BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Trúc Phương:

Hết lòng vì những trẻ em đặc biệt 

Cập nhật ngày: 25/11/2022 - 06:04

BTN - Tốn không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc, thời gian và cả nước mắt vì đứa con mắc chứng tự kỷ, giờ đây, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Trúc Phương không những giúp con mình cải thiện tình trạng mà còn giúp nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ khác dần hoà nhập với xã hội.

Chị Phương (áo dài) và người bạn thân Trần Thị Hồng Hạnh cùng nhau xây dựng nên Trung tâm An Bình Yên.

Nỗi niềm của một người mẹ…

Tốt nghiệp cao học Trường đại học Victoria (Melbourne, Australia), ThS. Nguyễn Hoàng Trúc Phương trở về Việt Nam tham gia công tác giáo dục đại học. Thật không may, mọi hoài bão của giảng viên gốc Tây Ninh phải tạm gác lại khi cô có đứa con gái đầu lòng bị rối loạn phổ tự kỷ.

Dù gia đình phát hiện khá sớm và đưa bé đi điều trị ở nhiều nơi nhưng tất cả đều chưa mang lại hiệu quả. Hằng đêm, bà mẹ trẻ khóc hết nước mắt vì con không ăn, không ngủ, không biết nói, hay chạy lung tung, nghịch đổ xà bông, mỹ phẩm, lên cơn ăn vạ rồi tự cào vào bản thân, đạp, nắm tóc người chăm sóc, cắt xé áo, rập khuôn…

Thương con, chị luôn tự hỏi nếu cứ mãi như thế thì khi lớn lên tương lai của con sẽ về đâu, người thân mất đi thì làm thế nào con có thể tồn tại được? Từ đấy, cô thạc sĩ sinh năm 1985 quyết tâm tìm hiểu, nghiên cứu về cách giáo dục cho những đứa trẻ đặc biệt.

Thời điểm bé 4 tuổi, chị Phương vừa học vừa can thiệp cho con. 3 tháng sau, bé bắt đầu biết nói và phát triển dần các kỹ năng trong niềm vui khôn xiết của cả nhà. Tình cờ, bạn bè chị cũng có con bị tự kỷ, từng chạy chữa khắp nơi nhưng không tiến triển, thấy chị đi học về và dạy con tốt nên họ muốn gửi con cho chị. Thấu hiểu những khó khăn của trẻ tự kỷ, đau khổ và vất vả của phụ huynh có con đặc biệt, chị không ngần ngại nhận lời giúp đỡ.

Một tiết học ngoài trời của các bé ở Trung tâm An Bình Yên.

Tấm lòng dành cho những đứa trẻ đặc biệt

Ban đầu, chị Phương tận dụng ngôi nhà của mình làm nơi học tập cho các bé. Với số tiền 5 triệu đồng, chị mua 1 bộ bàn ghế, 1 chiếc kệ và giáo cụ dạy học. Chị lại nghĩ rằng, nếu chỉ can thiệp cá nhân thôi thì các con chưa được đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết như sân chơi, hoạt động thể chất, âm nhạc, mỹ thuật, giác quan, kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, giáo dục giới tính, hướng nghiệp…

Vả lại, số trẻ đến với chị ngày càng đông, sức chứa của ngôi nhà thì hạn chế, thời gian, sức người cũng có giới hạn. Nhận thấy nhu cầu quá lớn từ xã hội, chị tâm sự với cô bạn thân, được động viên khởi nghiệp, tìm một cơ sở mới rộng rãi, khang trang hơn và tuyển dụng thêm nhân sự. Từ đó, ngôi nhà chung mang tên An Bình Yên ra đời.

Trung tâm tư vấn tâm lý, giáo dục và can thiệp sớm An Bình Yên bắt đầu hoạt động từ năm 2018, toạ lạc tại đường QH2, Đặng Ngọc Chinh, phường 3, TP. Tây Ninh. Chức năng chính là đánh giá, tư vấn và can thiệp cho trẻ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ, chậm nói, khuyết tật học tập, nói ngọng, rối loạn ngôn ngữ, trẻ mắc hội chứng Down…

Đề cao phương châm “Khoa học - Đạo đức - Trách nhiệm”, giám đốc chuyên môn Nguyễn Hoàng Trúc Phương cùng các cộng sự mong muốn trẻ em đặc biệt có môi trường học tập an toàn, được tiếp cận những phương pháp can thiệp tiên tiến dựa trên những ứng dụng khoa học có kiểm chứng và có một cuộc đời bình yên.

Hiện tại, nơi đây có hơn 20 giáo viên, nhân viên chăm sóc. Các giáo viên can thiệp đều có bằng cấp ngành sư phạm, các chứng chỉ liên quan và thường xuyên được cử tham gia tập huấn.

Mỗi ngày, các cô giáo đều chụp ảnh, quay phim quá trình học tập của trẻ rồi gửi cho phụ huynh xem và theo dõi tiến độ phát triển. Có thể nói, An Bình Yên chính là trung tâm can thiệp sớm lớn nhất Tây Ninh khi đang tiếp nhận khoảng 75 trẻ từ 18 tháng đến 15 tuổi, cả trong và ngoài tỉnh, có những em mang quốc tịch khác như Mỹ, Nhật Bản…

Các em có thể đến đây học cả ngày, học theo buổi hoặc theo khung giờ của gia đình sắp xếp. Dù số lượng trẻ khá đông nhưng chị Phương vẫn nhớ rõ lai lịch và quan tâm sát sao mỗi trường hợp. Bởi khi các bé đến trung tâm, đích thân cô giám đốc chuyên môn sẽ là người tư vấn lộ trình, đánh giá năng lực hành vi thích ứng, đánh giá tuổi nhận thức, chỉ số IQ...

Được biết, trung tâm có các chương trình hỗ trợ giảm học phí lên đến 70% cho trẻ thuộc gia đình khó khăn, trẻ mồ côi, gia đình có 2-3 trẻ cùng bị rối loạn phát triển. Bên cạnh đó còn có chương trình giáo dục hoà nhập, rèn kỹ năng tiền tiểu học cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1, hướng nghiệp cho thanh thiếu niên rối loạn phát triển như dạy làm bánh, nấu ăn, pha chế, đan thêu, làm đồ thủ công...

Những em có năng khiếu âm nhạc được học đàn piano tại trung tâm.

Khó khăn không ngăn nổi ước mơ lớn

Vốn là người có tinh thần ham học hỏi, hiện chị vẫn đang học thêm văn bằng hai chính quy tại khoa giáo dục đặc biệt của Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, đồng thời tranh thủ tham gia các khoá đào tạo chuyên sâu. Người phụ nữ kiên cường ấy đang là thành viên dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam”.

“Ban đầu, gia đình không ai tán thành tôi theo nghề này. Làm giáo dục đặc biệt hầu như không có lãi. Nhưng tôi đã xác định tư tưởng và chưa bao giờ có ý định dừng lại. Niềm hạnh phúc của tôi là được nhìn thấy các con sống vui vẻ và phát triển mỗi ngày.

Tôi nguyện làm tất cả cho các bé. Các bé cũng rất thương tôi, có em mỗi buổi chiều đều chạy đến ôm hôn tôi trước khi về. Tôi có một ước mơ là các em phải được sống hoà nhập, có nghề nghiệp ổn định trong tương lai, cũng như giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Vì vậy, tôi trăn trở về đầu ra cho các thanh thiếu niên mang khuyết tật vô hình”- chị Phương trải lòng.

Nói về vất vả trong nghề, chị cho biết: “Trẻ bình thường ít có những hành vi gây tổn thương cơ thể trẻ và người khác. Nhưng đối với trẻ đặc biệt, các cô phải luôn chú ý vì trẻ không biết tự phục vụ, lại rất tăng động, thường cắn, đánh, cào cấu, trẻ không ăn, không ngủ, hất tung đồ đạc, giãy khóc, đập đầu, xô bạn... và không ý thức được những nguy hiểm đang rình rập xung quanh mình. Các cô thường xuyên phải chịu đựng những cơn ăn vạ bùng nổ và không ít vết sẹo để lại trên người.

Giáo dục đặc biệt (tiếng Anh: Special Education) là các chương trình giáo dục được thiết kế dành riêng cho các học sinh có nhu cầu đặc biệt. Các học sinh có nhu cầu đặc biệt ở đây là những học sinh bị “chậm” về tinh thần, thể chất hay tình cảm. Điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển tổng thể và bình thường của trẻ, từ đó gây ra các vấn đề về nhận thức, kỹ năng trong mọi hoạt động sinh hoạt, học tập.

Ngoài ra, giáo dục đặc biệt có thể giúp các trẻ có nhu cầu được can thiệp trị liệu kịp thời, có quyền học tập và phát triển tốt nhất như những trẻ học tập trong môi trường bình thường, các trẻ có thể sống và hoà nhập cộng đồng tốt hơn. Cùng với đó chính là việc nâng cao nhận thức của xã hội với những người khuyết tật, làm cho cuộc sống ngày càng công bằng và phát triển hơn.

Anh Thư