối với cơ sở đăng ký cấp giấy chứng nhận lần đầu, hỗ trợ 70% kinh phí thuê tổ chức đánh giá, chứng nhận để được cấp giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP; 30% còn lại sẽ hỗ trợ khi cơ sở đăng ký cấp lại giấy chứng nhận; đối với cơ sở đăng ký cấp lại giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí đăng ký cấp giấy chứng nhận từ nguồn ngân sách nhà nước thì được hỗ trợ 100%.
Người tiêu dùng sẽ được sử dụng nông sản có chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Điều kiện để tiếp cận với sự hỗ trợ của tỉnh là sản phẩm phải có đăng ký thực hiện áp dụng VietGAP; có hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ đối với sản phẩm được ghi trong giấy đăng ký áp dụng VietGAP và có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn tại địa điểm đăng ký áp dụng VietGAP. Giấy đăng ký thực hiện áp dụng VietGAP của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.
Minh Dương