Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Huawei tập hợp các chuyên gia để phát triển nền tảng riêng từ 2012, nhấn mạnh vào khả năng tương thích với các ứng dụng Android.
Bảy năm trước, trong căn biệt thự đối diện một hồ nước tại Thâm Quyến (Trung Quốc), một nhóm nhỏ gồm các giám đốc hàng đầu của Huawei đã tổ chức họp kín dưới sự chủ trì của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi.
Nhiệm vụ của họ là lên kịch bản về cách phản ứng của Huawei trước sự thành công của Android - hệ điều hành do Google phát triển và ngày càng chiếm thị phần trên toàn cầu. Mối quan tâm lớn nhất là sự phụ thuộc vào Android, nền tảng mà Huawei cũng sử dụng cho các thiết bị cầm tay của mình, có thể khiến công ty dễ bị Mỹ cấm vận trong tương lai.
Từ 2012, Huawei đã lên phương án trong trường hợp bị Mỹ cấm vận.
Nhóm đã đi đến thống nhất rằng Huawei nên xây dựng một hệ điều hành độc quyền như một giải pháp tiềm năng thay thế cho Android, nguồn tin của SCMP nói nhưng từ chối nêu tên. Cuộc họp này sau đó được gọi là "thảo luận bên hồ" và quyền truy cập vào các tài liệu liên quan đã bị hạn chế rất nhiều từ cuối 2018.
Sau nhiều thảo luận và chỉ đạo từ quản lý cấp cao, một nhóm chuyên gia do các giám đốc điều hành bao gồm Eric Xu Zhijun, hiện là một trong ba chủ tịch luân phiên của Huawei, được thành lập và bắt tay vào xây dựng một hệ điều hành riêng trong điều kiện đặc biệt bí mật.
Một khu vực chuyên biệt được thiết lập tại Huawei để đội ngũ này làm việc, dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của các vệ sỹ, chỉ những nhân viên trong nhóm phát triển hệ điều hành mới được tiếp cận, ra vào, với thẻ nhân viên được phân quyền. Họ không được mang điện thoại di động mà phải cất tại tủ để đồ ở bên ngoài.
Nguồn tin cho biết, hệ điều hành của Huawei được phát triển dựa trên các thành phần lõi nhỏ gọn, có thể phản ứng nhanh với các điều chỉnh. Một trong những thách thức kỹ thuật lớn nhất là khả năng tương thích với Android để cho phép nền tảng độc quyền của hãng có thể chạy ứng dụng Android một cách trơn tru. Nếu thành công, các nhà phát triển không phải tạo riêng phần mềm cho hệ điều hành của Huawei.
Nỗ lực trước đây của các hãng công nghệ trong việc tạo ra hệ điều hành thay thế Android đều không thành công. Microsoft từng cố gắng tạo ra một lớp trên Windows để có thể chạy được ứng dụng Android nhưng đã thất bại vì không phải ứng dụng Android nào cũng hoạt động trơn tru trên đó. Samsung cũng tham vọng phát triển Tizen nhằm thay thế Android nhưng kết cục cũng vậy. Tương tự, nếu hệ điều hành của Huawei không thể chạy ứng dụng Android thì việc thiếu một hệ sinh thái phần mềm sẽ làm công ty Trung Quốc đau đầu.
Nền tảng riêng của Huawei có thể hỗ trợ một loạt sản phẩm trong hệ sinh thái của hãng, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính, tablet, TV, thiết bị đeo hay phần mềm cho ôtô. Nó cũng tương thích với tất cả ứng dụng Android và ứng dụng nền web hiện nay.
Huawei đã đăng ký thương hiệu Hongmeng tại Trung Quốc năm ngoái và giới phân tích cho rằng đó có thể là tên gọi của hệ điều hành mới. Ngoài ra, công ty còn đăng ký tên gọi Huawei Ark OS tại châu Âu, một cái tên được đánh giá có tính toàn cầu hơn.
Dự án phát triển hệ điều hành riêng là một phần quan trọng của Phòng thí nghiệm Huawei năm 2012 - vốn có vai trò thúc đẩy sự đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ cho Huawei. Nơi này hội tụ các học giả và các nhà nghiên cứu của công ty, thu hút đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm dù không mang lại lợi nhuận tức thì cho hãng.
Hầu hết thông tin từ phòng thí nghiệm không được Huawei công khai, bao gồm cả dự án phát triển hệ điều hành riêng. Sự tồn tại của nó chỉ được Huawei thừa nhận thời gian gần đây khi giám đốc điều hành Richard Yu xác nhận với một báo của Đức rằng công ty đã phát triển hệ điều hành riêng cho điện thoại, máy tính và có thể sử dụng trong trường hợp bị Mỹ cấm vận.
"Huawei có các hệ thống dự phòng nhưng chỉ được sử dụng trong các tình huống nhằm giảm nhẹ ảnh hưởng. Chúng tôi hoàn toàn hỗ trợ hệ điều hành của các đối tác, chúng tôi thích điều này và khách hàng cũng vậy", phát ngôn viên của Huawei cho biết. "Android và Windows sẽ luôn là lựa chọn đầu tiên của chúng tôi".
Sau lệnh cấm của Mỹ ngày 15/5, Google cùng một loạt hãng công nghệ lớn như Qualcomm, Microsoft, ARM... tuyên bố hạn chế kinh doanh với Huawei. Công ty Trung Quốc không được mua hàng hóa, nhận chuyển giao công nghệ từ Mỹ để phát triển các sản phẩm mới dù tiếp tục được sản xuất, cập nhật phần mềm cho các thiết bị hiện tại.
Nguồn VNE (theo SCMP)