Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2023:
Hiện đại hoá hệ thống thuế, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Thứ bảy: 09:51 ngày 17/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Điện tử hoá, số hoá công tác quản lý thuế, trọng tâm là hoá đơn điện tử; thúc đẩy cung cấp dịch vụ thuế điện tử được toàn ngành Thuế xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành Thuế trong năm 2022.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Chiều 15.12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2023; công bố Cổng thông tin thương mại điện tử và chương trình hoá đơn điện tử từ máy tính tiền. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Bộ và trực tuyến đến 477 điểm cầu trên toàn quốc. Ông Hồ Đức Phớc- Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Cục Thuế Tây Ninh, tham dự có ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Tấn Lợi- Cục trưởng Cục Thuế, lãnh đạo các cơ quan Thuế huyện, thị xã, thành phố.

Năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết tâm, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp quản lý thu ngân sách Nhà nước, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, đã góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, bảo đảm nguồn lực Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Tổng cục Thuế, năm 2022, thu ngân sách do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 1.460.100 tỷ đồng, bằng 124,3% dự toán (vượt 285.200 tỷ đồng), tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.387.200 tỷ đồng, bằng 121% dự toán (vượt 240.500 tỷ đồng), tăng 6,6% so cùng kỳ.

Có 63/64 Cục Thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2022 được giao (gồm Cục Thuế Tây Ninh). Trong đó, có 43/64 Cục Thuế có mức tăng trưởng thu so cùng kỳ. Số tiền thu hồi nợ thuế đạt 39.000 tỷ đồng. Tổng số tiền nợ thuế ước tính đến thời điểm cuối năm 2022 là 122.918 tỷ đồng. Tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng thu năm 2022 ước tính khoảng 8,4%.

Năm 2022, ngành Thuế đã xử lý khoanh nợ, xoá nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đạt 2.757 tỷ đồng. Luỹ kế kết quả thực hiện xử lý nợ từ khi Nghị quyết số 94/2019/QH14 có hiệu lực (1.7.2020) đến thời điểm báo cáo ước đạt 35.229 tỷ đồng.

Nhờ chủ động được nguồn thu, ngành thuế góp phần thực hiện tốt các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ giảm thiểu các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát; tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế cũng như triển khai các gói hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân giảm khó khăn, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Điện tử hoá, số hoá công tác quản lý thuế, trọng tâm là hoá đơn điện tử; thúc đẩy cung cấp dịch vụ thuế điện tử được toàn ngành Thuế xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành Thuế trong năm 2022.

Ngày 21.4.2022, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã tổ chức lễ công bố triển khai hệ thống hoá đơn điện tử trên toàn quốc. Đến ngày 1.7.2022, 100% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh đang sử dụng hoá đơn đã chuyển sang sử dụng hoá đơn điện tử. Tính đến thời điểm này, đã có trên 2,1 tỷ hoá đơn điện tử được phát hành.

Bên cạnh đó, với mục tiêu khuyến khích người tiêu dùng lấy hoá đơn khi mua hàng, cũng như tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hoá/dịch vụ phải có hoá đơn, chứng từ, ngành Thuế đã tổ chức các chương trình “Hoá đơn may mắn” tại 63/63 địa phương với tổng số trên 2.700 giải thưởng đã được lựa chọn và trao thưởng.

Đến nay, Tổng cục Thuế đã hoàn thiện hệ thống quản lý hoá đơn điện tử đáp ứng yêu cầu triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Ngày 24.11, Tổng cục Thuế đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho các Cục Thuế, sẵn sàng triển khai chính thức trên toàn quốc từ tháng 12.2022.

Đối với công tác cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính thuế và hiện đại hoá hành chính thuế, qua rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế, Tổng cục Thuế đã cắt giảm 70 thủ tục hành chính (giảm từ 304 xuống còn 234 thủ tục), giảm 23% so với cuối năm 2021. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia, cụ thể: hoàn thành điện tử hoá 103 thủ tục và tích hợp 97 thủ tục lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá và làm rõ hơn kết quả công tác thuế năm 2022, đồng thời đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện công tác thuế năm 2023. Theo đó, ngành Thuế tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, chống thất thu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2023 được Quốc hội giao. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp, chính sách về gia hạn, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; đồng thời tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp này nhằm hỗ trợ, giúp người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.

Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Ngay sau khi triển khai công tác thuế năm 2023, Tổng cục Thuế thực hiện nghi thức kích hoạt Cổng thông tin điện tử kết nối với các sàn thương mại điện tử trong nước và triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho tổ chức, người nộp thuế thực hiện nộp thuế khi giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đồng thời tạo nền tảng cơ sở dữ liệu, tăng cường công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành Thuế trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022 đạt được những kết quả rất khả quan trong tình hình chung của cả nước còn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thống nhất với 10 nhiệm vụ, 22 nhóm giải pháp trong năm 2023 của Tổng cục Thuế đề ra trong năm 2023, Bộ trưởng đề nghị cần khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra tai hội nghị, tập trung thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ bảo đảm tính minh bạch, xây dựng trung tâm dữ liệu thuế và dữ liệu hoá đơn điện tử; tập trung cải cách hành chính hiệu quả hơn nữa, chống trượt giá, nợ đọng thuế; tập trung mọi nguồn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chống thất thu ngân sách; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp, chính sách về gia hạn, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Ông Hồ Đức Phớc đề nghị ngành Thuế tiếp tục cải cách hiện đại hoá hệ thống thuế, đơn giản hoá thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hoá đơn điện tử; tiếp tục triển khai tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nuôi dưỡng nguồn thu; thực hiện quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác; tăng cường thanh, kiểm tra, thu hồi nợ thuế.

Nhi Trần

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục