Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hết 'nhờ vả' khi vi phạm nồng độ cồn
Thứ năm: 14:45 ngày 05/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hệ lụy từ việc sử dụng rượu, bia quá đà đã quá rõ ràng khi các “đệ tử của Lưu Linh” mất khả năng kiểm soát, gây những hậu quả khôn lường khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Ngày 30/9/2023, Tổ công tác kiểm tra chéo thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành niêm phong ô tô Camry mang biển kiểm soát 30G-053.52 của một lái xe do không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn quận Hà Đông. Ảnh: TTXVN phát

Tuy có những tín hiệu tích cực từ việc cấm sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, nhưng thời gian gần đây tại nhiều địa phương trên cả nước xuất hiện tình trạng người điều khiển phương tiện không hợp tác, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có hành động, thái độ chống lại lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ.

Hầu hết tài xế mặc dù biết được tác hại của sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, biết rõ chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, nhưng vẫn cố tình vi phạm và biện minh rằng, họ vẫn làm chủ được hành vi, làm chủ được tay lái.

Chỉ trong hơn 1 tháng ra quân (từ 28/8 đến 30/9) kiểm tra, xử lý vi phạm được lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc thực hiện, đã có trên 3.400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 22% tổng số trường hợp bị xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Theo Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), trong số các trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, có 160 trường hợp là cán bộ, công chức; có người giữ vị trí lãnh đạo, như Chủ tịch UBND phường Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Phó Giám đốc Trung tâm Quỹ đất thành phố Bắc Giang, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bắc Giang; Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự của một huyện tại TP Hồ Chí Minh; cán bộ Chi cục thuế khu vực Bến Cát, huyện Bàu Bàng (Bình Dương);

Một số cán bộ thuộc tỉnh Đắk Lắk như giám đốc Bưu điện thành phố Buôn Ma Thuột, Trưởng Phòng Tài chính kế hoạch huyện Ea Kar, Phó Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ea Kar, giám đốc Trạm Đăng kiểm số 4703D và cán bộ Chi cục Thú y Đắk Lắk. Đáng chú ý, trong số các trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, có cả người giữ vị trí lãnh đạo, đang công tác trong ngành công an như Phó trưởng Công an thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), Trưởng Công an phường ở quận Cầu Giấy (Hà Nội)…

Rất nhiều trường hợp cán bộ, công chức khi được lực lượng cảnh sát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, đã có thái độ chống đối, gọi điện nhờ vả người quen, gây khó khăn cho người thực thi công vụ.

Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát Giao thông, việc xử lý vi phạm lần này được lực lượng chức năng thực hiện kiên quyết, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật; tất cả các trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản và tạm giữ phương tiện. Điều này thể hiện qua những kết quả cụ thể với việc không ít cán bộ, công chức, thậm chí cả những người trong ngành công an vi phạm đều được xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một số trường hợp quen thói "cậy quan hệ" để nhờ vả, can thiệp, nhưng lực lượng cảnh sát giao thông đã kiên quyết lập biên bản, xử lý vi phạm.

Không thể thống kê những tác hại từ việc lạm dụng rượu bia, nhưng hàng ngày trên mặt báo, trên các trang mạng xã hội đều có thông tin về những vụ tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia quá đà... Không ít người bao biện rằng, việc nhậu, uống rượu, bia không liên quan đến ai, phớt lờ những cảnh báo về những hiểm họa khi không làm chủ được bản thân, nên cứ vui vẻ cạn ly… Có lẽ, “nếp hằn” của rượu, bia, của những bữa tiệc quên ngày, quên đêm khiến những “đệ tử của Lưu Linh” đánh mất lý trí, coi thường tính mạng của mình và của người xung quanh, quên trách nhiệm với gia đình, cộng đồng.

Trong bối cảnh như vậy, rất đáng lo ngại khi độ tuổi sử dụng rượu, bia ngày càng “trẻ hóa”. Một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ lại coi việc sử dụng rượu bia như cách để thể hiện "cái tôi" của mình, thậm chí coi việc uống rượu, bia là khẳng định sự trưởng thành của bản thân. Khảo sát của ngành Y tế cho thấy, có 43,8% học sinh từ lớp 8 - 12 đã uống cốc rượu, bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% uống đến mức say ít nhất một lần. Việc sử dụng rượu bia từ sớm gây ra những hệ lụy rất lớn đối với giới trẻ.

Theo các chuyên gia y tế, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 14 thì về sau có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp 5 lần những người đến 21 tuổi mới uống. Những cảnh báo thật đáng quan ngại không chỉ với bậc làm cha làm mẹ, mà với cả xã hội.

Ngày 29/9/2023, Cục thuế tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Huỳnh Văn Sâm, đang công tác tại Đội thuế Liên xã số 3 - Chi cục Thuế khu vực Bến Cát (huyện Bàu Bàng) để xem xét, kiểm điểm và xử lý kỷ luật về hành vi vi phạm trong việc thực hiện quy định về chấp hành nội quy, quy chế cơ quan. Ảnh: TTXVN phát

Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đang được triển khai trên toàn quốc cho thấy, Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được lực lượng cảnh sát giao thông quán triệt và thực hiện nghiêm túc, với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ngoài áp dụng các mức phạt theo quy định, lực lượng chức năng còn gửi thông báo về cơ quan, đơn vị công tác đối với cá nhân vi phạm là cán bộ, đảng viên để kiểm điểm, xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, của cơ quan theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đã đến lúc việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông không thể làm theo đợt, theo chiến dịch, mà cần tiến hành thường xuyên, không chỉ ở địa bàn trọng điểm, mà ở nhiều địa bàn khác nhau. Cũng không thể trông chờ vào sự “tự giác” hay bằng hình thức tăng mức xử phạt, mà đòi hỏi phải có một chiến lược bài bản với những quy định, chế tài hiệu quả, loại bỏ hoàn toàn thói quen “nhờ vả” khi vi phạm nồng độ cồn.

Nghị quyết 149/NQ-CP của Chính phủ triển khai chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới đã nêu rõ: "Phải siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông; nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng".

Hy vọng, đây sẽ là “thanh bảo kiếm” trong xử lý vi phạm, lập lại trật tự về an toàn giao thông.

Nguồn baotintuc

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục