Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hết tết
Chủ nhật: 22:48 ngày 17/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nói hết tết, nghĩa là vẫn còn lưu luyến tết, dù ta đã nghỉ hơn cả một tuần. Mà cái tuần tết này mới ngắn ngủi làm sao, thảo nào cổ nhân từng có câu: “Ngày xuân ngắn chẳng tày gang”. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng viết: “Ngày xuân con én đưa thoi”, ai nào dám cãi!

Chả lưu luyến cũng chẳng được! Bởi hũ củ kiệu trong tủ lạnh kia vẫn còn non nửa. Gặp bạn vẫn có thể còn mời nhau lai rai cùng củ kiệu, tôm khô. Bánh chưng, bánh tét thì bảo đảm nhà nào cũng có và còn. Đấy là chưa kể nhà mấy anh quê gốc Bắc, gốc Trung thế nào cũng còn “lưu dung” những nem chạo, thịt đông hoặc cả nem chua. Thấy vài món ấy, y như là thấy tết.

Nhưng mà tết vẫn cứ hết. Như mọi sự kiện khác thôi, có khởi đầu thì có kết thúc. Vậy nên anh chị em ta lại phấn khởi đi làm. Có làm thì mới có cái để “hàm nhai”. Chuyện này thì ai cũng biết. Dân ta đã lục tục làm ăn trên mọi nẻo đường.

Chiều mùng 4 tết khai mạc hội xuân. Tôi cũng hăm hở chạy xe vào lúc 15 giờ, trời còn chang nắng. Nhưng, người xe đã đổ về đông lắm. Cái bãi xe mênh mông trước cổng chính đã đầy ắp xe. Ở lại có mà chịu cảnh tắc đường, như một mùa khai hội vài ba năm trước. Thôi đành quay về thôi, có khi lại xem được toàn cảnh hơn, qua trực tiếp truyền hình.

Ấy nhờ thế, tôi được quan sát cảnh bà con Tây Ninh ta nhộn nhịp làm ăn, nhân dịp phục vụ khách hành hương về hội núi. Đường Bời Lời ngạt ngào thơm mùi khói gà quay. Nắng thì mặc nắng. Chủ những lò quay gà kê ngay bên mặt lộ vẫn không ngơi tay. Thực ra là cả chùm chục con xiên dùi sắt cứ quay đều trên thùng than nghi ngút khói. Giá vẫn như năm ngoái, 150 ngàn đồng một con căng tròn thây lẩy, tươm mỡ vàng ươm. Thật rõ là kinh tế thị trường. Cạnh tranh công khai thế, ai mà dám tăng giá bắt chẹt khách.

Ta sẽ còn ngạc nhiên hơn nếu đi trên tỉnh lộ 784 cho thoáng. Đường này tiện cho du khách TP. Hồ Chí Minh hay các tỉnh đi lên. Quả nhiên, đường có thoáng thông hơn, dù dự án mở rộng đường còn dang dở. Thoáng, là nhờ con đường xuyên qua những cánh đồng, rẫy ruộng ngời xanh hoa trái, cao su. Dù đây cũng đã là các khu phố của các phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh và bên kia kênh Tây là xã Bàu Năng.

Trống thoáng đã đành, nhưng bên con đường này bà con ta còn phục vụ du khách một món ẩm thực tươi non, mà nếu ai lâu chưa ăn sẽ thấy ngay rằng ngon chưa từng có. Giản dị thôi, đây là bắp nấu. Từng đống bắp vỏ xanh màu lá mạ kia làm mát mắt khách qua đường. Bên đống bắp thế nào cũng có một cái nồi nhôm lớn đang sôi sùng sục.

Thật là quá hợp cảnh hợp tình. Tết nhất ai cũng đã no chán những thịt thà, bánh mứt. Thì đây, một món quà quê xanh rờn, bóc ra trắng muốt như hàm răng các cô nàng Hàn Quốc trên phim. Xa xa trên rẫy, trên đồng, những vòi nước xoay tít cần mẫn vung lên trời nắng chang những sắc cầu vồng. Chợt nhớ ra, tôi đang đi qua vùng rau củ quả trọng điểm của tỉnh thời chuỗi liên kết giá trị công nghệ cao ở tỉnh nhà đang phát triển.

Đến cầu K13 rẽ trái sẽ tới “doanh trại” của Công ty Trà Hoàn Ngọc 7 Nga. Đi thẳng 784 sẽ qua những vùng cây nguyên liệu của thương hiệu trà Tâm Lan nổi tiếng. Không khó khăn mấy đi tìm thêm những nho rừng, ổi, nhãn, sầu riêng… thậm chí dâu tây theo các nẻo đường 781 và 784.

Vậy mà hết tết! Khi những mùa vụ cây trái cứ nối tiếp kéo dài những sắc tươi non hai bên tỉnh lộ.

Khi tôi viết những dòng này, trên HTV7 vẫn rộn vang những bài ca tết. Để biết rằng không riêng gì tôi quyến luyến tết quê mình. Thế nhưng tết cũng có những nét tự phai nhạt đi lúc nào đó mà ta chẳng biết. Như một câu thành ngữ mà tôi mới biết lần đầu và cũng không thấy ai còn nhắc tới, nhờ đọc bài phỏng vấn một nhà nghiên cứu người Nga về văn hoá Việt Nam ta (Báo Lao động cuối tuần ngày 13.1.2019). Chị bảo: “Câu nói Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy tương đối mới. Còn một câu khác cũ hơn là Mùng một chơi nhà, mùng hai chơi ngõ, mùng ba chơi đình”.

Câu chữ có thể quên, nhưng tập quán vẫn vững bền. Chẳng phải mùng một tết nào đường phố cũng vắng huơ đấy sao. Bởi người ta thường chỉ ở nhà chúc tết mẹ, cha, con cháu. Mùng hai mới thấy người đi chơi, hỏi thăm những bà con dòng họ, láng giềng (như là tết ngõ). Đến mùng 3 mới ra ăn tết ở đình là một mái nhà chung của làng xã cộng đồng.

Đọc câu này, rồi đúng sáng mùng 3 tôi chạy xe tới mấy ngôi đình trong thành phố. Đình Thái Bình cũng có lễ khai sơn nhưng chỉ có Ban Quý tế. Đình Thái Ninh cũng bày biện gà luộc, trái cây làm lễ, nhưng chỉ có một vị Trưởng ban Hội đình quét lá trên sân. Một phong tục đẹp xa xưa đã nhạt nhoà với người dân thành phố rồi chăng?

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục