BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng: Từ dự án đến hiện thực, cập rập và sai sót

Cập nhật ngày: 23/11/2009 - 06:13

Đến đầu tháng 12 tới, kênh chính Tây bắt đầu mở nước trở lại để phục vụ tưới tiêu cho vụ đông xuân 2009-2010. Như vậy chỉ còn vài ngày nữa là việc thi công nâng cấp hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong năm 2009 cơ bản chấm dứt, phần còn lại phải chờ đến mùa mưa năm 2010 mới tiếp tục thi công trở lại. Trong 70 ngày cắt nước kênh chính Đông và 120 ngày cắt nước kênh chính Tây để tập trung thi công nâng cấp hệ thống kênh mương cho thấy sự nỗ lực của các Ban quản lý dự án. Thế nhưng qua đó cũng cho thấy còn khá nhiều vấn đề rất đáng băn khoăn.

Kỳ 1: Khối lượng 6 năm, dồn lại 2 năm

Thi công trên kênh TN17.

Tháng 9.2003 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án hỗ trợ thuỷ lợi Việt Nam” (VWRAP) do Ngân hàng thế giới đầu tư cho vay- trong đó có dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng”. Cuối năm 2003, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt “Báo cáo nghiên cứu khả thi” dự án và sau đó Hiệp định vay vốn đã được ký kết giữa Việt Nam và Ngân hàng thế giới. Theo quyết định phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu đầu tư thực hiện dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng” là: nâng cấp, sửa chữa các công trình đầu mối, bảo đảm an toàn hồ chứa; sửa chữa, nâng cấp 2 kênh chính Đông và Tây đảm bảo chuyển tải đủ lưu lượng thiết kế để tưới cho hơn 115.000 ha bao gồm 2 khu tưới hiện tại và mở rộng khi tiếp nước từ hồ Phước Hoà; gia cố và xây dựng bổ sung hệ thống kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 và kênh đến mặt ruộng, kênh tiêu thuộc hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh để đảm bảo tưới 57.300 ha; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ quản lý khai thác theo hướng hiện đại hoá… Thời gian thực hiện dự án là 7 năm- bắt đầu từ 2004 đến năm 2010. Để bắt tay thực hiện dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng”, ở Tây Ninh đã hình thành 2 Ban quản lý gồm: Ban quản lý khu đầu mối của Trung ương thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban quản lý hệ thống kênh từ cấp 1 trở xuống thuộc tỉnh quản lý (gọi tắt là PMU Tây Ninh).

Mùa mưa năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty TNHH 1 thành viên Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng thông báo từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 11 sẽ cắt nước trên 2 tuyến kênh chính Đông và Tây để thi công nâng cấp hệ thống kênh mương theo dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng”. Việc cắt nước 4 tháng mùa mưa được thực hiện trong 2 năm 2009 và 2010 để tập trung thi công hoàn thành cơ bản dự án VWRAP trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, sau khi có thông báo thì có một số địa phương không đồng tình do thời gian cắt nước quá dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt… nên Bộ NN-PTNT giảm thời gian cắt nước trên kênh chính Đông từ 120 ngày xuống còn 70 ngày. Ngày 1.8 vừa qua cả hai tuyến kênh chính đều cắt nước để tiến hành thi công. Đến giữa tháng 10 kênh chính Đông mở nước trở lại, đó cũng là thời điểm hệ thống kênh mương thuộc kênh chính này ngưng thi công. Đầu tháng 12 tới, kênh chính Tây tiếp tục mở nước thì việc thi công hệ thống kênh mương thuộc kênh chính này cũng tạm ngưng. Phần còn lại phải chờ đến đợt cắt nước năm sau mới có thể tiếp tục thi công được.

Vì sao một dự án có vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, với khối lượng thi công rất lớn, địa bàn thi công trải rất rộng mà cơ bản chỉ tập trung triển khai thi công trong 2 mùa mưa 2009 và 2010, với tổng thời gian thi công có 8 tháng trên hệ thống kênh chính Tây và chưa đến 5 tháng trên hệ thống kênh chính Đông? Theo Ban quản lý dự án sở dĩ thời gian thi công nâng cấp hệ thống kênh mương thuỷ lợi Dầu Tiếng cập rập như vậy là bởi vì theo hiệp định vay vốn ký kết với Ngân hàng thế giới thì đến năm 2011 là kết thúc dự án. Áp lực về thời gian kết thúc dự án đã khiến cho công việc dồn lại trong mấy năm cuối thực hiện dự án. Thế nhưng nguyên nhân cơ bản của việc thi công cập rập không phải do thời gian ký kết hiệp định vay vốn quá ngắn mà do dự án được triển khai thi công quá chậm. Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì dự án triển khai từ năm 2004 và kết thúc năm 2010. Năm 2011 là giai đoạn hoàn tất và quyết toán dự án. Tuy nhiên, chẳng biết do ách tắc khâu nào mà mãi đến năm 2007 khu đầu mối mới triển khai thi công một số hạng mục nâng cấp đảm bảo an toàn hồ chứa. Còn hệ thống kênh mương- từ kênh chính đến kênh cấp 1, 2, 3 thì mãi đến giữa năm 2009 mới triển khai thi công- chậm hơn dự kiến đến hơn 5 năm. Chính vì chậm trễ như vậy nên toàn bộ khối lượng công việc nâng cấp hệ thống kênh tưới dự kiến thi công trong 6 năm- từ năm 2005 đến năm 2010, gồm: 2 kênh chính- tổng chiều dài hơn 80 km; 72 tuyến kênh cấp 1- tổng chiều dài là 275 km; 438 tuyến kênh cấp 2- tổng chiều dài là 532 km; 633 tuyến kênh cấp 3- tổng chiều dài là 338 km… với tổng khối lượng thực hiện là gần 5,7 triệu m3 đất đào, hơn 4,7 triệu m3 đất đắp, 340 ngàn m3 bê tông, 32 ngàn m3 đá xây…, nay dồn lại chỉ còn có 2 năm 2009 và 2010, còn năm 2011 thì cơ bản hoàn tất và quyết toán.

Riêng phần kênh từ cấp 1 trở xuống do PMU Tây Ninh quản lý đã gặp rất nhiều khó khăn do triển khai thi công chậm. Theo dự kiến ban đầu, năm 2005 Tây Ninh sẽ triển khai thực hiện trước 2 khu mẫu là hệ thống kênh N20 thuộc kênh chính Đông tưới 3.300 ha cho

Một trong những công trường “dã chiến” bên bờ kênh.

huyện Trảng Bàng và hệ thống kênh TN17 thuộc kênh chính Tây tưới 5.600 ha cho huyện Châu Thành. Sở dĩ 2 khu tưới này được gọi là “mẫu” bởi vì đây được chọn là 2 khu tưới triển khai thi công nâng cấp trước tiên, sau khi hoàn chỉnh sẽ có hội nghị sơ kết đánh giá và rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai nâng cấp đại trà ở các khu tưới còn lại cho đến năm 2010. Theo dự kiến này thì việc nâng cấp toàn bộ hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh khi triển khai đại trà sẽ tránh được nhiều sai sót, tiến độ thi công không phải chịu nhiều áp lực thời gian và chất lượng công trình sẽ được bảo đảm. Thế nhưng thực tế lại không phải như vậy. Bởi vì mãi đến hơn 4 năm sau- giữa năm 2009 cả 2 khu tưới mẫu mới được triển khai thi công. Do áp lực thời gian còn lại quá ngắn nên không chỉ có 2 khu tưới mẫu mà cùng lúc có nhiều khu tưới khác cũng được triển khai thi công. Cụ thể trong giai đoạn cắt nước năm nay, PMU Tây Ninh đã cho triển khai thi công đến 22 gói thầu cùng một lúc. Do đó mà thực tế khu tưới mẫu chẳng còn tính chất mẫu đúng như dự kiến vì không còn thời gian chờ hoàn chỉnh để sơ kết rút kinh nghiệm. Do vậy, những sự cố, sai sót trong quá trình triển khai thi công ở 2 “khu tưới mẫu” này xảy ra như thế nào thì ở những khu tưới khác cũng xảy ra giống như vậy. Kết quả là có nhiều sai sót trong quá trình thi công ở hầu hết các khu tưới- từ cách bố trí công trường, tập trung lực lượng xe máy, nhân lực đến quy trình thi công, công tác giám sát thi công…

Từ đó dẫn đến một thực tế là trong giai đoạn thi công gấp gáp vừa qua, trên hàng loạt tuyến kênh trong toàn tỉnh đã có không ít vấn đề phát sinh làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình…

SƠN TRẦN

(còn tiếp)