Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hiểm họa từ 'infodemic' về SARS-CoV-2
Thứ hai: 09:03 ngày 26/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bên cạnh đại dịch COVID-19, Việt Nam và các nước đang phải đối diện một áp lực khác nặng nề không kém: “infodemic” (đại dịch tin giả).

LTS: Lượng tin sai sự thật, xuyên tạc, thuyết âm mưu… (gọi chung là tin giả) liên quan đại dịch COVID-19 liên tục tăng. Tin giả đang khiến các nỗ lực của nhà nước và giới y tế chịu tác động tiêu cực, mặt khác có thể khiến người dân gặp nguy hiểm về sức khỏe.

Loạt bài “Cuộc chiến chống tin giả mùa dịch” sẽ góp phần phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp cho các cơ quan chức năng. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã liên tục nhấn mạnh tin giả “đang giết người” khi Mỹ đương đầu với cuộc chiến chống COVID-19. Trong khi đó, thế giới đã xuất hiện nhiều cảnh báo rằng tin giả có thể “đổ thêm dầu vào lửa”, làm đại dịch COVID-19 trở nên nghiêm trọng và khó đối phó hơn.

Thế giới bắt đầu nghe nhiều hơn bao giờ hết về một vài khái niệm khiến nhiều người giật mình, như “infodemic” (từ Tổ chức Y tế Thế giới - WHO), “misinfodemic” (từ một số chuyên gia nghiên cứu truyền thông).

Tạm hiểu các khái niệm này là “đại dịch về tin giả, tin phiến diện”. Bà Melissa Fleming, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, chia “đại dịch thông tin” về COVID-19 thành hai giai đoạn: (i) Làn sóng tin giả đầu tiên nhắm vào virus và các thuyết âm mưu về nguồn gốc của nó; (ii) Làn sóng thứ hai xuất hiện từ tháng 11 năm ngoái, xoay quanh các vấn đề về độ an toàn và hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19.

“Đại dịch tin giả” nguy hại ra sao?

Tại Việt Nam, hồi tháng 5, mạng xã hội Facebook xuất hiện bài viết “Mọi người ơi, mình có thuốc Nam trị COVID-19…”. Trước đó, nhiều người dân tỉnh Quảng Ngãi đã lan truyền thông tin: “Ăn trứng gà chữa được dịch COVID-19”. Đến giữa tháng 7, tin giả mạo danh các nhà khoa học Singapore và mạo nguồn Bộ Y tế xuất hiện tràn lan trên Facebook: “...có thể điều trị COVID-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu”.

Công an TP.HCM vừa khởi tố hình sự một người đàn ông ở quận Bình Thạnh, TP.HCM về hành vi đăng tin xuyên tạc, sai sự thật liên quan đến dịch bệnh. Ảnh: TTBC 

Mạng xã hội thời gian qua cũng không thiếu tin giả khuyến khích sử dụng các loại lá cây, rễ cây, nội tạng động vật (quý hiếm), hoặc thậm chí là “bùa chú” để chống lại virus. Hàng trăm phương pháp phòng, chữa bệnh vô lý đến từ “nhà tôi ba đời làm bác sĩ”, “nhà tôi có phương pháp trị bệnh cổ truyền”… xuất hiện thường xuyên với sức hút mạnh mẽ đến kỳ lạ trên mạng xã hội.

Giữa chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất lịch sử diễn ra tại Việt Nam, các thông tin về vaccine cũng rất đáng chú ý. Nhiều tài khoản mạng xã hội xưng danh “bác sĩ”, chuyên gia y tế (làm việc ở nước ngoài) đăng tải các nội dung phản khoa học, cố tình khiến người xem hiểu sai về công dụng của vaccine. Đáng báo động, “virus tin giả” này thu hút lượt thích (like), chia sẻ (share) chóng mặt.

Điển hình như: “Virus SARS-CoV-2 chỉ gây bệnh cúm thường, trong khi vaccine thật ra lại là chất độc”; “vaccine có thể khiến phần lớn phụ nữ có thai bị sảy thai”; “vaccine Trung Quốc có thể khiến người tiêm bị theo dõi, điều khiển”; “người tiêm vaccine phần lớn có thể thiệt mạng vì bị đông máu”; hoặc “tiêm vaccine có thể bị nhiễm bệnh vì virus bất hoạt trong vaccine có thể “sống lại””.

Trên thế giới, theo công bố của tạp chí The American Journal of Tropical Medicine and Hygiene (Mỹ) tháng 7-2020, vì tin rằng uống rượu nồng độ cao có thể tiêu diệt virus SARS-CoV-2, tại Iran đã có khoảng 800 người chết, 60 người trở nên mù lòa và gần 5.900 người nhập viện cấp cứu sau khi uống methanol để… phòng bệnh.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ước tính có khoảng 30 người chết vì lý do tương tự. Tại Qatar, hai người đàn ông đã uống chất khử trùng hoặc nước rửa tay chứa cồn sau khi tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 vì tin có thể ngừa bệnh. Ở Ấn Độ, một nhóm 12 người (có năm trẻ em) đã nhiễm độc sau khi uống rượu ngâm từ hạt Datura (cà độc dược) để ngừa COVID-19.

Các chuyên gia y tế và chuyên gia tâm lý học truyền thông đều có chung nhận định: (1) Tin giả về COVID-19 thường định hướng bạn đọc đến các giải pháp phòng bệnh và chữa bệnh “theo dân gian, theo lời đồn” mà chưa được các cơ quan y tế thẩm định, thậm chí đã được chứng minh là phản khoa học. (2) Trái lại, các giải pháp chống dịch tích cực, như tiêm vaccine hay áp dụng các phác đồ điều trị đã được chứng minh lâm sàng thì bị tin giả “gieo rắc sự sợ hãi” bằng thuyết âm mưu, làm khống số liệu, mạo danh, thổi phồng các tai biến hiếm gặp trong tiêm chủng. Như vậy, tin giả có thể “giết chết người dân” giữa đại dịch, dù đó là “chết” về sức khỏe tâm lý hay nguy hiểm về sức khỏe thể chất.

“Ma thuật” của tin giả

TS Gergely Nyilasy (ĐH Melbourne, Úc) so sánh tin giả giống như “ma thuật” hấp dẫn những ai muốn biện minh để trở về cuộc sống trước đại dịch; hạ thấp hoặc phủ nhận mối đe dọa từ COVID-19; từ chối các biện pháp phòng dịch. Nhiều người thiếu nhận thức hoặc cố chấp tin vào tin giả, từ chối điều trị hoặc dùng cách chữa trị vô căn cứ, đe dọa sức khỏe và tính mạng bản thân.  

Hủy hoại nỗ lực của chính phủ, cơ quan y tế

Các loại thông tin độc hại có nhiều muôn ngàn cách ẩn mình (ví dụ: Mạo danh các nhà khoa học, mạo danh cơ quan y tế, mạo danh cơ quan báo chí-truyền thông, mạo danh người có tầm ảnh hưởng (KOLs), làm khống số liệu, cắt ghép bối cảnh…). Thậm chí, có hẳn các chiến dịch ác ý lan truyền tin giả một cách bài bản, có đầu tư và lôi kéo được một lượng lớn người xem “trung thành”.

Nhà báo Lương Nguyễn An Điền (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Yusof Ishak, Singapore) dẫn báo cáo của Avaaz (một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu, mạng xã hội) cho biết có 3,8 tỉ lượt xem trong một năm; 460 triệu lượt xem trong một tháng; 42 trang Facebook trong hệ sinh thái thông tin này có tất cả 28 triệu người theo dõi. Đó là thống kê từ mạng lưới các trang Facebook phát tán tin giả, thất thiệt về vấn đề y tế - sức khỏe trên toàn cầu.

“Điều đáng báo động là trong tất cả tin thất thiệt được phân tích, chỉ có vỏn vẹn 16% được dán nhãn (để cảnh báo). Điều đó có nghĩa là 84% các tin, bài sai sự thật trên Facebook vẫn tồn tại mà không có bất kỳ nhãn dán cảnh báo nào” - ông Điền nói.

Trên thực tế, “đại dịch tin giả” còn xuất hiện nhiều trên các nền tảng mạng xã hội khác, đặc biệt là YouTube hay khi tìm kiếm trên Google. Các nghiên cứu, khảo sát về tâm lý học truyền thông trên thế giới đều chỉ ra rằng giữa đại dịch COVID-19 thì “đại dịch” tin giả sẽ khiến người dân suy giảm lòng tin đối với các biện pháp chống dịch vốn được xây dựng trên cơ sở khoa học; ảnh hưởng uy tín của giới chuyên gia y tế với những rủi ro tiềm ẩn lâu dài. Thậm chí, “đại dịch tin giả” sẽ đe dọa các nỗ lực chống dịch của chính phủ và cơ quan y tế.

Lấy ví dụ, tin giả về thuốc ngừa hoặc trị COVID-19 có thể khiến người dân bỏ qua khuyến cáo của các cơ quan y tế. Tin giả “số người chết vì dịch” sẽ gây hoang mang cho người dân, hoài nghi năng lực hệ thống y tế. Tin giả “vaccine gây hại” có thể khiến người dân từ chối tiêm chủng.

Tin giả về lockdown (phong tỏa) có thể khiến người dân “rồng rắn” đi gom hàng hóa. Tin giả “địa phương bỏ mặc người yếu thế” (nghèo khó, bệnh nền, thất nghiệp, F0) có thể gây bức xúc cho người dân, tạo điều kiện cho kẻ gian xúi giục phá rào. Hệ quả là các mục tiêu “bảo vệ tính mạng con người”, tạo miễn dịch cộng đồng, ngừa dịch bệnh lan rộng, tạo sinh kế cho người dân… đều bị ảnh hưởng.

Tại Việt Nam, mới đây nhất xuất hiện tin giả “một người đàn ông ở Thủ Đức tự thiêu vì bức xúc chính sách chống dịch của địa phương”. Trước đó, một tấm ảnh chụp cảnh nhiều thi thể người chết được tung lên Facebook, giả mạo rằng đó là người chết vì COVID-19 ở TP.HCM. Các thông tin này ban đầu đã gây hoang mang, lo lắng, bức xúc cho nhiều người nhưng sau đó đã được các cơ quan chức năng minh định và có biện pháp xử lý nghiêm. Từ khi dịch xuất hiện ở Việt Nam năm 2020, có hàng chục vụ tương tự đã xảy ra. Tuy nhiên, xử lý “chuyện đã rồi” không phải là một cách tiếp cận hiệu quả, có giá trị lâu dài.

Kỳ tới: Làm sao tấn công “infodemic” về SARS-CoV-2?

Tin giả được nhiều KOLs cổ súy

Tuần trước, Nhà Trắng dẫn lại thông tin từ Trung tâm Chống thù ghét trên mạng xã hội (CCDH) nhắc tới nhóm 12 người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) phát tán phần lớn tin giả về vaccine ngừa COVID-19, theo báo The Guardian. Nổi bật là ông Robert F. Kennedy Jr., cháu trai của cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Một số thành viên của nhóm này còn hành nghề y nhưng có quan điểm cực kỳ tiêu cực về vaccine.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vô cùng có ảnh hưởng đến người dân Mỹ và thế giới, cũng từng đăng tải một số thông tin bị cho là sai sự thật nghiêm trọng về tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ và bị Facebook, Twitter xóa tài khoản trên các mạng xã hội này. VK 

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục