BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hiến máu nhân đạo: Việc nghĩa, ai nỡ chối từ

Cập nhật ngày: 08/06/2009 - 10:42

Cả gia đình đều thích làm việc nghĩa

Khi chúng tôi đến thăm gia đình chị Võ Thị Đương 44 tuổi ở xã Phước Lưu (huyện Trảng Bàng) thấy cả nhà đang quây quần ăn cơm sáng để chuẩn bị đi làm mướn. Nán lại ít phút, chị Đương kể: “Hai vợ chồng tôi có 4 đứa con nhưng không có lấy một cục đất chọi chim, không ai được học hành tới nơi tới chốn và cũng không có nghề nghiệp ổn định. Mấy năm trước, thấy thằng con trai tôi tên Lê Minh Nhân tham gia hiến máu, thú thật là chưa biết ra sao nên tôi hơi rầu, hơi buồn và có la rầy con. Nhưng sau đó, thấy sức khoẻ nó vẫn bình thường, thậm chí còn khoẻ mạnh hơn nên tôi mừng, liền biểu mấy đứa con tôi cùng tham gia. Bản thân tôi cũng làm gương, xung phong hiến máu được 3 lần. Tôi muốn được hiến máu nhiều hơn nữa nhưng vì mỗi lần làm thủ tục hiến máu là tôi hay hồi hộp và tim bị đập mạnh nên bác sĩ không cho lấy máu. Sắp tới tôi cũng tham gia nữa và rủ ông xã cùng tham gia hiến máu luôn”.

Lê Minh Nhân, 25 tuổi, người tham gia hiến máu đầu tiên và đang đứng “top ten” trong gia đình với thành tích 8 lần tham gia hiến máu, cười hiền nói: “Em là đoàn viên thanh niên của Xã đoàn Phước Lưu. Mấy năm trước, chị bí thư Xã đoàn và Hội Chữ thập đỏ xã đến vận động hiến máu. Hiểu được ý nghĩa của việc làm nhân đạo này nên em tình nguyện tham gia. Lần đầu tiên bị lấy ra khỏi cơ thể một bịch máu, em nghe cũng ớn ớn nhưng về nhà thấy không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ, em vẫn ra đồng làm thuê với những công việc nặng nhọc như cuốc đất, giẫy cỏ, vác lúa… nên từ đó em mạnh dạn tham gia hiến máu đến nay”.

Lê Minh Nghĩa, 22 tuổi, em kế của Nhân cũng đã có 4 lần tham gia hiến máu, cho biết: “Em làm nghề đổ ống cống cho một cơ sở sản xuất ống cống thoát nước trong xóm. Trước đây, em không biết gì về hiến máu nhân đạo nhưng thấy anh Nhân hiến máu về không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ nên em không ngại. Được Xã đoàn, Hội Chữ thập đỏ xã và má vận động, lại sẵn có xe đưa rước tận nơi nên em tham gia luôn”. Mỗi lần đi hiến máu, Nghĩa phải xin nghỉ làm một ngày và bị mất 75.000 đồng tiền công. “Nhưng không sao, vì em suy nghĩ, có những bệnh nhân rất cần máu để chữa bệnh, mình giúp được họ có giá trị hơn rất nhiều so với 75.000 đồng”- Nghĩa nói.

Cô em út Lê Thị Thu Hằng, 19 tuổi, cũng theo gương các anh, đã tham gia hiến máu được 4 lần. Hằng bộc bạch: “Em học nghề uốn tóc và đang thực hành ở một tiệm ngoài thị trấn Gò Dầu. Năm 2007, được các đoàn thể và Hội Chữ thập đỏ vận động, thấy các anh hiến máu không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ nên em cũng tham gia. Cùng làm ở tiệm em có nhiều bạn trẻ, mai mốt em cũng sẽ vận động các bạn ấy tham gia”.

Ông Trần Nam Trẹt, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Trảng Bàng, nói: cả huyện Trảng Bàng mới có duy nhất gia đình chị Đương tham gia hiến máu cả nhà. Ngoài 3 người con kể trên, chị Đương còn có người con thứ hai đang làm thuê ở Tân Biên nhưng cũng đã nhiều lần về huyện nhà tham gia hiến máu, tiếc là vì huyết áp cao nên không lần nào lấy máu được. Đây là một gia đình nghèo nhưng có nghĩa cử rất đáng khen ngợi trong phong trào hiến máu nhân đạo”. Ông Trẹt nói thêm: “Dân Trảng Bàng, đa số là nông dân và công nhân ở các khu công nghiệp, hằng tuần chỉ có hai ngày thứ bảy và chủ nhật là được rảnh. Nhưng những năm qua, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - đơn vị tổ chức lấy máu chỉ đến lấy máu vào ngày thường nên rất khó vận động. Năm nay, dựa trên tổng số dân, Trảng Bàng được Hội Chữ thập đỏ tỉnh giao vận động 550 đơn vị máu (cao nhất tỉnh). Chúng tôi đã đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức lấy máu vào ngày chủ nhật để thuận lợi hơn cho người tham gia hiến máu”.

ĐẠI DƯƠNG