Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Con số hơn 6.000 ca phải nhập viện do uống rượu đánh nhau trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi- 2015 trong cả nước khiến dư luận băn khoăn, các cơ quan chức năng đau đầu. Tại Tây Ninh, trong 9 ngày nghỉ tết nguyên đán vừa qua, Bệnh viên Đa khoa tỉnh cũng tiếp nhận đến 42 ca tai nạn do đánh nhau mà phần lớn có liên quan đến rượu.

|
HẬU QUẢ KHI SỬ DỤNG RƯỢU
Mùng 7 Tết nguyên đán, chúng tôi đã đến tìm hiểu một số trường hợp tai nạn đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh có liên quan đến rượu. Thật bất ngờ, có nhiều người phải ăn tết trong bệnh viện vì lý do… vô cùng lãng xẹt.
Nhiều ngày nằm tại bệnh viện, N H.Q (23 tuổi), nhà ở huyện Tân Châu không hiểu sao mình lại có thể… gan đến như thế. Mẹ của Q cho biết, vào những ngày tết, khi đã có chút rượu trong người, Q cảm thấy buồn bực nên dùng tay đấm vào tủ kính. Kết quả cánh tay của Q bị đứt gân phải nhập viện phẫu thuật để nối gân tay. Hơn 1 tuần qua, Q và mẹ ăn tết tại khoa ngoại của bệnh viện. Khi tay lành, Q còn phải tập vật lý trị liệu để phục hồi. Trò chuyện với chúng tôi, Q không biết vì sao lúc đó mình lại liều đến như vậy. Có lẽ là do trong người có rượu.
Sát bên giường bệnh của Q là anh Đ.T.N (32 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) đang nằm mệt mỏi do vừa mới phẫu thuật trước đó 2 ngày. Người nhà của N cho biết, đêm mùng 5 tết, N và một số anh em cùng xóm tổ chức nhậu mừng xuân mới. Không biết trong lúc “chén chú, chén anh” xảy ra mâu thuẫn như thế nào mà N bị một người bạn thân dùng dao đâm vào một nhát vào lưng. Gia đình chỉ biết chuyện khi được hàng xóm kêu chở N đi cấp cứu. Vợ N phải cùng chồng “ăn tết” tại bệnh viện. Riêng anh bạn thân của N thì bị Công an đang tạm giữ để lấy lời khai.
Không như anh Q và anh N, trường hợp của anh L.T.H (26 tuổi, ngụ huyện Tân Châu) lại là nạn nhân của “thần men”. Anh H cho biết, chiều ngày mùng 6 tết, người anh rể của anh sau khi uống rượu đã dùng cây đuổi đánh con gái mình. Nghe tiếng cháu gái kêu cứu, anh H chạy sang nhà khuyên can anh rể. Kết quả, H bị người anh rể dùng cây đánh vào đầu, té bất tỉnh, được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Tân Châu. Sau đó anh H được chuyển xuống Bệnh viên Đa khoa Tây Ninh để điều trị do nghi anh bị chấn thương sọ não.
RƯỢU KHÔNG CÓ “TỘI”
Trong một vài vụ án “giết người” mà TAND tỉnh đưa ra xét xử năm 2014, khi các bị cáo đứng trước vành móng ngựa để chịu sự trừng phạt của pháp luật, có người lại đổ thừa cho “rượu”. Đơn cử như kẻ cầm đầu trong vụ án tại quán nhậu F6, khi ra toà cũng cho rằng do có rượu, không kiềm chế được bản thân khi bị thách thức nên mới cùng đồng bọn cầm dao đến quán gặp ai chém nấy, làm một người vô tội tử vong và nhiều người bị thương. Dù biện hộ như thế nào thì kẻ cầm đầu trong vụ án cũng không thoát khỏi bản án tử hình.
Bị cáo Nguyễn Văn Nhựt (SN 1993, ngụ tại ấp Bàu Đưng, xã Tân Phong, huyện Tân Biên), phạm tội “Giết người” cũng do nguyên nhân từ rượu. Vào khoảng 15 giờ 30 ngày 30.10.2013, Nhựt tổ chức uống rượu tại nhà cùng với anh rể là Nguyễn Thành Nam, cháu ruột là Nguyễn Minh Hiếu. Sau khi cả ba “nốc” hết 3 lít, Nhựt, Nam, Hiếu rủ nhau đi lấy tổ ong mật ở nhà ông Sung, tại ấp Bàu Đưng. Khi Nhựt, Hiếu và Nam chuẩn bị lấy tổ ong thì anh Trương Văn Bé (ở gần nhà ông Sung) đến nhắc nhở việc lấy tổ khiến ong bay ra đốt tụi nhỏ. Nhựt lấy cây rựa đuổi theo chém anh Bé nhiều nhát. Kết luận giám định cho thấy tỷ lệ tổn thương cơ thể của anh Bé là 49%. Kết quả, Nguyễn Văn Nhựt phải lãnh mức 16 năm tù về tội “Giết người”.
Đó là chỉ là một số trường hợp mà những kẻ gây án khi trong người có rượu phải nhận lãnh. Thực tế hệ luỵ của rượu để lại cho xã hội không thể thống kê hết. Bởi ngoài số người chết, người bị thương, người vào tù… còn có rất nhiều người liên đới và gây nhiều tốn kém, ảnh hưởng đến nhiều gia đình. Vậy mà vẫn còn không ít người chưa nhận thức được tác hại ghê gớm của rượu, họ vẫn không thể “kiềm lòng” thoát ra khỏi những cám dỗ chết người này. Để rồi khi quá chén, chính bản thân họ, gia đình họ và nhiều gia đình khác phải gánh lấy hậu quả khi xảy ra tai nạn giao thông, đâm chém nhau, thậm chí là giết người.
Tuy nhiên, bản thân rượu không có “tội” mà tội lỗi là do người sử dụng rượu không kiềm chế được mình. Đồng thời cũng có người “dựa” vào rượu để bộc phát tính côn đồ, hung hăng của mình. Phải làm sao để mọi người nhận thức rõ được sự tác hại ghê gớm của rượu để tự mình hạn chế, lúc đó may ra hậu quả do sử dụng rượu mới được giảm thiểu.
THẾ NHÂN