Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hiện thực hoá tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài
Chủ nhật: 21:39 ngày 22/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc xây dựng một tuyến cao tốc để chia sẻ áp lực giao thông cho quốc lộ 22 là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, kết nối vùng, liên vùng và bảo đảm quốc phòng - an ninh trong giai đoạn mới.

Hiện nay, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh chỉ có duy nhất tuyến quốc lộ 22 và tuyến đường này đã mãn tải. Do đó, việc xây dựng một tuyến cao tốc để chia sẻ áp lực giao thông cho quốc lộ 22 là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, kết nối vùng, liên vùng và bảo đảm quốc phòng - an ninh trong giai đoạn mới. Đây cũng là nguyện vọng chính đáng, thiết tha của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tây Ninh khi lần đầu tiên Tây Ninh có đường cao tốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM QUỐC GIA VÀ ĐỊA PHƯƠNG

Thông tin tại hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh tháng 9.2024, ông Đặng Hoàng Chương- Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông Vận tải cho biết, dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, là một trong 41 tuyến đường cao tốc quan trọng của cả nước nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Tổng chiều dài tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài khoảng 51km (đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài khoảng 26,1km). Điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 - huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh; điểm cuối giao với quốc lộ 22 (khoảng km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Dự án đi qua địa giới hành chính 3 địa phương (thị xã Trảng Bàng 11,3km, huyện Gò Dầu 12,6km, huyện Bến Cầu 2,2km).

Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài được đầu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729:2012), vận tốc thiết kế 120 km/h; quy mô quy hoạch 6 làn xe, trong đó phân kỳ giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 4 làn xe hoàn chỉnh (có làn dừng khẩn cấp). Dự án có 3 nút giao liên thông: đường ĐT. 787B (dạng nút chữ T), QL.22B (dạng trumpet) và QL.22 dạng giao bằng có bố trí đường nhánh dẫn lên xuống và đường gom dân sinh.

Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài là dự án trọng điểm quốc gia và địa phương, mang tính cấp thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải lưu lượng đi qua quốc lộ 22, giảm chi phí, thời gian di chuyển trên hành lang vận tải Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh, tạo động lực mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội, thúc đẩy thu hút đầu tư và góp phần củng cố quốc phòng - an ninh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, đây là tuyến đường quan trọng không chỉ kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh mà còn là “cú huých” lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội kết nối cả vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phát triển kinh tế đối ngoại của đất nước.

Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài có 4 dự án thành phần, trong đó, UBND tỉnh chịu trách nhiệm triển khai Dự án thành phần 4: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh.

Phối cảnh cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài

 

Theo kế hoạch triển khai Dự án thành phần 4 của UBND tỉnh, từ tháng 8.2024 đến tháng 10.2024 sẽ thực hiện công tác chuẩn bị dự án. Từ tháng 10.2024 đến tháng 2.2025, thẩm định, phê duyệt phương án và chi trả chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Từ tháng 3.2025 đến tháng 4.2025, bàn giao mặt bằng và thi công xây dựng công trình. Dự án dự kiến hoàn thành, thông xe trong năm 2027.

“Để dự án thực hiện đúng tiến độ, rất mong các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nói chung và các tổ chức, cá nhân có đất trong phạm vi dự án đồng thuận để dự án sớm triển khai và hoàn thành đúng tiến độ” - Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT Đặng Hoàng Chương nhấn mạnh.

CẦN SỰ ỦNG HỘ, ĐỒNG THUẬN CỦA NGƯỜI DÂN

Thực hiện kế hoạch và chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý dự án ngành giao thông tỉnh được giao nhiệm vụ tổ chức lập Dự án thành phần 4, đến nay, đơn vị đã triển khai ký hợp đồng với đơn vị tư vấn đang lập dự án. Ngày 20.8.2024, UBND thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu, huyện Bến Cầu cũng đã ban hành thông báo thu hồi đất toàn bộ đến 3.046 thửa đất (1.716 hộ và tổ chức).

Trung tâm Phát triển quỹ đất các địa phương phối hợp các xã, phường nơi dự án đi qua tổ chức họp dân công khai chủ trương, trao thông báo thu hồi đất, kết hợp tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận xã hội trong triển khai thực hiện dự án. 

Tại thị xã Trảng Bàng- địa phương có gần 12 km đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đi qua địa phận 3 phường An Tịnh, Lộc Hưng, Gia Lộc với 749 hộ thuộc diện thu hồi đất, công tác tuyên truyền, dân vận thực hiện dự án được thực hiện rất chủ động với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thị xã.

Ông Nguyễn Minh Thuận- Trưởng Ban Dân vận Thị uỷ Trảng Bàng cho biết, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài là dự án quan trọng, được Thị xã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Vừa qua, Ban Dân vận Thị uỷ đã tham mưu Ban Thường vụ Thị uỷ ban hành công văn chỉ đạo công tác dân vận đối với dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đồng thời triển khai hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh uỷ, các văn bản, kế hoạch của UBND tỉnh, UBND Thị xã đến hệ thống Dân vận, MTTQ từ Thị xã đến xã, phường để lan toả trong các tầng lớp nhân dân hiểu, đồng thuận với mục tiêu của dự án này.

Ban Dân vận Thị uỷ cũng đã chủ động biên soạn ngắn gọn các nội dung về dự án để tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên, nhân dân nắm thông tin tổng quan dự án, ý nghĩa của dự án, thời gian thực hiện các bước trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…

Ban Dân vận cũng chủ động thành lập tổ tuyên truyền do trưởng ban làm tổ trưởng với 3 nhóm, mỗi nhóm phụ trách 1 phường; đồng thời, yêu cầu các phường có dự án đi qua đều thành lập các tổ tuyên truyền của địa phương. Qua đó, tiến hành phân loại danh sách, có biện pháp vận động phù hợp với từng hộ dân, nhất là sau khi có mức giá bồi thường.

Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Trảng Bàng (ngoài cùng bìa trái) trao đổi với người dân về hướng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đi qua địa phận phường An Tịnh

Qua các hội nghị họp dân vừa qua, đại đa số người dân bị ảnh hưởng bởi dự án của 3 địa phương Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu đều đồng thuận, ủng hộ với chủ trương thực hiện dự án cao tốc, bởi đây là mong mỏi từ nhiều năm qua của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân Tây Ninh.

Ông Lê Văn Ân, ngụ ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, Nhà nước tính toán xây dựng đường cao tốc để giúp việc đi lại dễ dàng, thuận tiện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, điều này nhân dân rất mừng và thuận tình ủng hộ. Ông mong rằng Tây Ninh sớm có đường cao tốc để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, để Tây Ninh phát triển mạnh mẽ như Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Cũng tại các đợt họp dân vừa qua, lãnh đạo địa phương và ngành chức năng của các địa phương Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu cũng đã ghi nhận một số ý kiến kiến nghị, nguyện vọng của người dân thuộc diện thu hồi đất dự án cao tốc liên quan đến giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho những hộ bị thu hồi toàn bộ hoặc phần lớn đất ở. Người dân cũng mong Nhà nước quan tâm bảo đảm hệ thống mương thuỷ lợi, hệ thống đường gom dân sinh thuận tiện khi đường cao tốc đi cắt ngang qua các khu vực.v.v.

Bà Trần Thị Hồng Hoa, ngụ khu phố Lộc Thọ, phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng cho biết: “Gia đình tôi có nhà và đất nằm trong diện giải phóng mặt bằng dự án cao tốc, bị thu hồi 90%. Vừa qua, phường đã tổ chức mời họp dân để thông báo dự án, thông báo thu hồi đất. Khi Nhà nước có chủ trương xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài dân chúng tôi rất phấn khởi, hoàn toàn ủng hộ, chỉ mong dự án sớm triển khai.

Người dân hiện tại đang chờ có thông báo giá bồi thường, mong lãnh đạo tỉnh, các cấp chính quyền xem xét làm sao đưa ra giá bồi thường thoả đáng, sát thực tế để chúng tôi di dời đến vị trí khác sinh sống ổn định, an cư mới lạc nghiệp và để dự án khởi công đúng theo kế hoạch đưa ra”.

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục