Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bằng sự nhiệt huyết và tình yêu với các điệu múa dân tộc, dù tuổi cao, công việc bận rộn nhưng bà Cao Thị Pho La vẫn tích cực truyền dạy những điệu múa Khmer cho thế hệ trẻ.
Bà Cao Thị Pho La (sinh năm 1965) ngụ ấp Trường An, xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành) là tấm gương về phụ nữ dân tộc Khmer có ý chí, nghị lực vươn lên trong lao động sản xuất, đã và đang góp phần bảo tồn, phát huy văn hoá nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ trẻ.
Ấp Trường An, thị xã Hoà Thành có 70 hộ với khoảng 345 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Khmer. Từ lâu, những sinh hoạt văn hoá cộng đồng nơi đây được bảo tồn thể hiện sức sống mãnh liệt qua từng điệu múa, lời ca. Bằng sự nhiệt huyết và tình yêu với các điệu múa dân tộc, dù tuổi cao, công việc bận rộn nhưng bà Cao Thị Pho La vẫn tích cực truyền dạy những điệu múa Khmer cho thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn và lan toả nét đẹp văn hoá của đồng bào dân tộc.
Bà cho biết, sinh ra trong một gia đình vốn có truyền thống yêu các điệu múa Khmer, ông bà, ba mẹ đều thông thạo các bài hát, điệu múa dân gian Khmer nên từ nhỏ, bà đã thích múa, thường xuyên tự luyện tập. Khi 15 tuổi, bà có cơ hội tham gia nhiều hoạt động múa ở lớp, trường, dần gắn bó với nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ của đồng bào dân tộc vào những ngày lễ, tết.
Bà Cao Thị Pho La nói: “Thời gian gần đây, chúng tôi luôn cố gắng lưu giữ những nét văn hoá của dân tộc Khmer bằng nhiều cách khác nhau, trong đó nổi bật là việc truyền dạy các điệu múa truyền thống. Người Khmer thường nói ví von “Trẻ con Khmer biết múa, biết hát trước khi biết đọc”. Tôi hy vọng có thể truyền ngọn lửa đam mê những điệu múa dân tộc cho các bạn trẻ, để các em có cơ hội phát huy năng khiếu, kế thừa, giữ gìn giá trị văn hoá của dân tộc và lan toả đến mọi người”.
Hiện nay lớp múa có 2 đội, đội thiếu nhi gồm 7 em với độ tuổi từ 10-13, đội thanh niên có 14 em, nhỏ nhất là 17 tuổi, lớn nhất là 30 tuổi. Do các em bận đi làm và học hành nên cô giáo thường dạy vào buổi tối từ 19 giờ đến 21 giờ, chủ yếu là truyền dạy các loại hình múa dân gian với những điệu múa phổ biến như: Rom Vong, Lăm Leo, Saravan…
Với đồng bào Khmer, các điệu múa truyền thống đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người. Những dịp lễ, tết hay các lễ hội truyền thống, nghi thức mừng nhà mới, đám cưới, ca múa nhạc đã trở thành một phần văn hoá không thể thiếu, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết trong cộng đồng. Hầu hết các điệu múa của người Khmer có tính vui nhộn, thể hiện qua sự phối hợp nhịp nhàng của các động tác tay, chân theo từng điệu nhạc. Tuy nhiên để đạt được độ thuần thục trong động tác rất cần sự nỗ lực, khổ luyện, mới có thể diễn tả tốt như: sự mềm dẻo của hông, lưng, cánh tay, bàn tay, bước chân…
Em Cao Thị Diễm My (13 tuổi) nói: “Tham gia lớp học múa của cô Pho La, em được uốn nắn từng động tác, phân tích từng cử chỉ nên kỹ năng múa tiến bộ hơn, có thể tự tin tham gia biểu diễn tại các buổi văn nghệ tại trường. Em rất yêu những điệu múa truyền thống của dân tộc mình, mong muốn giới thiệu và lan toả nét đẹp này đến mọi người”.
Để những động tác, điệu múa Khmer có hồn, đúng với bản sắc của đồng bào Khmer, bà Pho La thường tìm kiếm, mua sắm thêm các đạo cụ, phục trang. Bà bảo quản phục trang kỹ lưỡng, thường xuyên lau chùi trang sức như: bông tai, mũ, vòng tay, vòng cổ, hạt cườm, thắt lưng, sẵn sàng phục vụ biểu diễn trong các ngày lễ, tết.
Bà Lê Thị Huyền Trang- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN xã Trường Tây cho biết: “Từ niềm đam mê những điệu múa, bà Pho La đã tập hợp nhiều bạn trẻ yêu nghệ thuật múa Khmer của địa phương cùng tham gia. Dù mỗi người có công việc, nghề nghiệp khác nhau nhưng họ đều có chung niềm đam mê mãnh liệt dành cho những điệu múa truyền thống của dân tộc Khmer”.
Không chỉ dành thời gian hướng dẫn, tập luyện từng động tác múa, giúp các bạn trẻ tiến bộ từng ngày, góp phần thúc đẩy phong trào văn hoá văn nghệ của địa phương, với vai trò là người có uy tín trong cộng đồng người Khmer, bà Cao Thị Pho La còn tích cực vận động mọi người tham gia tốt các phong trào thi đua do địa phương phát động. Đồng bào dân tộc Khmer giáo dục con cháu, nhắc nhở nhau không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn hoá, bài trừ hủ tục, tích cực lao đông sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình.
Phương Thảo – Hà Quang