Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hiện đại hoá hệ thống thương mại 

Cập nhật ngày: 12/06/2022 - 11:52

BTNO - Trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2001-2005 khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng bình quân 17,4%/năm (theo giá so sánh 1994) và tăng bình quân 18,5%/năm giai đoạn 2006-2010 (theo giá so sánh 2010). Các ngành thương mại, vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính, tín dụng là các ngành chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng khu vực dịch vụ.

Người tiêu dùng mua hàng tại cửa hàng Bách Hoá Xanh.

Trong thời kỳ 2011-2020, ngành thương mại – dịch vụ của tỉnh có xu hướng giảm dần tỷ trọng trong cơ cấu GRDP (năm 2010 đạt 36,3%; năm 2015 đạt 34,4%; năm 2020 đạt 30,2%); tiếp tục giữ vững kênh phân phối truyền thống, phát triển các loại hình thương mại hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, phục vụ sinh hoạt của dân cư, tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 5,6%/năm.

Tính riêng cho giai đoạn 2016-2020, các hoạt động có mức tăng trưởng khá là hoạt động thông tin – truyền thông (10,3%), hoạt động chuyên môn, khoa học – công nghệ (7,9%), tài chính – ngân hàng (7,4%).

Đến năm 2020, ngành bán buôn, bán lẻ là ngành dẫn đầu với tỷ trọng cao nhất, chiếm khoảng 16%; đứng thứ hai là dịch vụ lưu trú và ăn uống với tỷ trọng 6,9% toàn ngành. Hoạt động thông tin truyền thông và tài chính ngân hàng là các nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng đóng góp ở mức khá, có khả năng tạo ra thêm nhiều giá trị hơn cho ngành thương mại – dịch vụ của tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh đã mời gọi một số nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn Vingroup, Sungroup... đến đầu tư tại tỉnh với các dự án như Khu hỗn hợp trung tâm thương mại, shophouse, khách sạn 5 sao Vincom plaza; hệ thống các tuyến cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen và các công trình phụ trợ…

Tuy nhiên, đóng góp của du lịch trong kinh tế còn khá khiêm tốn. Những điểm hạn chế của ngành du lịch là các dịch vụ du lịch còn chưa đa đạng để du khách ở lại lưu trú dài ngày, thiếu sự kết nối giữa các điểm du lịch, kết nối vùng với các địa phương khác.

Nhân viên Bách Hoá Xanh thanh toán cho khách hàng.

Định hướng của tỉnh trong thời gian tới là hiện đại hoá hệ thống thương mại thiết yếu; khuyến khích phát triển các loại hình thương mại mới gắn với sự phát triển của công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, tỉnh khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch; nâng cao chuỗi giá trị, tăng tỷ trọng du lịch trong GRDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phấn đấu đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Tỉnh chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc, đưa Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực, cả nước và quốc tế, là tâm điểm dẫn dắt, lan toả đến các sản phẩm du lịch khác của tỉnh Tây Ninh và khu vực Đông Nam bộ.

Mặt khác, xây dựng Tây Ninh trở thành một cửa ngõ logistics kết nối Tây Nguyên và Tây Nam bộ, Campuchia và Đông Nam bộ có chất lượng lao động trong ngành logistics cao và quy mô của các ngành dịch vụ logistics tương xứng với tiềm năng.

Khai thác được thế mạnh vị trí địa lý kết hợp các hình thức vận chuyển hành khách và hàng hoá bằng đường bộ, đường sông; phát triển công nghiệp và nông nghiệp tại địa phương để tham gia xây dựng và khai thác các chuỗi cung ứng logistics hỗ trợ sản xuất và kinh doanh các sản phẩm của địa phương.

Giang Hà