Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
HĐND tỉnh đề nghị tăng nguồn thu, siết nguồn chi
Thứ ba: 21:12 ngày 18/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế, do đó cần tăng nguồn thu và thực hiện việc chi ngân sách đúng quy định.

HĐND tỉnh nhận định ngành Giáo dục đang gặp nhiều khó khăn.

Kinh doanh gặp nhiều khó khăn

Theo đánh giá, tình hình sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu. Một số thị trường lớn, truyền thống bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giảm sản lượng. Doanh nghiệp thiếu vốn, trong khi phải đối mặt với chi phí lãi cao, làm gia tăng áp lực đối với doanh nghiệp để duy trì hoạt động, sản xuất. Nhiều lao động, nhất là ở các khu công nghiệp bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn họp đồng lao động, hoặc nghỉ việc không hưởng lương, đời sống một bộ phận người dân gặp khó khăn.

Nông nghiệp công nghệ cao phát triển chậm, chưa đáp ứng quá trình chuyển dịch sản xuất. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp còn chưa sâu rộng, chưa đến được với người thụ hưởng. Từ đầu năm đến nay, do thời tiết nắng nóng đã xảy ra 6 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy là 9,2 ha (tăng 6 vụ so cùng kỳ), phát hiện 58 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (tăng 24 vụ so với cùng kỳ).

6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh giảm 15,6% so với cùng kỳ, đạt 5,25 tỷ USD. Thu hút đầu tư trong nước ước đạt 9.252,5 tỷ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ.

Thiếu giáo viên

Ngành Giáo dục tiếp tục đối mặt với một số khó khăn như tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học, thiếu trang thiết bị, phương tiện dạy học, tình trạng thiếu nhà vệ sinh cho giáo viên và học sinh nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn; việc phát triển giáo dục chất lượng cao, thực hiện mô hình tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập còn chậm.

Tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành Y tế chưa được giải quyết căn bản. Tình trạng cơ sở khám, chữa bệnh không có thuốc, vật tư y tế trong danh mục được BHYT chi trả để cung cấp cho người có thẻ BHYT vẫn chưa được giải quyết.

Các chỉ số hành chính của tỉnh (PAR INDEX, SIPAS, PCI, PAPI) đạt thấp, thiếu tính ổn định và có chiều hướng giảm dần qua từng năm. Việc kiểm tra thực thi công vụ chưa thường xuyên, kịp thời nên ở nhiều nơi người dân còn phàn nàn, phản ánh về hồ sơ chậm trễ, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt.

Tai nạn giao thông tăng

Tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp, số vụ phạm pháp hình sự tăng so với cùng kỳ- nhất là nhóm tội về trật tự xã hội (tội cố ý gây thương tích, tội phạm giết người, cướp giật tài sản, tội phạm liên quan đến công nghệ cao, “tín dụng đen” chưa thực sự giảm, diễn biến phức tạp). Tình hình tệ nạn và tội phạm về ma tuý tuy giảm về số vụ nhưng số tang vật thu giữ lớn, tính chất ngày càng phức tạp, nhiều đường dây vận chuyển với số lượng lớn ma tuý từ Campuchia vào Việt Nam có sự tham gia, liên kết thực hiện tội phạm với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tai nạn giao thông tăng về số vụ (60 vụ, tăng 11 vụ so cùng kỳ) và số người chết (chết 32 người, tăng 12 người chết so cùng kỳ).

Nhiệm vụ cuối năm

Các Ban HĐND tỉnh cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023 trong báo cáo của UBND tỉnh, đồng thời đề nghị UBND tỉnh quan tâm tập trung chỉ đạo một số vấn đề:

Tích cực đôn đốc và thực hiện có hiệu quả các giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp, du lịch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 và cả nhiệm kỳ.

Cần kịp thời có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, góp phần kéo giảm số lao động bị ảnh hưởng việc làm. Tăng cường chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển ổn định, để tạo được nguồn thu vững chắc.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ phát triển giống cây trồng, vật nuôi phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả các chính sách để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực trạng và xu hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh. Phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong chăn nuôi nhằm tăng hiệu quả sản xuất, bảo đảm môi trường, phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững. Tiếp tục thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; nâng cao giá trị của rừng và góp phần phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng hiện có; theo dõi chặt chẽ, thông tin kịp thời về diễn biến thời tiết phục vụ công tác phòng, chống cháy rừng.

Tập trung rà soát nguồn thu, tăng thu, tiết kiệm chi đúng quy định, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách nghị quyết đề ra, tạo điều kiện để triển khai tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát, xây dựng, ban hành các quy hoạch, kế hoạch, đề án chuyên ngành để kịp thời triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ngay sau khi được phê duyệt), trong đó tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng- nhất là giao thông, đất đai, xây dựng - đô thị.

Tiếp tục quan tâm đầu tư để củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động của hệ thống y tế công lập, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, bảo đảm thuốc điều trị bệnh.

Chuẩn bị tốt điều kiện cho năm học mới, có giải pháp khắc phục cơ bản tình trạng thiếu giáo viên. Thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tập trung triển khai có hiệu quả các đề án và chính sách về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Đổi mới công tác quản lý, nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hoá ở cơ sở, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá tốt đẹp; tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, của người dân, doanh nghiệp trong việc tổ chức, tham gia các hoạt động xã hội hoá về văn hoá, thể dục và thể thao.

Tập trung củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế. Nâng cao năng lực dự báo, nắm tình hình liên quan đến an ninh trật tự trong nội địa và trên tuyến biên giới. Chỉ đạo các cấp, ngành chủ động tham mưu cấp uỷ, chính quyền triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Đẩy mạnh việc triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030. Tập trung triển khai các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ các chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức; có biện pháp chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, nâng cao trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục