Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Kết quả thống kê cho thấy tất cả 4 chỉ số tính theo bình quân ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều ở mức từ trung bình yếu trở xuống.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt mà trong đó công nghệ ngày càng có vai trò quyết định. Tuy nhiên, để có cơ sở dữ liệu về năng lực và những nhu cầu công nghệ hiện nay nhằm đề ra được những chính sách hợp lý kịp thời, đáp ứng nhu cầu thực tiễn về công nghệ, trước tiên cần phải đánh giá chính xác về hiện trạng công nghệ trên địa bàn tỉnh. Tháng 10.2010, UBND tỉnh giao cho Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện kế hoạch “Điều tra công nghệ ngành sản xuất công nghiệp của địa phương và xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Để triển khai thực hiện cuộc điều tra về hiện trạng công nghệ, trong khá nhiều phương pháp hiện hành, Sở Khoa học và Công nghệ đã thống nhất chọn phương pháp Atlas công nghệ làm phương pháp điều tra đo lường hàm lượng công nghệ của các doanh nghiệp trong tỉnh. Theo phương pháp này, hàm lượng công nghệ được xác định qua 4 chỉ số là T,H,I,O. Cụ thể chỉ số T (Technoware) bao gồm máy móc, thiết bị, kết cấu hạ tầng- được gọi chung là chỉ số về kỹ thuật. Chỉ số H (Humanware) bao gồm năng lực của con người như kỹ năng, kinh nghiệm, tính sáng tạo… được gọi chung là chỉ số về con người. Chỉ số I (Inforware) hàm chứa trong thông tin, bao gồm các kiến thức được tư liệu hoá, các lý thuyết, thông số, phần mềm… được gọi chung là chỉ số về thông tin. Và chỉ số O (Orgaware) bao gồm cơ cấu tổ chức, thẩm quyền trách nhiệm, mối quan hệ, liên kết… được gọi chung là chỉ số về tổ chức. Hiện trạng công nghệ sẽ được đánh giá qua tổng hợp các chỉ số với tỷ lệ trên thang 10 là: T- 3,5, H- 2,5, I- 2 và O- 2.
Sau hơn 6 tháng tiến hành điều tra, Sở Khoa học và Công nghệ đã phỏng vấn 241 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ở 22 ngành nghề khác nhau và thuộc tất cả các loại hình kinh tế- trong đó có 11 doanh nghiệp Nhà nước, 67 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 163 doanh nghiệp tư nhân. Kết quả thống kê cho thấy tất cả 4 chỉ số tính theo bình quân ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều ở mức từ trung bình yếu trở xuống. Trong đó, chỉ số T chỉ đạt có 2,58 trên thang 10; chỉ số H đạt bình quân chỉ có 3,65/10; chỉ số O đạt bình quân 4,69/10 và chỉ số I đạt bình quân 4,78/10.
![]() |
Nhiều trường đào tạo nghề nhưng chỉ số về con người (H) vẫn thấp |
Từ những con số thống kê trên cho thấy thực trạng về kỹ thuật (T) ở Tây Ninh đang là chỉ số yếu nhất. Giá trị chỉ số này chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố chuyển giao công nghệ. Từ chỉ số thực trạng về kỹ thuật quá thấp cho thấy, trong thời gian qua hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều chưa có sự đầu tư đủ mạnh để chuyển đổi máy móc, thiết bị hiện đại trong sản xuất- kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ở chỉ số này, khu vực kinh tế Nhà nước đạt xấp xỉ mức bình quân thực trạng- đạt khoảng 2,45/10. Còn khu vực kinh tế tư nhân có mức bình quân đạt thấp nhất- chỉ có 2,26/10. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự mạnh dạn đầu tư thay đổi thiết bị mới, hiện đại. Riêng khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tuy chỉ số T có cao hơn các khu vực còn lại, nhưng cũng chẳng cao hơn bao nhiêu. Trong những năm qua Tây Ninh đã thu hút được khá nhiều nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp, trong đó có nhiều nhà máy nhập máy móc, thiết bị từ nước ngoài về lắp đặt sản xuất. Thế nhưng hầu như các thiết bị đã đưa về lắp đặt tại Tây Ninh cũng chưa phải là thực sự hiện đại.
Đối với chỉ số H, qua điều tra có cao hơn chỉ số T nhưng vẫn còn ở mức khá thấp- chỉ đạt 3,65/10 mà thôi. Giá trị chỉ số này chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố năng lực và kinh nghiệm người lao động trong doanh nghiệp. Trong thời gian qua, tỉnh đã đầu tư khá nhiều vào lĩnh vực giáo dục phổ thông và dạy nghề, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng nhu cầu lao động tại địa phương. Cụ thể, qua điều tra thực tế ở hơn 27.000 lao động tại 241 doanh nghiệp thì chỉ có 14 người có trình độ trên đại học- chiếm có 0,05% và 674 người có trình độ đại học- chiếm có 2,49% mà thôi. Số lao động có trình độ phổ thông trung học chiếm khoảng gần 46%, còn lại số lượng chưa đạt phổ thông có đến phân nửa tổng số lượng lao động điều tra. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến cho chỉ số H (con người) ở các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh còn ở mức khá thấp.
Về chỉ số I (về thông tin) có cao hơn chỉ số T và H, nhưng cũng chỉ đạt ở mức trung bình yếu mà thôi. Qua điều tra, trong 241 doanh nghiệp có khoảng 84 doanh nghiệp- chiếm khoảng gần 35% tổng số doanh nghiệp điều tra là chỉ số I đạt từ 5 trở lên, trong đó đa số là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Riêng các doanh nghiệp tư nhân thì chỉ số I vẫn còn thấp hơn so với các khu vực kinh tế khác. Điều này cho thấy việc vận dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực quản lý, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh- đặc biệt là khu vực tư nhân vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Riêng chỉ số O có giá trị phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố xây dựng chiến lược sản xuất cũng như xây dựng có hệ thống quản lý ISO… thì cũng chưa đạt cao nhất trong 4 chỉ số điều tra, nhưng cũng chưa vượt qua mức trung bình. Trong 241 doanh nghiệp tham gia điều tra có khoảng 100 doanh nghiệp- chiếm khoảng hơn 41% là có hoạch định chiến lược, nhưng chỉ có 3 doanh nghiệp là có chứng chỉ đảm bảo chất lượng theo các hệ tiêu chuẩn quản lý mà thôi. Đây là điểm yếu nhất dẫn đến chỉ số chung về tổ chức ở các doanh nghiệp đạt chưa cao.
Từ 4 chỉ số điều tra nêu trên, cho thấy hàm lượng công nghệ ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia điều tra chỉ đạt ở mức 3,92 trên thang 10. Trong đó, hàm lượng công nghệ cao nhất là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài- đạt mức 3,96, còn hàm lượng công nghệ thấp nhất là ở các doanh nghiệp tư nhân- chỉ đạt có 3,29/10 mà thôi.
Tóm lại, qua đợt điều tra thực trạng công nghệ vừa qua cho thấy trình độ công nghệ nói chung ở Tây Ninh vẫn đang còn ở mức thấp. Sau khi hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu điều tra các ngành chức năng sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về công nghệ sản xuất ở Tây Ninh. Từ đó đề xuất các chủ trương, chính sách phù hợp để khuyến khích tăng cường đổi mới công nghệ ngày càng hiện đại hơn.
Sơn TrẦn