BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hiếm thấy nụ cười của “đầy tớ của dân” khi giải quyết công vụ 

Cập nhật ngày: 21/11/2022 - 08:41

Từ khi thực hiện nền văn hóa công vụ thì thái độ tiếp dân của người thực thi nhiệm vụ đã cải thiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ở các cơ quan công quyền, không hiếm gặp những “đầy tớ của dân” vẫn mang nặng tính cửa quyền, trịch thượng và hách dịch đối với người dân.

Người nhà tôi bị ốm phải điều trị trong một bệnh viện tại Hà Nội. Đến chăm sóc bệnh nhân, tôi tuân thủ đúng giờ giấc quy định. Thế nhưng, được vào thăm, vừa ngồi xuống cái ghế dành cho người nhà cạnh giường bệnh nhân, cô hộ lý trạc tuổi con tôi nhìn tôi với ánh mắt khó chịu: “Vào chăm bệnh nhân mà ngồi thế à, không dọn bàn rửa cốc à?”. Tôi hơi giật mình nhưng cũng đành làm theo yêu cầu của cô hộ lý với mong muốn không tạo căng thẳng để khi không có tôi, người nhà không bị làm khó.

Khi chuẩn bị mang cốc ra khỏi phòng, tôi lại thấy cô hộ lý mắng xa xả một chị khác, nhìn hơn tuổi tôi khá nhiều: “Không đọc quy chế à, đã mua đủ đồ chưa, bảo mua 2 cốc sao chỉ có 1?”. Đến lúc này, tôi cảm thấy không chịu được nữa bèn “cảnh cáo” nhẹ nhàng: “Cháu ơi, cháu xem lại cả cô và bác đây có lẽ đều hơn tuổi mẹ cháu. Cháu ăn nói thế có ổn không, nếu cháu tiếp tục cô sẽ phản ánh lên lãnh đạo bệnh viện đấy!”.  Cô hộ lý có vẻ bẽn lẽn, bèn thay đổi thái độ, giao tiếp với người bệnh và mọi người nhẹ nhàng hơn và có chủ ngữ khác hẳn lúc ban đầu.

Đã có nhiều quy định về Văn hóa giao tiếp nơi công sở và Văn hóa giao tiếp với nhân dân nhưng vẫn hiếm thấy nụ cười của “đầy tớ của dân” khi giải quyết công vụ (tranh internet)

Thực ra, đây chỉ là một tình huống rất nhỏ mà bất cứ ai đều không khó bắt gặp ở đâu đó trong các cơ quan công sở, nhất là ở các cơ quan hành chính cấp phường/xã, ở các bệnh viện… nơi giải quyết thủ tục hành chính. Những gương mặt lạnh lùng, câu nói trống không, chỏng lỏn là chuyện thường gặp ở những nơi này.

Mới hồi đầu năm năm nay, một phụ nữ có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 đến trạm y tế xã Gia Xuyên, Trung tâm y tế TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương vào buổi tối để xin giấy quyết định cách ly. Bệnh nhân này đã gặp ông Nguyễn Duy Hợp, Trạm trưởng Trạm y tế xã Gia Xuyên đang trực phòng, chống dịch Covid-19. Sau khi nghe bệnh nhân “xin xỏ”, ông Hợp mắng chửi bệnh nhân này thậm tệ, khiến người này bật khóc. Ông Hợp không cho F0 cơ hội được giải thích mà liên tục mắng nhiếc.

Hay cũng trong năm nay, trên một số trang mạng xã hội lan truyền một đoạn video clip ngắn ghi cảnh một người được cho là Chủ tịch UBND xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình có hành vi to tiếng với người quay clip mình. Bên cạnh đó, người được cho là Chủ tịch UBND xã Đông Á còn liên tục nói: “Quay này! Quay này, mày thích quay này. Muốn quay thì vào đây...”. Sau khi đoạn clip lan truyền gây bức xúc thì ông Phí Đức Vui, Chủ tịch UBND xã Đông Á, thừa nhận người trong clip chính là mình.

Còn trong nhiều bệnh viện, nhất là ở những cửa khám bảo hiểm y tế, dễ dàng thấy cảnh nhân viên y tế không ngẩng mặt lên, giao tiếp chỏng lỏn với người bệnh, kể cả những người đáng tuổi cha mẹ mình. Khổ nhất là nhiều cụ già khi đi khám bệnh không hiểu thủ tục, nội quy, nếu hỏi thì bị “từ mẫu” bực dọc “xem lại nội quy”.

Ở một số nơi làm thủ tục hành chính ở cấp phường xã, dù thái độ tiếp dân so với trước đây đã cải thiện hơn rất nhiều nhưng cũng không hiếm cảnh người dân vào làm thủ tục với thái độ ngại ngần, khúm núm vì chỉ sợ hỏi nhiều thì “đầy tớ của dân” lại khó chịu và gây khó dễ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói về trách nhiệm và nghĩa vụ của người “đầy tớ” đối với dân. “Đảng ta là đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào-đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất cả cán bộ đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân”.

Trong rất nhiều văn bản luật cũng có những điều khoản dành riêng quy định về văn hóa công sở như Luật Cán bộ, công chức năm 2008 có quy định về Văn hóa giao tiếp nơi công sở và Văn hóa giao tiếp với nhân dân. Trong đề án Văn hóa công vụ cũng quy định rõ mục tiêu nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội. Rồi trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo rõ cần phải “xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện và tận tình phục vụ Nhân dân”…

Phải khẳng định, trong nhiều năm qua, khi Chính phủ và các Bộ ngành ráo riết chỉ đạo xây dựng bộ máy hành chính hiện đại, công khai, minh bạch và thực hiện nền văn hóa công vụ thì chất lượng thực hiện thủ tục hành chính được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, việc thực hiện những chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ vẫn chưa được như mong muốn, ở các cơ quan công quyền, những hình ảnh, thái độ phục vụ của “đầy tớ của dân” vẫn mang nặng tính cửa quyền, trịch thượng và hách dịch đối với người dân.

Trong các cuộc họp về cải cách hành chính của Trung ương và các địa phương cũng nhiều lần chỉ ra rằng, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong cải cách hành chính. Một bộ phận cán bộ thái độ phục vụ, nhất là cán bộ tiếp xúc với dân, còn bất cập, chưa tận tụy và thuyết phục. Tình trạng công dân, doanh nghiệp hỏi, cơ quan Nhà nước không trả lời, im lặng kéo dài vẫn còn không ít...

Vì sao đã có nhiều quy định mang tính bắt buộc về văn hóa công sở nhưng nhiều “đầy tớ của dân” vẫn mang gương mặt lạnh lùng khi tiếp dân? Có lẽ trước hết do những “đầy tớ” chưa nhận thức được đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong thực thi nhiệm vụ. Nhiều người vẫn mang nặng tư tưởng bao cấp, chủ quan duy ý chí, cho mình quyền được “hạch sách” và “ban phát” đối với người dân.

Một nguyên nhân nữa là do thiếu kiên quyết, nhất quán và đồng bộ trong khâu tổ chức thực hiện cải cách hành chính và thực thi pháp luật. Nhiều nơi về lý thuyết là thực hiện cơ chế một cửa nhưng thực tế vẫn theo kiểu “nhiều cửa”, vẫn còn tình trạng “xin xỏ”, chạy chọt trong giải quyết thủ tục hành chính dẫn đến việc những người “đầy tớ của dân” tự nhiên trở thành người có quyền hành trong tay, còn người dân trở nên yếu thế, khúm núm khi gặp “đầy tớ” để giải quyết vấn đề của mình.

Đất nước ngày càng hội nhập và phát triển, nền hành chính công vụ cũng cần phải phát triển tương xứng như yêu cầu của Chính phủ và các cơ quan liên quan. Hạt nhân của sự phát triển nền văn hóa công vụ chính là con người. Vì thế, đã đến lúc phải hạn chế và dần xóa sổ những “bộ mặt lạnh lùng” và các hiện tượng “xin-cho”,  nhờ vả, lót tay… trong nền hành chính công vụ.

Đây cũng là yêu cầu cấp thiết được Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo trong phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ hồi giữa tháng 10 vừa qua “Cải cách hành chính là công việc nặng nề, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm vì tác động đến con người và tổ chức nhưng khó mấy cũng phải làm. Nếu không làm sẽ cản trở sự phát triển. Không để lãng phí thời gian, công sức vì thủ tục hành chính, tắc trách và quan liêu của người thi hành công vụ”./.

Nguồn VOV.VN


 
Liên kết hữu ích