BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng: Từ dự án đến hiện thực, cập rập và sai sót (kỳ 2)

Cập nhật ngày: 25/11/2009 - 05:21

>> Kỳ 1: Khối lượng 6 năm, dồn lại 2 năm

Đầu tháng 8.2009, hai tuyến kênh chính Đông và Tây đồng loạt cắt nước để tiến hành thi công nâng cấp với tổng dự toán lên đến gần 300 tỷ đồng. Cùng lúc đó, trên hệ thống kênh từ cấp 1 trở xuống cũng đồng loạt thi công nâng cấp 5 khu tưới, gồm 22 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu là 219 tỷ đồng. Chỉ sau vài tuần lễ triển khai thi công, đã có nhiều sai sót xảy ra. Điều đáng nói là sai sót do nguyên nhân khách quan thì ít, mà do chủ quan thì rất nhiều (!).

Kỳ 2: sai sót từ thiết kế đến thi công

Bê tông mái kênh cấp 2.

Có lẽ vì phải gấp rút triển khai dự án nên công tác tư vấn thiết kế chưa chuẩn xác ở nhiều tuyến kênh trong hệ thống phải nâng cấp, mà khi chuẩn bị triển khai thi công mới phát hiện có chệch choạc so với kênh hiện hữu. Cụ thể, theo Công ty TNHH 1 TV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, đơn vị đang quản lý vận hành hệ thống kênh từ cấp 1 trở xuống trên địa bàn tỉnh, thì có đến 13 tuyến kênh đang thi công có cao trình thiết kế cao hơn cao trình cống hiện hữu. Như vậy, các tuyến kênh này rất khó hoặc không thể lấy nước từ kênh cấp trên để tưới cho đồng ruộng. Ngoài ra, có một số tuyến kênh khi thiết kế thi công nâng cấp thì mặt cắt mới lại nhỏ hơn mặt cắt hiện hữu làm giảm lưu lượng nước trên kênh, đồng nghĩa với giảm diện tích tưới tiêu. Cụ thể như tuyến TN 25-10, diện tích tưới thiết kế cũ là 251 ha, nhưng diện tích tưới thiết kế mới chỉ có 100 ha- giảm đến 151 ha; tuyến kênh TN 25-11 theo thiết kế cũ thì diện tích tưới là 208 ha, nhưng diện tích thiết kế mới chỉ có 151 ha. Điều này dẫn đến nghịch lý là khi kênh chưa được nâng cấp thì diện tích tưới lớn, nhưng sau khi nâng cấp thì diện tích tưới lại giảm. Điều này PMU Tây Ninh đã biết và tiến hành điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, khi phải điều chỉnh thiết kế thì sẽ gây hao tốn thêm thời gian và tiền bạc.

Việc thiết kế một số tuyến kênh chưa phù hợp thực ra không phải là phổ biến, mà vấn đề đã và đang gây nhiều băn khoăn là chất lượng công trình và tiến độ thi công. Chỉ hơn 1 tuần lễ sau ngày cắt nước, cán bộ Công ty TNHH 1 TV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh đã phát hiện đơn vị thi công gói thầu số 5 trên kênh TN 17 làm hư hỏng 3 cống tiêu luồn lắp băng qua dưới đáy kênh. Đây không phải là hư hỏng do sơ sót mà là do chủ ý của đơn vị thi công. Bởi vì khi mới cắt nước thì nước trong lòng kênh vẫn còn, muốn thi công phải tháo hết nước ra. Nhưng thay vì phá bỏ bờ kênh để nước thoát ra, đơn vị thi công không muốn phải tốn công làm lại nên đã chọc thủng đáy kênh, xuyên thủng cống tiêu luồn Þ100 phía dưới để thoát nước. Thực tế cho thấy đơn vị thi công đã chọc thủng đến 3 cống tiêu luồn như vậy. Muốn khắc phục hậu quả này phải thiết kế lại, đào đáy kênh để thay cống mới, tốn kém đến hàng trăm triệu đồng mỗi cống bị hư hỏng. Sau khi bị phát hiện, PMU Tây Ninh đề nghị xử phạt hành chính và buộc đơn vị thi công trả lại hiện trạng ban đầu. Đến nay việc khắc phục vẫn chưa hoàn chỉnh.

Đây chỉ là một trong những việc làm tuỳ tiện và vô trách nhiệm của đơn vị thi công, trong quá trình thi công còn xảy ra rất nhiều sai sót, cẩu thả khiến nhiều nơi không đạt chất lượng. Công việc chủ yếu trong quá trình nâng cấp kênh là bê tông hoá mà công đoạn đầu là bê tông mái trong bờ kênh. Theo nguyên tắc, khi bạt mái thì lớp đất màu phải được bốc dỡ đưa ra ngoài kênh. Thế nhưng có nhiều đoạn, đơn vị thi công không làm như vậy mà đắp thẳng lớp màu này vào mái kênh- vừa đỡ tốn công vừa đỡ phải tốn đất đúng chuẩn đắp lại trước khi đổ bê tông mái kênh. Hậu quả là lớp bê tông mái kênh không bền vững do lớp đất mặt không ổn định. Thậm chí có nơi chưa kịp đổ bê tông thì lớp đất mái đã trôi tuột xuống. Cũng có không ít bờ kênh, vỉ sắt cốt để đổ bê tông mái kênh được lắp hời hợt, chân vỉ có khi không đủ tiếp nối với đáy, rất dễ hư hỏng do kết cấu không chắc chắn. Một số nơi lớp bê tông mái kênh vừa mới đổ đã bị lún sụt. Không ít tuyến kênh lớp đất màu sau khi bạt mái thì đơn vị thi công bỏ luôn dưới lòng kênh mà không bốc đổ ra ngoài trước khi mở nước. Cụ thể như ở kênh chính Đông, do lòng kênh còn tồn quá nhiều đất nên Công ty TNHH 1 TV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng phải gia hạn thời gian mở nước chậm hơn dự kiến 10 ngày để đơn vị thi công nạo vét, nhưng đến khi mở nước vẫn còn tồn đọng một lượng rất lớn. Số đất tồn đọng này sẽ lắng xuống đáy kênh khi mở nước, làm bồi lắng lòng kênh, đồng thời cũng sẽ tạo ra sự thiếu bền vững khi bê tông hoá lòng kênh. Kênh chính Tây cũng vậy, đến thời điểm gần đến ngày mở nước mà đáy kênh vẫn còn nhiều dải đất chưa nạo vét hết, bờ kênh nhiều đoạn chưa ban phẳng.

Công đoạn quan trọng nhất khẳng định chất lượng công trình là chất lượng bê tông khi đổ mái bờ kênh. Theo Ban quản lý cho biết, hợp đồng thi công với nhà thầu yêu cầu chất lượng bê tông phải đảm bảo tối thiểu là mác 200. Giai đoạn đầu, cán bộ giám sát sử dụng súng bắn bật nẩy để xác định bước đầu chất lượng bê tông tại hiện trường. Qua đó cho thấy có không ít nơi không đạt yêu cầu mác 200. Chỉ số súng đo 28 thì bê tông đạt mác 200, nhưng thực tế có không ít nơi không đạt, thậm chí có nơi đạt không tới 20. Tuy nhiên, lúc đầu các nhà thầu không chấp nhận kết quả đo bằng súng bật nẩy tại hiện trường thể hiện mà đòi phải đưa mẫu về trung tâm kiểm định. Qua kiểm định tại trung tâm, vẫn có một số mẫu bê tông không đạt yêu cầu, đồng thời cũng có “điều lạ” là có một số mẫu vượt yêu cầu đến gấp rưỡi- đạt mác trên 300, cá biệt có mẫu đạt đến hơn 400 (?). Qua con số vượt chuẩn quá sức tưởng tượng này có người băn khoăn “chẳng lẽ lại có nhà thầu “hào phóng” đến như vậy hay sao?” và cũng có người nghi ngại “phải chăng có “vấn đề” trong việc lấy mẫu bê tông đưa đi kiểm định?”. Hiện nay, qua trao đổi thì các nhà thầu đã thống nhất chấp nhận kết quả đo chất lượng bê tông tại hiện trường bằng súng bật nẩy. Điều này đã giúp cán bộ giám sát công trình dễ dàng hơn trong việc đánh giá chất lượng khi thực hiện giám sát.

Dùng máy Kô- be để bạt mái bờ kênh.

Sau khi triển khai thi công gần 2 tháng, PMU Tây Ninh có văn bản báo cáo tình hình thực hiện dự án, trong đó đánh giá: “Hầu hết các hợp đồng xây lắp đều chậm so với tiến độ cam kết; quy trình và chất lượng thi công của một số nhà thầu không đạt yêu cầu kỹ thuật đã nêu trong hồ sơ mời thầu; có những nhà thầu không bố trí đúng cán bộ chủ chốt và nhân lực, thiết bị theo hồ sơ mời thầu; nhiều lãnh đạo đơn vị thi công thiếu sự quan tâm, không nắm bắt thông tin thực tế diễn biến tại hiện trường nên không có sự chỉ đạo thi công sâu sát, dẫn đến chậm tiến độ và việc quản lý chất lượng nội bộ của nhà thầu còn nhiều khuyết điểm”. Từ đánh giá đó, PMU Tây Ninh đã có văn bản yêu cầu các nhà thầu xem xét lại việc tổ chức thi công ở hiện trường, chấn chỉnh để đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình đúng như đã cam kết. Đồng thời, PMU Tây Ninh cũng đã tiến hành xử lý những trường hợp sai phạm hợp đồng thi công đã bị phát hiện. Kết quả là gần cuối thời gian cắt nước, tình hình vi phạm có vẻ bớt phức tạp hơn.

Tuy nhiên việc thi công hệ thống từ kênh cấp 1 trở xuống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, theo tổng hợp của PMU Tây Ninh đến giữa tháng 11, về chất lượng thi công thì trong 22 gói thầu chỉ có 1 gói thầu đạt được 100% chất lượng, 14 gói thầu đạt được từ 80 đến 95% chất lượng, còn lại đạt dưới 75%. Đáng lo ngại là trong đó có 1 gói thầu chỉ đạt có 35% chất lượng và 2 gói chỉ đạt 40% chất lượng. Riêng về tiến độ thi công thì đến giữa tháng 11 có đến 11 gói thầu được đánh giá là chậm, 4 gói thầu có tiến độ trung bình, chỉ có 7 gói thầu được đánh giá khá.

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc thời gian thi công nâng cấp kênh mương năm 2009. Thế nhưng những vấn đề cập rập, sai sót thì vẫn chưa hết, vì có thể sẽ còn tiếp tục tái diễn. Từ kết quả năm nay, liệu đợt thi công mùa mưa năm sau có hạn chế được sai sót hay không?...

Sơn TrẦn

(Còn tiếp)