Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Chân núi Bà Đen:
Hiểm hoạ từ các hầm khai thác đá cũ
Thứ tư: 12:00 ngày 14/01/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Từ chuyện một học sinh lớp 8 bị chết do đuối nước tại hầm khai thác đã cũ ở chân núi Bà Đen, tại khu phố Ninh Bình, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh vào ngày 11.1.2015, phóng viên Báo Tây Ninh đã thâm nhập thực tế các hầm khai thác đá tại khu vực dọc theo đường vành đai núi, thuộc địa phận phường Ninh Sơn.

Cảnh đẹp…”chết người” của “hồ ba bể”- nơi em học sinh lớp 8 đuối nước chết vào ngày 11.1.2015

TIỀM ẨN NGUY CƠ CHẾT NGƯỜI

Không thể phủ nhận là các hầm khai thác đá cũ dưới chân núi Bà Đen hiện trở thành những cảnh đẹp thu hút nhiều người đến chiêm ngưỡng. Như hầm đá mà mới đây có em học sinh tử nạn được người dân nơi đây đặt tên là “hồ Ba Bể” bởi diện tích hầm rộng đến hơn 1 ha, cặp theo vách đá tạo nên cảnh đẹp tuyệt vời, nhiều người đến tham quan, chụp ảnh. Tại hầm còn có nơi bán nước giải khát và mắc võng cho khách ngồi chơi. Thậm chí có cả những sàn nhà “dã chiến” được dựng lên cặp bờ hầm để phục vụ chụp ảnh cưới.

Khi chúng tôi đến đây quan sát thì thấy có bảng cảnh báo “hầm sâu nguy hiểm” được đóng vào gốc cây, nhưng do bảng khá nhỏ nên nếu không chú ý cũng khó thấy. Tại đây còn có tấm bảng khác ghi “tắm hầm, đừng chặt chuối để bơi!”. Ngoài ra, tại quán giải khát (đang nghỉ bán) vẫn còn nhiều cái áo phao, có lẽ cũng có nhiều người đến thuê để xuống hầm tắm.

Một người dân làm rẫy gần đây cho biết, dọc theo chân núi có khoảng vài chục cái hầm khai thác đá có độ sâu đến vài chục mét. Tuy nhiên, phần lớn các hầm không có rào chắn và có hầm thì có bảng cảnh báo, có hầm thì không.  Đa số các hầm trên đã ngưng khai thác khoảng 5- 6 năm nay. “Không hiểu các ngành chức năng có yêu cầu họ phải có biện pháp phục hồi môi trường là rào chắn hay không mà hiện nay phần lớn các hầm đều không được bảo vệ”- một người dân băn khoăn.

Chúng tôi lần theo các con đường mòn để vào các hầm khai thác đá cũ khác. Hầu như không có hầm khai thác đá nào có diện tích nhỏ. Còn về độ sâu, người dân làm rẫy ở đây cho biết, hầm cạn nhất cũng sâu trên 10m, còn thường là sâu 20- 30m. Những hầm đá trên hiện vẫn còn khá đầy nước, tạo thành những hồ nước rất lạnh, luôn tiềm ẩn nguy cơ chết người.

Người biết bơi chưa chắc thoát chết khi xuống hầm vì có thể bị chuột rút do lạnh. Một người dân cho biết chính ông chứng kiến lực lượng cứu hộ lặn tìm thi thể em học sinh ở “hồ Ba Bể”, dù được trang bị quần áo lặn chuyên nghiệp, ít thấm nước, nhưng sau khi lặn lên, các anh lính cứu hộ đều lạnh run.

Nhiều người dân làm rẫy và sinh sống ở khu vực núi Bà cho rằng cơ quan chức năng cần có biện pháp cảnh báo hiệu quả để tránh xảy ra những cái chết thương tâm. Từ trước đến nay tại các hầm khai thác đá cũ này không chỉ xảy ra vụ học sinh chết đuối vừa qua mà đã từng có người đi câu cá trượt chân té xuống hầm đá tử vong.

CẦN SỰ HỖ TRỢ CỦA CÁC NGÀNH CHỨC NĂNG

Liên hệ với UBND phường Ninh Sơn, chúng tôi được biết lãnh đạo UBND phường đã từng đi khảo sát và thấy được mối hoạ tiềm ẩn của những hầm đá trên. Theo lãnh đạo phường, hiện có hơn 50 hầm đá dọc theo chân núi. Tuy nhiên, do những doanh nghiệp khai thác đá trước đây đã “rút” đi hết nên địa phương không thể mời làm việc để yêu cầu họ lập rào chắn an toàn.

Riêng “hồ Ba Bể” là hầm khai đá của Công ty 742, nhưng hiện nay UBND phường không biết làm sao liên hệ để yêu cầu họ làm rào chắn. Thời gian qua, phường cũng đã thực hiện việc đóng bảng cảnh báo nguy hiểm ở những hầm đá. Nhưng qua thời gian, một số bảng cảnh báo bị trẻ con nghịch phá nhổ bỏ, nên hiện nhiều hầm không có bảng cảnh báo.

Thay vì cảnh báo người dân về độ sâu nguy hiểm của “hồ Ba Bể”, cái quán tại góc hầm đặt tấm bảng cảnh báo “Tắm đừng chặt chuối bơi, cảm ơn” .

Thực tế việc người nơi khác đến các hầm đá để tắm từng xảy ra. Thậm chí có người còn chặt cây chuối để làm bè, từ đó xảy ra nhiều vụ tranh cãi giữa chủ vườn chuối và người chặt chuối, khiến Công an phường phải đến xử lý. Để tránh những trường hợp đáng tiếc tiếp tục xảy ra, phường sẽ tiến hành kiểm tra và chấn chỉnh lại việc lắp đặt biển cảnh báo “Hầm sâu nguy hiểm” tại những hầm đá.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND phường thì bản thân địa phương không thể thực hiện tốt việc bảo đảm an toàn ở các hầm khai thác đá khu vực chân núi Bà Đen, bởi có những việc không thuộc thẩm quyền. Từ đó lãnh đạo phường mong các ngành chức năng hỗ trợ phường kiểm tra lại hiện trạng các hầm khai thác đá, và hỗ trợ phường trong việc yêu cầu các doanh nghiệp, chủ hầm khai thác đá trước đây phải có trách nhiệm phục hồi cảnh quan, rào chắn lại các hầm đá để bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn cho người dân. Đồng thời cũng có biện pháp cảnh báo người dân về sự nguy hiểm từ các hầm khai thác đá cũ.

THẾ NHÂN – HUY THÔNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục