Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hiên mưa
Chủ nhật: 15:08 ngày 15/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong mái hiên đã có sẵn hai chị phụ nữ, một bé trai, một bà già và ba người đàn ông. Nhóm phụ nữ và trẻ em kia túm tụm vào nhau như tìm chút hơi ấm bên ba chiếc ghế mà đã hết hai chiếc sứt chân.

Cơn mưa bất chợt đổ ào xuống mặt đường. Những hạt nước lớn bằng hạt bắp ném vào mặt, vào tay lạnh và rát. Trước mặt trắng màu nước mưa. Sau lưng lạnh vì hơi nước. Những cánh bướm vàng đỏ bắt đầu được tung ra. Rồi xanh, cam, xám, dưa cải… cũng chấp chới trên đường.

 

Cơn mưa bất chợt đổ ào xuống mặt đường. Những hạt nước lớn bằng hạt bắp ném vào mặt, vào tay lạnh và rát. Trước mặt trắng màu nước mưa. Sau lưng lạnh vì hơi nước. Những cánh bướm vàng đỏ bắt đầu được tung ra. Rồi xanh, cam, xám, dưa cải… cũng chấp chới trên đường.

Nhưng đó là với người có áo mưa, còn những người không có, vẫn phải tìm một mái hiên nào đó để trú qua màn nước bất chợt này.

Mặt chị đã ướt nhoè. Ðôi tay cầm lái đã bắt đầu hơi tê lạnh. Qua vài mái hiên rồi, nhưng chỗ thì quá đông người; nơi thì xe qua mới thấy. Cuối cùng chị cho xe vào một mái hiên quán ăn còn lổn nhổn vài chiếc bàn ghế. Tấm bạt trước hiên đã bắt đầu rách, phơi ra những đường xước ngang cho nước mưa tha hồ rớt xuống. Nhưng không sao, nhích vào trong một chút, cạnh chiếc tủ ám màu dầu mỡ cũng sẽ tránh được cơn quăng quật của đất trời.

Trong mái hiên đã có sẵn hai chị phụ nữ, một bé trai, một bà già và ba người đàn ông. Nhóm phụ nữ và trẻ em kia túm tụm vào nhau như tìm chút hơi ấm bên ba chiếc ghế mà đã hết hai chiếc sứt chân. Cánh đàn ông ngồi phía bếp lò, một anh vừa cầm chiếc bọc nylon có hai củ khoai lang ai đó để sẵn trong lòng bếp reo lên:

- Trời ơi, buồn ngủ gặp chiếu manh nè! Ðói thấy mẹ, may có nó!

Không ngại ngần, anh ta mở bọc và nhai ngấu nghiến một củ khoai khi người ngồi gần nhất giật lại:

- Tào Tháo đuổi thấy bà bây giờ!

Anh ngồi xa hơn thì nói:

- Ðược không ông? Hay ráng chút nữa, hết mưa rồi kiếm cái gì cho đàng hoàng, tụi này cũng đói mà.

“Hết mưa”.

Gần chục con người dưới mái hiên này ai cũng mong như vậy. Hai chị phụ nữ mong trời mau tạnh để đưa mẹ già và con trẻ đi bác sĩ. Ba người đàn ông trong bộ dạng mệt mỏi lem luốc này mong trời hết mưa để kiếm món gì bỏ bụng.

Chị thì chỉ mong có đôi cánh bay về với con trai bé nhỏ bởi công việc cuốn chị đi từ năm giờ sáng, mà bây giờ đã gần sáu giờ chiều, cu con bốn tuổi của chị lại nóng sốt từ một giờ trưa mà ba của nó cứ luôn than: “Không biết chăm con, em về sớm xíu có được không?”.

Sáu mươi cây số cho lượt về, dù có sớm cách mấy cũng cần phải xong việc chứ. Tranh thủ lắm, bỏ cả cơm trưa nên ba giờ chiều là xong việc. Ngồi lại qua quýt với mâm cơm bà con mời mất ba mươi phút nữa. Chị dự tính, cung đường trở về, chạy nhanh một chút, hơn tiếng đồng hồ cũng tới nhà.

Túi thức ăn trên xe chị càng trĩu nặng bởi đã thấm một mớ nước mưa. Những con cá lóc nướng trui bằng rơm rạ thơm lừng thơ ấu đã bắt đầu nhũn ra, nước mưa áp vào lớp bọc nhỏ giọt long tong xuống nền mái hiên.

Trách nhiệm của một chuyên viên nông nghiệp, hôm nay chị đi về miệt đồng, để duyệt hoàn tất khảo sát dự án chuyển đổi cây trồng theo thời vụ của bà con nông dân thành mô hình nông nghiệp cao.

Bà con quý mến nên ngoài bữa cơm trưa dậy mùi đồng ruộng, còn cố ấn vào tay chị gói cơm mo cau và mấy con lóc đồng to sầm đã nướng cùng mớ rau vườn xanh mướt thơm lừng. Chị từ chối cách nào cũng không được, họ cứ bảo rằng quý nhau vì cái tình của nông thôn, thị thành không làm sao có được.

“Cung kính không bằng vâng lời” nên chị nhận mà tưởng tới nụ cười hết cỡ của chồng khi chấm miếng cá nướng trắng phau ngọt lừ vào chén muối ớt xanh thơm nức.

Vậy mà bây giờ chị phải ngồi đây nhìn cơn mưa ngoài trời vẫn đang nặng hạt.

Ba người đàn ông trong dáng vẻ nhọc nhằn vẫn thi nhau ngóng ra ngoài trời. Củ lang to bằng cườm tay trẻ em đã bị anh ta ăn hết.

Lòng chị dấy lên nỗi thương cảm lạ lùng. Chị sẽ sàng đến bên cổ xe, lấy bọc thức ăn đặt lên bàn và bước hai bước về phía ba người đàn ông:

- Chào các anh…

- À… chào em. Có chuyện gì không?

- Dà… em đi công việc về, có nhiều thức ăn… nhân trời mưa… nên muốn mời mấy anh ăn phụ.

- Gì? Ăn hả? - Tiếng người đàn ông áo màu dưa cải.

- Ăn gì? Có cơm không? - Giọng háo hức của anh áo trắng.

- Thiệt không đó bà chị? - Anh áo sọc hoài nghi.

Ba người đàn ông lúc nãy kẻ ngồi người đứng, giờ đã dàn hàng ngang trước mặt chị với ánh nhìn… nghi hoặc.

- Dạ có, bên kia kìa. Cá lóc nướng trui, cơm mo cau ạ!

Vừa nói, chị vừa bước sang chiếc bàn bên cạnh, nhanh tay mở bao nylon và tháo dây chuối mở ra dề cơm trắng ngần trong chiếc mo cau. Mấy chú cá lóc giờ không còn giòn rụm nữa, mà lớp vảy cháy đen đã xẹp xuống bết dính vào da cá. Những chiếc mình cá tròn lẳn lúc xế, giờ cũng dẹp dẹp, cong cong đủ hình thù.

Anh áo sọc rú lên:

- Trời! Cơm mo cau kìa! Từ má tui chết tới giờ tui mới thấy lại đó nhen!

- Không lẽ tui có tu dữ vậy sao trời? Ðói thắt họng cá leo mà có người cho cơm cá lóc?- Tiếng anh áo trắng.

- Em… em là cô gái hay nàng tiên… mà biết tụi anh đói vậy? - Lời anh áo dưa cải.

Chị cười:

- Dạ… em biết được nhờ cái củ lang anh áo trắng măm măm ạ!

- Mà em… cho tụi này gói cơm với bọc cá này thiệt hả?

- Rồi… em lấy gì ăn?

- Ðừng nói chơi làm tụi này mừng hụt nha!

Trời chiều càng ảm đạm bởi màn mưa không hẹn dứt. Cạnh bên mái hiên này là khu nhà “trung tâm học tập cộng đồng” của xã. Rộng rãi mênh mông nhưng quạnh vắng hầu như không còn quán xá nào. Cái đói cồn lên khi cơn gió quất qua mùi cá nướng xộc vào mũi, màu cơm trắng muối ớt xanh đập vào mắt ba người đàn ông lem luốc.

- Mấy anh làm xa về à?

- Phải đó.

- Tụi tui là thợ hồ, hôm nay có “kèo” xa.

- Chắc em cũng đi công chuyện về?

- Dạ… lâu lâu về thăm quê. Mấy cậu cứ bắt đem quà về. May nhờ trời mưa nên gặp các anh đây…

Chị nhanh tay nhặt mớ rau, bỏ mấy phần giập và gốc đi để họ thấy chị mời thật lòng.

Họ đưa mắt nhìn nhau mấy lượt rồi ngại ngùng nhận phần cơm đẩy về góc bàn phía bên mình. Không có muỗng đũa gì, họ đành ăn bốc. Từng miếng cơm bẻ ra vẫn dẻo thơm chấm vào gói muối ớt xanh. Miếng cá cuộn trong mấy ngọn rau thơm lần lượt biến mất sau câu chuyện nhớ về kỷ niệm.

Anh áo trắng bảo:

- Hồi đó chừng mười tuổi hén, tui đi chăn trâu về chỉ cần cơm trong nồi gang thôi. Không cần cá thịt gì cả, lật giề cơm cháy lên, quết tí mỡ hành trong cái tĩn cạnh bếp. Là nó ngon như bây giờ người ta đi ăn nhà hàng năm sao vậy đó! Mà bà già tui lạ lắm nghen, lúc nào cái tĩn đó cũng đầy mỡ phi hành tỏi.

Áo sọc thì bảo:

- Nhà tui khổ nhất, tám thằng con trai nên ông bà già lo ăn sặc gạch, làm gì bếp lúc nào cũng có mỡ hành. Nhưng má tui là người mẹ tuyệt vời nhất quả đất vì lúc nào bà cũng có gói cơm mo cau dành cho thằng con trai lớn ham ăn như quỷ này.

Tui mở mắt đã ra đồng phụ ông già làm thuê làm mướn, gói cơm ổng mang theo làm sao đủ hai cha con ăn. Dù đã kiếm thêm ổ trứng chim trứng rắn, con cua con cá ngoài đồng nhưng cái bao tử thằng con trai mười lăm như bị lủng vậy đó mấy cha ạ! Ăn hoài không thấy no nên chiều là tui hay dzọt về sớm, trước khi mấy thằng em đi học về, để lục nồi kiếm cơm cháy.

Bà già biết ý nên ngày nào cũng chừa cho cái mo cau. Ít thôi, giề cơm bằng bàn tay xoè, mỏng như thể liếm qua là hết nhưng cũng đỡ dạ lắm.

Ðưa gói cơm xong, bà chỉ cánh cửa bếp cho tôi đứng vào đó để tránh bầy em háu đói. Ai dè lần đó thằng cu út ba tuổi phát hiện ra thằng anh Hai “vĩ đại” này. Vì nó cũng có được củ khoai lang, chui vô cánh cửa trốn mấy anh để ăn. Nó bỏ củ lang, khóc chói lói đòi ăn cơm.

Ăn hết rồi thì giựt cái mo ra ngoài la làng lên. Sáu thằng kia bu lại lấy thịt đè người làm tui ná thở. Ông già trách bà già “đứa thương đứa ghét” làm bà phải khóc lóc phân trần vì thằng trai lớn cực hơn, tới tuổi ăn nhiều hơn. Ông già tui cũng khóc. Rồi chắc ông thua buồn vì nuôi không nổi bầy con nên mấy tháng sau ông bị cảm lạnh từ trần.

Bà già tui một nách tám con, làm việc đến rách cái quần mà cũng không rảnh mà vá lại. Rồi cũng cưới vợ được cho sáu thằng. Còn hai thằng bả kiệt sức rồi mọc cánh bay về trời luôn. Má tui chết hai mươi năm nay, nhiều lúc nhớ má, nhớ những mo cơm phải chui vô kẹt cửa mà ăn đến phát khóc. Vậy mà bữa nay gặp cái chị này như gặp… má tui vậy đó!

- Bậy đi cha, tui mới ba sáu, còn kém anh chục tuổi đó. Ý là nói tui già như má anh hả?

Chị cười góp chuyện.

Áo dưa cải bảo:

- Nhà tui chỉ có hai anh em, nhưng lại không có cha vì mẹ tui là con “dòng thứ”. Ông già chết bất đắc kỳ tử nên bà lớn đuổi ra với bộ đồ dính da.

Con em lại suy tim bẩm sinh nên bà già tui cực lắm. Nói mấy ông cười chứ khổ đến nỗi có khi muốn đi “đứng đường” để có tiền nuôi con đó! Nhưng bà già tui không làm vậy được, vì cũng gần bốn chục rồi, nhan sắc “dưới bảy nút” nên cũng hiếm hoi lắm.

Thành ra cứ giật gấu vá vai. Tui học hết lớp ba đã phải đi làm phụ mẹ kiếm tiền trị bệnh cho em. Nhưng… chậc, hơn ba mươi năm trước mà, ai bị bệnh tim là coi như cầm chắc cái chết. Lê lết hết lượm ve chai, đổ rác mướn, chăm người bệnh, chăm chó cưng khi chủ nó đi du lịch, mẹ tôi đều nhận làm hết đa.

Nhưng vẫn không đủ tiền trị bệnh cho em tui. Rồi nó mất, ở tuổi mười ba. Tui mười lăm, hai mẹ con tá túc một góc, con em nhỏ nằm ở hậu điện của một ngôi chùa.

Hằng ngày, mẹ tui phụ nhà bếp để có cơm ăn. Tui ra ngoài bán báo, xách nước chợ, khiêng đồ bến xe. Lần nọ phát hiện thằng nhỏ cỡ mình “chôm” cái đồng hồ của một ông già khi ổng ngủ gật chờ xe.

Ông già khóc hu hu, nói cái đồng hồ không đáng giá đồng tiền nhưng là kỷ niệm vì nó là đồng hồ cưới, mà giờ vợ ông đã về trời rồi. Ông muốn mang nó đến ngày nhắm mắt.

Tự dưng tui thương quá, đi quanh quanh tìm thằng nhỏ, thấy nó ghé vô tiệm đồng hồ định “luộc”, tui ngoắc nó ra nói thiệt. Ai dè nó không đánh tui mà còn mang cái đồng hồ lại trả ông già, nó xin lỗi ổng vì nó cần tiền cho mẹ nó mua thuốc uống. Ổng thương quá, cho một số tiền.

Còn tui, ổng nói thấy thật thà, biết giúp đỡ người khốn khó nên ổng hỏi có muốn theo học nghề không, ổng là thầu xây dựng. Cuộc đời tui xem như hết khổ vì ban ngày theo ông đi làm, ban đêm về ở chung nhà với ổng.

Ban đầu tui gọi ông bằng chú, ông nói: “Ba cháu mất rồi, thôi kêu chú bằng ba luôn cho nó dễ gọi”. Ai dè ông già cao tay ấn đã tính trước, kêu ba nuôi rồi sau đó thành ba vợ vì ổng có đứa con gái nhỏ hơn tui bốn tuổi.

- Woa… cuộc đời ông ngon lành quá hén! Vậy mà làm bạn lâu nay không tiết lộ, nay nhờ có cơm mo cau cá lóc muối ớt cay quá nên lột lưỡi phun hết luôn hả? Vậy phải cảm ơn cô em bồ tát sống này- Lời anh áo sọc.

- Hì… hì… mưa rảnh không chuyện làm nên kể chuyện đời tui nghe chơi vậy mà!

Cơn mưa đã nhẹ dần. Mặt đường hãy còn tươm nước nhưng cái màu trắng xoá khắp đất trời đã nhạt rồi. Ðể lộ ra lại những cánh bướm nâu, vàng, xanh, đỏ, hồng chấp chới hối hả.

Chị cũng hối hả, con chị ở nhà đang chờ vòng tay mẹ. Chào nhau rồi mà ba cánh tay đàn ông kia cứ vẫy mãi không thôi.

Ð.P.T.T

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục