Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hiện tượng hơi nóng chạy dài từ trên bả vai xuống gót chân là gì và cách điều trị chúng ra sao?
Thứ hai: 15:49 ngày 22/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hỏi: Nữ 57 tuổi, gần đây tôi cảm thấy có luồng hơi nóng chạy dài từ trên bả vai xuống gót chân, mức độ ngày càng mạnh. Tôi đã đi khám và được bác sĩ chẩn đoán là rối loạn thần kinh thực vật. Vậy xin hỏi hiện tượng hơi nóng ấy là gì và cách điều trị chúng ra sao? Xin chân thành cảm ơn.

Nguyễn Thị L. (khu phố 2, phường 3, TP. Tây Ninh)

Ðáp: Rối loạn thần kinh thực vật là sự mất cân bằng của 2 hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Hai hệ thống này về cơ bản gần như trái ngược nhau nhưng đôi khi có tác dụng hợp đồng ở phạm vi hẹp.

Tác động của hệ thần kinh giao cảm rất đa dạng trên hệ tim mạch (làm co mạch, tăng huyết áp mạch nhanh kích thích tiết mồ hôi); trên hệ hô hấp (làm nhịp thở nhanh, nông). Vì vậy, khi cường chức năng giao cảm sẽ gây hồi hộp, trống ngực mạnh, tăng huyết áp, vã mồ hôi, giảm co bóp và tiết dịch đối với một số cơ quan tiêu hoá như dạ dày, túi mật, ruột, dịch vị dạ dày...; co thắt cơ trơn phế quản… Tác dụng của hệ phó giao cảm thì ngược lại, khi cường chức năng phó giao cảm sẽ làm chậm nhịp tim, tăng co thắt và tăng tiết dịch vị, hạ huyết áp…

Bình thường có sự cân bằng giữa hai hệ thống giao cảm hoặc phó giao cảm duy trì các chức năng bình thường của cơ thể. Khi có rối loạn, việc điều trị chủ yếu để tạo sự cân bằng trở lại giữa hai hệ thống này.

Bệnh rối loạn thần kinh thực vật biểu hiện rất nhiều biến chứng ra bên ngoài như: người mệt mỏi, mất ngủ, thở nhanh, cảm giác bốc hoả khó chịu… Vì những triệu chứng này không rõ ràng nên người bệnh khó mà tự nhận biết bệnh tại nhà.

Có thể điều trị rối loạn thần kinh thực vật bằng:

- Nội khoa: dùng các thuốc calcium, sinh tố nhóm B (đặc biệt vitamin B6), acid glutamic, thuốc an thần… Bên Y học Dân tộc (Ðông Y) điều trị bệnh này rất hay, vì có thể châm cứu kết hợp lý liệu pháp tắm nóng, tắm lạnh. Ngoài ra nên tập thể dục, tránh căng thẳng, tịnh tâm.

- Ngoại khoa có khi phải đặt ra nếu rối loạn thần kinh thực vật mà hiện tượng tăng tiết mồ hôi quá nhiều, đặc biệt ở lòng bàn chân, bàn tay do trạng thái cường chức năng giao cảm, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động... Trường hợp này, bác sĩ chuyên khoa thần kinh có thể làm thủ thuật huỷ hạch giao cảm ngực.

Nhưng nói trước sẽ vẫn bị tái phát nếu không điều chỉnh cuộc sống thăng bằng theo kiểu sống chậm với chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý. Một số lời khuyên tốt cho người rối loạn thần kinh thực vật mà bác sĩ đưa ra đó là người bệnh cần điều chỉnh hoạt động của cả cơ thể mình mới là điều quan trọng nhất như tập luyện yoga, ngồi thiền, dưỡng sinh, tập thể dục điều độ đều đặn… Nên luyện tập đi bộ 1 ngày ít nhất 1 tiếng đồng hồ, những bước chân vô thức sẽ tác động rất tốt và điều chỉnh lại hệ thần kinh thực vật. Khoảng 1 thời gian, bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt, nhưng muốn lấy lại cảm giác thì phải tập liên tục trong 6 tháng.

Ðiều quan trọng nhất cần được lưu ý đó là tâm lý thoải mái, yên tĩnh, không căng thẳng để giải toả những áp lực, lo toan trong cuộc sống.

BS LÊ TRUNG NGÂN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh