Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hiểm hoạ từ xe chở hàng cồng kềnh
Thứ bảy: 17:39 ngày 03/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hình ảnh những chiếc xe lôi, xe mô tô, xe điện, thậm chí cả xe đạp chở hàng hoá cồng kềnh trên các tuyến đường không còn xa lạ với người tham gia giao thông. Những hành vi này, không chỉ là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, đe doạ đến tính mạng người đi đường.

Xe chở hàng cồng kềnh khi tham gia giao thông.

Bà Kim Thị Hương, 55 tuổi, ngụ ấp Bình Hoà, xã Thái Bình, huyện Châu Thành kể, mới đây, bà đi thăm cháu nội. Khi đến khu chung cư Bình Phong, bà Hương bị một người chạy xe mô tô, một tay cầm lái, một tay còn lại giữ thanh sắt dài chạy đối diện. Mặc dù bà Hương né sát vào lề đường nhưng vẫn bị cây sắt gạt té xuống đường. May mắn cho bà Hương, đây là khu chung cư ít có xe tải qua lại nên bà chỉ xây xát nhẹ.

Chủ một cửa hàng bán vật liệu xây dựng ở Châu Thành cho biết, khi đi mua một tấm tôn, một cây sắt hoặc một chiếc khung cửa, vì “không đáng” để gọi xe lôi chở nên khách hàng thường cột vào sau xe mô tô để chở. Có người một tay vác sắt trên vai, tay kia chạy xe nên rất dễ gây tai họa trên đường.

Anh Nguyễn Văn Du, tài xế xe trung chuyển của một hãng xe, là người thường xuyên đưa, đón khách rất bức xúc tình trạng trên. Anh Du cho biết, những chiếc xe mô tô, xe lôi, xe đạp điện chở nước đá, ve chai, bình gas hoặc chở sắt thép, tấm tôn, tấm kính, khúc cây... vẫn cứ bon bon trên đường, bất chấp việc gây nguy hiểm cho người đang cùng tham gia giao thông. Những trường hợp như vậy rất dễ bị mất lái, khó có thể xử lý kịp trước những tình huống phát sinh trên đường.

Theo ông Lý Văn Gì - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, tình trạng các phương tiện xe thô sơ chở hàng hoá cồng kềnh vượt quá mức quy định khi tham gia giao thông vẫn là vấn đề nhức nhối trên các tuyến đường. Trong tháng 10.2018, Cảnh sát giao thông các huyện, thành phố đã xử lý 22 trường hợp vi phạm chở hàng hoá cồng kềnh, trong đó Gò Dầu nhiều nhất là 14 vụ, Dương Minh Châu 4 vụ, Tân Châu 2 vụ, còn lại xảy ra ở các huyện khác.

Vẫn biết cuộc sống mưu sinh nhiều khó khăn, vất vả, nhưng không phải vì vậy mà lại vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ðây là hành vi nguy hiểm, xem thường tính mạng, sức khoẻ của chính mình và người đi đường.

 Thiết nghĩ, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, Cảnh sát giao thông các địa phương cần tăng cường tuần tra, kiên quyết xử lý những đối tượng điều khiển xe chở hàng cồng kềnh khi tham gia giao thông.

Điều 9, Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT quy định: xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hoá, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3m; không vượt quá phía sau giá đèo là 0,5m; chiều cao xếp hàng tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5m.

Điều 6, Nghị định 46/2016/NĐ-CP xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, phạt tiền từ 300 đến 400.000 đồng đối với các hành vi sau đây: người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác cồng kềnh; xếp hàng hoá trên xe vượt quá giới hạn quy định, điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.

HÀ QUANG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục