Hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng là một công trình thuỷ lợi lớn nhất nước, hồ chứa có diện tích mặt thoáng đến 27.000 ha và sức chứa hơn 1,5 tỷ mét khối nước.
Hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng là một công trình thuỷ lợi lớn nhất nước, hồ chứa có diện tích mặt thoáng đến 27.000 ha và sức chứa hơn 1,5 tỷ mét khối nước. Hệ thống kênh tưới đưa nước ra đồng ruộng gồm 2 kênh chính với tổng chiều dài hơn 80 km; 72 tuyến kênh cấp 1 với tổng chiều dài là 275 km; 438 tuyến kênh cấp 2 với tổng chiều dài là 532 km; 633 tuyến kênh cấp 3 với tổng chiều dài là 338 km và hàng ngàn kênh nội đồng đưa nước đến chân ruộng…
Theo thiết kế ban đầu, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng có khả năng tưới đến khoảng 170.000 ha cho các địa bàn thuộc tỉnh Tây Ninh và thành phố HCM. Sau gần 15 năm nỗ lực xây dựng, năm 1985 hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng mở nước, bắt đầu phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Năm 1987 diện tích tưới trên địa bàn Tây Ninh đạt đến gần 30.000 ha. Năm 1996, Tây Ninh đầu tư thêm hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hệ thống thuỷ lợi Tân Hưng, tận dụng nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng để đưa nước tưới cho khu vực phía Nam huyện Tân Châu và Tân Biên với thiết kế vùng tưới ban đầu là khoảng 10.000 ha. Tuy nhiên thực tế hệ thống Tân Hưng chỉ mới khai thác được khoảng 2/3 diện tích thiết kế mà thôi. Và từ đó cho đến nay đã hơn 15 năm trôi qua, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng gần như không phát triển thêm được diện tích vùng tưới.
Hệ thống kênh nội đồng còn thiếu đã hạn chế khả năng tưới của hệ thống |
Theo ông Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, nhiều năm qua, diện tích thực tưới của hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn ở mức khoảng 35.000 ha mỗi vụ. Trong khi đó tổng diện tích cây hằng năm mỗi vụ đạt đến hơn 100.000 ha. Tính ra hoạt động phục vụ tưới tiêu của hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng chỉ mới đạt được hơn 1/3 diện tích sản xuất. Nguyên nhân chính khiến cho vùng tưới hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng chưa thể mở rộng được là do hệ thống kênh nội đồng còn thiếu nhiều. Chủ yếu là thiếu kênh mương có diện tích tưới dưới 50 ha và thiếu kênh nội đồng dẫn nước vào chân ruộng. Hạn chế này xuất phát từ sự phân cấp trước đây- các tuyến kênh có diện tích tưới dưới 50 ha giao cho cấp huyện chịu trách nhiệm vận động nhân dân tham gia xây dựng. Thực tế trong một thời gian dài, nhiều địa phương chưa xây dựng được bao nhiêu. Do đó, cho dù các tuyến kênh lớn đã được thi công khá đầy đủ nhưng diện tích thực tưới vẫn không mở rộng được đúng khả năng có thể tưới tiêu. Ngoài ra, còn có một số vùng có thể mở rộng được vùng tưới từ hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng, nhưng từ trước đến nay chưa được đầu tư xây dựng thêm hệ thống kênh mương.
Trong hơn 2 năm gần đây, Tây Ninh được đầu tư thực hiện dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng”. Từ dự án này, hầu hết kênh mương trên địa bàn tỉnh được bê tông hoá kiên cố, tạo dòng chảy thông thoáng. Nhiều công trình trên kênh được đầu tư sửa chữa và hoàn chỉnh đồng bộ giúp cho hệ thống vận hành, điều tiết hiệu quả hơn. Nhiều bờ kênh được gia cố trở thành đường giao thông nông thôn tạo thuận lợi trong việc đi lại sản xuất nông nghiệp và vận chuyển nông sản… Tuy nhiên theo dự án này thì việc mở rộng vùng tưới không phải là mục tiêu chính, do đó tuy mức đầu tư cho dự án rất lớn, hàng ngàn tỷ đồng, nhưng vùng tưới của hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng vẫn không mở rộng được bao nhiêu.
Khi hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng đã được gia cố, nâng cấp đã tạo được nhiều thuận lợi để Tây Ninh mở rộng thêm vùng tưới. Tuy nhiên, nếu muốn mở rộng thì trước tiên phải có định hướng phát triển, phải có quy hoạch và lộ trình thực hiện. Đây là điều mà các nhà hoạch định chiến lược phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà không thể không nghĩ đến.
Sơn Trần