Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đến cuối tháng 5.2011 tổng nguồn vốn của hệ thống ngân hàng đạt hơn 18.200 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với đầu năm và tăng đến 53,4% so với cùng kỳ.

Ngày 10.3.2011, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24.2.2011 của Chính phủ về “Những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”, đồng thời triển khai Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam về “Thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”. Sau hơn 3 tháng triển khai, hệ thống ngân hàng ở Tây Ninh đã thực hiện khá nghiêm túc.
Chỉ thị số 01/CT-NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN Việt Nam và các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp quan trọng như: năm 2011 hệ thống NHNN kiểm soát tốc độ tăng tín dụng dưới 20% và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán ở khoảng 15%-16%, lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý. Đối với các tổ chức tín dụng phải xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2011 phù hợp với mục tiêu tốc độ tăng tín dụng dưới 20%. Trong các giải pháp, đáng chú ý là các tổ chức tín dụng thực hiện giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là ở lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Chi nhánh NHNN tỉnh cũng đã lập đề án về các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch là dưới 20%, tăng tỷ trọng dư nợ lĩnh vực sản xuất kinh doanh, giảm tỷ trọng dư nợ phi sản xuất…
![]() |
Dư nợ lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn tăng hơn 15% so với đầu năm |
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Tây Ninh, sau 3 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ- tuy các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ nghiêm túc việc thực hiện các quy định về “kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, nhưng đến cuối tháng 5.2011 tổng nguồn vốn của hệ thống ngân hàng vẫn đạt hơn 18.200 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với đầu năm và tăng đến 53,4% so với cùng kỳ. Trong đó riêng nguồn vốn huy động đạt hơn 13.700 tỷ đồng, chiếm hơn 80% tổng nguồn vốn, tăng 13% so với đầu năm và tăng đến 60% so với cùng kỳ. Hầu hết các ngân hàng huy động vốn với trần lãi suất không được vượt quá 14%/năm theo quy định.
Về tăng trưởng tín dụng, đến cuối tháng 5 năm 2011, tổng dư nợ cho vay đạt hơn 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với đầu năm. Mức tăng này tương đương với cùng kỳ năm trước và vẫn trong giới hạn quy định theo kế hoạch. Dư nợ tín dụng tăng trưởng chủ yếu tập trung ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như đề án của Chi nhánh NHNN định hướng. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2011, Chi nhánh NHNN tỉnh có văn bản chỉ đạo hệ thống Ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt theo chủ trương của Chính phủ về ưu tiên tập trung nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn. Đến cuối tháng 5, tổng dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 7.800 tỷ đồng- tăng hơn 15% so với đầu năm. Riêng lĩnh vực phi sản xuất, hoạt động cho vay được hạn chế theo đề án và qua 3 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, dư nợ cho vay đã có giảm hơn so với trước. Cụ thể đến cuối tháng 5.2011, dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất đạt 1.931 tỷ đồng, giảm hơn so với thời điểm tháng 2.2011 là 20% và chỉ chiếm 16,4% tổng dư nợ. Riêng công tác quản lý ngoại hối, Chi nhánh NHNN tỉnh đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức 198 đợt kiểm tra việc chấp hành các quy định về hoạt động ngoại hối trong thanh toán, quảng cáo, niêm yết công khai hàng hoá, dịch vụ bằng đồng Việt Nam.
Đánh giá kết quả sau 3 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về lĩnh vực tiền tệ, Giám đốc Chi nhánh NHNN cho biết, cơ cấu dư nợ lĩnh vực phi sản xuất đã giảm đáng kể. Qua đó đã góp phần không nhỏ trong việc kiềm chế lạm phát tại địa phương và góp phần thực hiện thành công chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ cũng có phát sinh một số khó khăn. Cụ thể theo Nghị quyết 11 của Chính phủ và Thông tư số 01 của NHNNVN có nhấn mạnh là các tổ chức tín dụng ưu tiên tập trung vốn cho lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn. Tuy nhiên đến nay phần lớn các bộ, ngành liên quan chưa có Thông tư hướng dẫn nên việc phối hợp thực hiện gặp khó khăn. Ngoài ra, hoạt động ngoại hối trong thời gian qua có tạm ổn nhưng thực tế vẫn còn tình trạng mua, bán ngoại tệ trái phép diễn ra ở các cửa hàng kinh doanh vàng nên Chi nhánh NHNN đề xuất NHNN Việt Nam ký kết Thông tư liên bộ để việc phối hợp kiểm tra được hiệu quả hơn.
Sơn Trần