Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Tây Ninh, trong tháng 7 vừa qua, do tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và mức lạm phát vẫn còn cao nên hoạt động các ngân hàng trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn- nhất là trong công tác huy động vốn. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2011 nhiều chỉ tiêu tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Theo thống kê từ Chi nhánh NHNN tỉnh, tốc độ tăng trưởng tổng nguồn vốn của hệ thống ngân hàng trong tháng 7 có chậm hơn so với những tháng đầu năm. Cụ thể, đến cuối tháng 7 năm 2011, tổng nguồn vốn của hệ thống ngân hàng đạt hơn 18.950 tỷ đồng, so với tháng trước chỉ tăng chưa đến 1%. Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn giảm so với trước chủ yếu là do hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng nghiêm túc các giải pháp kiềm chế lạm phát theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ thì tốc độ tăng trưởng đạt khá cao- tăng đến 53,6%.
|
Trong tháng 7, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn giảm |
Trong tổng nguồn vốn đến cuối tháng 7 thì phần vốn huy động đạt gần 15.000 tỷ đồng- chiếm đến 85% tổng nguồn vốn, tăng 6% so với tháng trước và tăng đến 59,5% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 7 thì nguồn tiền gửi dân cư chiếm hơn 10.800 tỷ đồng- đạt hơn 72% tổng vốn huy động và tăng đến hơn 64% so với cùng kỳ. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế đến cuối tháng 7 cũng đạt hơn 4.100 tỷ đồng, tăng khoảng 8,3% so với tháng trước và tăng hơn cùng kỳ 48,2%. Riêng nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ ở hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 7 qua cũng thực hiện được 1.245 tỷ đồng, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ. Trong 7 tháng đầu năm 2011, tuy trần lãi suất huy động quy định không được vượt quá 14%/năm, nhưng do ngân hàng thương mại thực hiện nhiều giải pháp tích cực tổng nguồn vốn huy động vẫn tiếp tục tăng trưởng đáng kể.
Từ nguồn vốn huy động tiếp tục tăng trưởng đã tạo tiền đề cho hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh phục vụ khá tốt nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất. Theo thống kê của Chi nhánh NHNN tỉnh thì đến cuối tháng 7, tổng dư nợ cho vay đạt hơn 14.866 tỷ đồng- tuy chỉ tăng hơn tháng trước có 1,8% nhưng so với cùng kỳ thì tăng đến 35%. Trong đó dư nợ khu vực kinh tế dân doanh chiếm đa số với hơn 13.000 tỷ đồng- tuy chỉ tăng 1,8% so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ vẫn tăng đến 34,5%. Dư nợ khu vực kinh tế dân doanh tăng trưởng cao chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn và các doanh nghiệp dân doanh. Cụ thể, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 7 chiếm đến hơn 8.000 tỷ đồng, tăng khoảng hơn 38% so với cùng kỳ và chiếm đến hơn 60% tổng dư nợ. Kế đến là dư nợ các doanh nghiệp dân doanh, đến cuối tháng 7 đạt hơn 4.200 tỷ đồng- tăng đến hơn 90% so với cùng kỳ. Riêng khu vực kinh tế Nhà nước, dư nợ đến cuối tháng 7 đạt hơn 300 tỷ đồng- tăng đến hơn 50% so với cùng kỳ.
Riêng hoạt động của 18 quỹ tín dụng nhân dân trong 7 tháng đầu năm, dù có khó khăn hơn các ngân hàng thương mại- đặc biệt là trong công tác huy động nguồn vốn do khó cạnh tranh, nhưng vẫn tiếp tục duy trì khá ổn định.
Sơn Trần