Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Theo nhận định của nhiều người, phần lớn các chủ doanh nghiệp, nhất là các chủ doanh nghiệp nhỏ lẻ vẫn chưa thực hiện nghiêm túc vấn đề an toàn lao động. Các cơ sở nói trên thường tìm cách không ký hợp đồng với người lao động nhằm “né” việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Do đó nếu chỉ tuyên truyền, giáo dục thôi thì chưa đủ.

|
Hằng năm, tỉnh Tây Ninh xảy ra hàng chục vụ tai nạn lao động với số người chết không nhỏ . Đó mới chỉ là con số mà các ngành chức năng thống kê được do các doanh nghiệp báo cáo và những người bị tai nạn trước đó có ký hợp đồng lao động. Trong thực tế con số còn cao hơn nhiều, bởi có những người làm công cho các cơ sở nhỏ lẻ, khi tai nạn lao động xảy ra, chủ sử dụng lao động chẳng dại gì báo cáo với ngành chức năng, trừ khi đó là tai nạn gây hậu quả lớn, chết người, không thể “ỉm” được.
Sau tai nạn là... thất nghiệp
Có một thực tế là khi tai nạn lao động xảy ra, người lao động không những bị tổn hại về tính mạng hoặc sức khoẻ, khả năng làm việc mà gia đình của họ cũng gặp khốn đốn do mất người thân hoặc mất trụ cột lao động trong nhà dẫn đến cuộc sống bị đảo lộn, thu nhập bị giảm sút và có thể rơi vào tình trạng đói nghèo.
Trong khi đó, chủ sử dụng lao động cũng phải chịu thiệt hại do tốn kém chi phí y tế, giám định thương tật, bồi thường, trợ cấp cho người bị tai nạn lao động vv…vv… Chưa kể uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng xấu, hoạt động sản xuất bị gián đoạn do phải ngừng việc để khắc phục hậu quả, phục vụ điều tra nguyên nhân gây tai nạn… Mặc dù vậy, thiệt thòi phần lớn vẫn rơi vào người lao động, nhất là những lao động không được ký hợp đồng.
Vào những ngày cận tết nguyên đán 2015, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Thành Đông, sinh năm 1978, ngụ ấp Tân Phước, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh. Theo lời kể, anh Đông là nạn nhân của một tai nạn lao động trước đây 4 năm. Nhìn vào bàn chân phải đã bị cụt gần hết, anh buồn bã kể lại: hồi đó, cũng vào những ngày cận tết, anh đang làm công cho một lò mì.
Công việc của anh là đổ bột mì vào máy sấy bột. Một buổi trưa khi anh đang trút bao bột vào máy sấy thì bị trượt chân, thế là bị máy “tiện” gần hết bàn chân phải. Chủ lò mì có đưa anh đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau hơn một tháng nằm viện, trải qua nhiều lần phẫu thuật, anh Đông xuất viện. Chủ lò mì đứng ra trả viện phí hơn 15 triệu đồng với lời hứa là khi lành bệnh sẽ nhận anh trở lại làm với công việc nhẹ nhàng hơn và cũng không quên dặn anh đừng thưa kiện chi cho lớn chuyện.
Thế nhưng sau khi lành bệnh, anh Đông đến lò mì để xin làm việc trở lại thì người chủ… ngó lơ, không chịu bố trí việc cho anh làm. Khoảng một năm sau đó, chủ lò mì có ghé nhà đưa cho anh thêm 1 triệu đồng rồi thôi. Anh Đông cho biết thêm, anh vào lò mì làm được vài năm nhưng không có ký hợp đồng lao động mà chỉ làm công ăn lương hằng ngày. Tính ra thu nhập của anh mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng. Từ khi xảy ra tai nạn đến nay, anh chẳng làm được việc nặng do mất một phần bàn chân nên không thể giữ thăng bằng trong lúc đứng.
Hiện nay anh cố gắng đến một lò mì của người quen để xin làm công việc xúc xác mì bỏ vào bao. Khi còn lành lặn, ngoài làm ở lò mì, anh Đông còn có thể bốc vác bột hoặc đi làm những việc khác kiếm thêm thu nhập để lo cho cuộc sống gia đình. Còn hiện nay, công việc cứ bấp bênh, bữa có, bữa không nên cảnh nhà luôn túng thiếu. Đã vậy chị Hằng- vợ anh Đông lại mắc chứng bệnh chân voi, chỉ có thể làm vài việc nhẹ kiếm tiền phụ chồng. Anh Đông chia sẻ: nếu anh không bị tai nạn lao động thì cuộc sống gia đình không đến nỗi khó khăn như hiện tại.
Những con số đáng chú ý
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng số cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh là 3.500 cơ sở với 172.000 lao động nhưng chỉ có 110 cơ sở với 78.800 lao động được báo cáo định kỳ về tình hình tai nạn lao động, an toàn lao động. Trong năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 147 vụ tai nạn lao động với 11 người chết, 78 người bị thương nặng. Kết quả điều tra nguyên nhân xác định, trong 147 vụ tai nạn lao động có 74 vụ có nguyên nhân từ việc vi phạm quy trình làm việc;
15 vụ có nguyên nhân từ việckhông huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; 57 vụ xuất phát từ những nguyên nhân khách quan khó tránh khỏi và 1 vụ xuất phát từ nguyên nhân khác. Có một điều đáng quan tâm là 147 vụ tai nạn lao động đã thống kê được chỉ xảy ra trong lĩnh vực công nghiệp. Một vấn đề đáng chú ý nữa là trong số đó có đến 32 vụ được phân theo nghề nghiệp là lao động giản đơn, còn lại 115 vụ tai nạn lao động là lao động có chuyên môn kỹ thuật. Có 7 vụ tai nạn lao động chết người do bỏng, điện, té ngã.
147 vụ tai nạn lao động trong năm qua đã gây thiệt hại 950 triệu đồng, trong đó khoản điều trị y tế là 350 triệu đồng, trả lương trong thời gian điều trị 200 triệu đồng và tiền bồi thường, trợ cấp 400 triệu đồng. Đây là con số mà cơ quan có chức năng nắm được, còn con số thiệt hại mà người lao động phải gánh chịu sau khi bị tai nạn chắc không ai có thể thống kê được hết! Khi đã mất sức khoẻ, ít có lao động nào có thể đảm nhiệm được công việc cũ với mức thu nhập như trước đó.
![]() |
Người bị tai nạn lao động chẳng may trở thành tàn phế, đồng nghĩa với mất việc làm và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội, đó chính là hệ luỵ khó có thể giải quyết được. Nếu ngành chức năng, chủ sử dụng lao động và người lao động thật sự nghiêm túc trong việc tuân thủ các quy định về an toàn lao động thì sẽ hạn chế được rất nhiều những sự cố đau lòng tương tự như thế.
Tuyên truyền chưa đủ
Trao đổi câu chuyện với chúng tôi, lãnh đạo Phòng Lao động việc làm - An toàn lao động của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hằng năm, Sở đều chú trọng công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động. Năm 2013, Sở đã tổ chức tập huấn về an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ quản lý Nhà nước của huyện, ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế được 2 lớp với 120 người tham dự, đồng thời đã mở 5 lớp tập huấn về an toàn vệ sinh lao động cho công nhân có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và 5 lớp dành cho công nhân lao động giản đơn.
Năm 2014, cũng đã có 1 lớp tập huấn dành cho các chủ doanh nghiệp; 2 lớp dành cho cán bộ chuyên trách về an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp và 6 lớp dành cho lao động giản đơn. Hướng tới, ngoài công tác tuyên truyền, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để chấn chỉnh việc thực hiện quy định an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp.
Theo nhận định của nhiều người, phần lớn các chủ doanh nghiệp, nhất là các chủ doanh nghiệp nhỏ lẻ vẫn chưa thực hiện nghiêm túc vấn đề an toàn lao động. Các cơ sở nói trên thường tìm cách không ký hợp đồng với người lao động nhằm “né” việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…
Do đó, nếu chỉ tuyên truyền, giáo dục thôi thì chưa đủ. Điều cần thiết là các ngành chức năng của tỉnh cần phối hợp tập trung kiểm tra các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp có nhiều lao động giản đơn về việc thực hiện an toàn vệ sinh lao động, việc ký kết hợp đồng lao động, việc đóng bảo hiểm xã hội… Điều đó góp phần hạn chế số vụ tai nạn lao động, mặt khác cũng bảo vệ được quyền lợi của người lao động nếu chẳng may có tai nạn xảy ra.
THẾ NHÂN - MỸ KHANH