Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đến nay đã bước qua tháng 11.2011, nghĩa là chỉ còn hơn 1 năm nữa thôi nhưng dự án vẫn chưa được khởi công. Vì sao dự án chậm khởi công?
Xã Thành Long, huyện Châu Thành là một trong những xã biên giới nghèo ở Tây Ninh với đất đai đa số khô cằn, hầu hết chỉ sản xuất 1 vụ trong năm. Hơn 10 năm trước đây tỉnh giao đất cho Công ty cổ phần đường Biên Hoà phát triển vùng nguyên liệu mía, vừa cung ứng cho nhà máy đường, vừa góp phần phát triển kinh tế- xã hội vùng biên giới phía Tây sông Vàm Cỏ Đông. Sau nhiều năm đầu tư phát triển, hiện nay khu vực biên giới xã Thành Long đã có hàng ngàn ha trồng mía, trong đó có cả mía của nhân dân trong vùng. Tuy nhiên năng suất mía khu vực biên giới này vẫn ở mức thấp do cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng- nhất là chưa có hệ thống thuỷ lợi.
Xí nghiệp mía Thành Long bơm nước giếng khoan vào hồ để tưới cho mía |
Giữa tháng 6.2008, sau khi được Bộ NN&PTNT cho phép lập dự án, Sở NN&PTNT đã nhanh chóng lập kế hoạch và tiến hành đấu thầu tư vấn khảo sát, lập dự án đầu tư. Tháng 11.2008, kết quả đấu thầu tư vấn khảo sát lập dự án đầu tư được Bộ phê duyệt. Tháng 6.2009, Sở NN&PTNT trình Bộ NN&PTNT hồ sơ dự án. Giữa năm 2010, Bộ NN&PTNT chính thức có quyết định phê duyệt dự án thuỷ lợi phục vụ tưới vùng nguyên liệu mía Thành Long tỉnh Tây Ninh.
Theo quyết định này, dự án thuỷ lợi phục vụ tưới vùng mía Thành Long được xây dựng với quy mô tưới tiêu cho 2.200 ha đất nông nghiệp. Hệ thống thuỷ lợi Thành Long bao gồm các hạng mục: trạm bơm, kênh dẫn, hệ thống tưới tiêu, hệ thống điện và đường quản lý vận hành. Trong đó, trạm bơm được đặt tại K5+350 trên bờ phải rạch Trà Cú hướng từ sông Vàm Cỏ Đông vào, gồm 4 tổ máy với lưu lượng bơm là 2.600 m3/giây. Kênh dẫn nước vào trạm qua rạch Trà Cú lấy nước từ sông Vàm Cỏ Đông có chiều dài gần 5,5 km. Kênh chính xuất phát từ bể xả trạm bơm đi theo hướng từ Đông sang Tây, dài khoảng 6 km với lưu lượng trên kênh dự kiến là 2 m3/giây. Hệ thống kênh tưới bao gồm: 16 kênh cấp 1 với tổng chiều dài hơn 22 km; 110 kênh cấp 2 với tổng chiều dài hơn 36 km và các tuyến kênh nội đồng. Hệ thống kênh tiêu gồm có 9 tuyến với tổng chiều dài gần 12 km. Toàn bộ hệ thống kênh- từ kênh chính đến các tuyến kênh cấp 2 đều được bê tông hoá toàn bộ. Riêng hệ thống đường quản lý vận hành trong vùng tưới có chiều dài khoảng 4,2 km, mặt đường rộng 6 m được gia cố cấp phối sỏi đỏ. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án Hệ thống thuỷ lợi Thành Long là 134 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Bộ quản lý.
Để thuận lợi trong việc triển khai thực hiện, Bộ NN&PTNT uỷ quyền cho UBND tỉnh Tây Ninh quyết định đầu tư và quyết định toàn bộ hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư. Bộ NN&PTNT giao cho Sở NN&PTNT Tây Ninh làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm quản lý nguồn vốn đầu tư, kỹ thuật, chất lượng, tiến độ thi công và tổ chức đấu thầu theo đúng chế độ xây dựng cơ bản hiện hành. Đồng thời chủ đầu tư chỉ được phép khởi công xây dựng công trình sau khi đã có quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo quyết định phê duyệt, dự án Thuỷ lợi phục vụ tưới vùng nguyên liệu mía Thành Long sẽ xây dựng trong thời gian 3 năm- từ năm 2010 đến năm 2012. Thế nhưng đến nay đã bước qua tháng 11 năm 2011, nghĩa là chỉ còn hơn 1 năm nữa thôi nhưng dự án vẫn chưa được khởi công. Vì sao dự án chậm khởi công? Theo Ban Giám đốc Ban quản lý Tiểu dự án Dầu Tiếng (Tây Ninh-PMU)- đơn vị được giao quản lý dự án đầu tư xây dựng Hệ thống thuỷ lợi Thành Long cho biết, trong năm 2010 Sở NN&PTNT Tây Ninh đã triển khai công tác lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán trình cơ quan chức năng thẩm định. Thế nhưng, bước sang năm 2011 dự án không được Trung ương bố trí vốn đầu tư do đây là công trình mới phải tạm ngưng đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24.2.2011 của Chính phủ. Không có vốn thực hiện nên dự án không thể triển khai được cho dù hồ sơ thiết kế- dự toán đã được lập xong
Như vậy thì đến bao giờ dự án đầu tư xây dựng Hệ thống thuỷ lợi Thành Long mới được tiếp tục triển khai? Ban Giám đốc Tây Ninh- PMU cho biết vì đây là công trình có tính bức thiết nên Bộ NN&PTNT đã có ý kiến đề xuất với Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ cho phép bố trí vốn đầu tư vào năm 2012 để năm sau dự án này có thể triển khai thực hiện.
Sơn Trần