BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hiến xác - chết vẫn có ích

Cập nhật ngày: 17/01/2014 - 05:25

Sinh viên Trường đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh tri ân những người hiến xác (ảnh sưu tầm trên internet).

Hiến xác cho y học là việc làm tự nguyện, nên các đơn vị tiếp nhận không có “chế độ bồi dưỡng” cũng như quyền lợi nào khác dành cho người hiến (chỉ trừ việc hằng năm có tổ chức lễ tri ân- thường là vào trung tuần tháng Chạp). Tuy vậy, hiện nay vẫn có nhiều người không câu nệ điều ấy và vẫn quyết định hiến xác.

Tham gia cả vợ lẫn chồng

Cả hai vợ chồng ông Dương Văn Bổn, 65 tuổi và bà Trần Diễm Hồng, 62 tuổi ở thị trấn Tân Biên đều đăng ký tình nguyện hiến xác phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy của Trường đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh. Ông Bổn tỏ ra khá vui vẻ, thoải mái khi kể về chuyện hiến xác của mình.

Trước đây, ông không hề biết đến việc này, tình cờ một lần đọc báo, thấy có đưa tin về việc tri ân những người hiến xác cho y học, ông bỗng thấy… hay hay.

Một lần nọ, có đoàn bác sĩ ở TP.Hồ Chí Minh về Tân Biên khám, chữa bệnh từ thiện, ông tình cờ tiếp xúc với một người trong đoàn và được biết người này đã tình nguyện hiến xác. Qua trò chuyện, ông Bổn được hiểu thêm về ý nghĩa của việc làm cao cả này. Về nhà, ông bàn với vợ, đề nghị bà cùng tham gia hiến xác. Bà Hồng đồng ý với chồng. Thế là năm 2011, cả hai vợ chồng làm đơn gửi đến Trường đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh bày tỏ ý muốn của mình.

Để hiểu rõ hơn sự việc, vợ chồng ông Bổn đã tìm đến tận nơi để được “mục sở thị” việc hiến xác tình nguyện được tiếp nhận và đưa vào sử dụng như thế nào. Ông bà được hướng dẫn đi tham quan quy trình từ lúc nhận, ướp xác cho đến khâu sử dụng xác và cả việc thực hiện những quy định sau khi xác hiến tặng được sử dụng. “Sau khi tham quan xong, vợ chồng tôi càng quyết tâm hiến xác, vì thấy sau khi mình chết vẫn có ích cho xã hội”- ông Bổn nói.

Vợ chồng ông Bổn có hai người con trai, hiện đang công tác ở TP. Hồ Chí Minh. Ông bà đã thông báo cho các con về ý nguyện hiến xác cho y học của mình, điều thuận lợi là các con của ông bà đều tỏ ra tôn trọng ý nguyện của cha mẹ. Bà Hồng- vợ ông Bổn, nguyên là Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, đảng viên 30 năm tuổi Đảng. Ông Bổn cũng đã có 40 năm tuổi Đảng, từng là Chánh thanh tra Nhà nước của huyện, hiện là Chủ tịch Câu lạc bộ hưu trí huyện.

Ngoài việc tự mình hiến xác, ông Bổn còn vận động những người thân quen cùng tham gia hiến xác như mình. Ông vui vẻ kể: “Tôi đã rủ em trai của tôi, chú ấy cũng đăng ký tham gia và đã được cấp giấy chứng nhận hiến xác”. Ông còn đang “rủ rê”  thêm nhiều người thân ở Bến Tre và cẩn thận gửi cả hồ sơ đăng ký tình nguyện hiến xác của vợ chồng ông cho họ tham khảo. 

Vợ chồng ông P. bà T. ở phường 2, thành phố Tây Ninh cũng là những người tình nguyện hiến xác. Bà T. sẵn sàng chia sẻ với phóng viên về việc này, nhưng có lẽ do e ngại nên bà đề nghị không công khai tên tuổi, địa chỉ cụ thể của vợ chồng bà. Bà nói: “Hiến xác chỉ là đóng góp nhỏ của vợ chồng tôi cho xã hội, tôi chỉ sợ người khác không hiểu lại bảo rằng mình khoe khoang”. Bà T. kể, trước kia, ông P. chồng bà từng là sinh viên y khoa nhưng mới học được hai năm, vì nhiều lý do phải nghỉ học giữa chừng.

Bản thân bà T. từng là giáo viên và từng có tâm nguyện muốn được cống hiến cho xã hội nhưng bà tự thấy mình vẫn chưa đóng góp được bao nhiêu. Hiện nay, hai vợ chồng bà sinh sống bằng nghề nông, thu nhập không nhiều. Qua sách vở, báo chí, biết được Trường đại học Y Dược rất cần có xác người để phục vụ công tác giảng dạy, vợ chồng bà quyết định hiến xác. “Khi mình chết đi, cái xác đem chôn xuống đất thì cũng bỏ không, rồi cũng bị huỷ đi chứ có ích gì đâu”- bà T. bày tỏ suy nghĩ của mình.

 Nhân nói về việc hiến xác, bà T. kể về cậu con trai duy nhất hiện đang là sinh viên năm thứ nhất Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh: “Ban đầu nghe chúng tôi nói ý định như vậy, nó cũng hơi… lừng khừng. Chúng tôi giải thích riết, cuối cùng nó cũng chịu”. Vợ chồng bà đã thống nhất với cậu con trai: sau khi ông, bà qua đời, thi hài sẽ giao cho Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh- nơi mà ông bà đã đăng ký hiến xác; sau khi sử dụng xong, xác sẽ được nhà trường hoả táng, tro cốt cũng để lại ở trường.

Trong số những người tham gia hiến xác ở Tây Ninh có bà V. ở thị trấn Hoà Thành (huyện Hoà Thành). Trước đây, bà V. là giáo viên, được sự vận động của Hội Chữ thập đỏ thị trấn Hoà Thành, năm 2010,  bà V. đã tình nguyện hiến xác. Bà nghĩ: chết là hết, tại sao không hiến xác để giúp ích cho những người còn sống? Chồng bà mất năm 2011, đã được hoả táng và đưa vào an táng ở Sơn Trang Tiên Cảnh tại tỉnh nhà nhưng riêng bà V. thì vẫn giữ ý định ban đầu của mình: “Tôi đã dặn dò con cái rất kỹ, khi tôi qua đời phải thực hiện tâm nguyện của tôi là hiến xác”.

Thủ tục hiến xác

Tại Tây Ninh, những người có nhu cầu hiến xác có thể liên lạc trực tiếp với Hội Chữ thập đỏ các cấp để được hướng dẫn. Theo thống kê, hiện nay trong toàn tỉnh đã có 34 người tình nguyện hiến xác. Trong đó, thành phố Tây Ninh có đến 12 người (chiếm số lượng cao nhất tỉnh). Các huyện còn lại có từ 1 đến 6 người, trừ huyện Bến Cầu chưa có người đăng ký hiến xác. Những năm qua cũng đã có một số trường hợp qua đời và đã được người nhà thực hiện thủ tục hiến xác đúng theo di nguyện của họ.

Giấy chứng nhận hiến xác của vợ chồng ông Bổn

Theo quy định hiện nay, người từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tự nguyện đăng ký hiến xác cho khoa học sau khi qua đời. Người có ý nguyện hiến xác cần làm hồ sơ, thủ tục đăng ký hiến xác khi còn minh mẫn. Tuỳ theo nơi cư trú, người hiến xác có thể đăng ký với các trường đại học y ở các tỉnh, thành như: Thái Nguyên, Hà Nội, Huế, TP.Hồ Chí Minh.

Riêng tại TP.Hồ Chí Minh, người có ý định hiến xác có thể đăng ký tại Bộ môn Giải phẫu học của Trường đại học Y Dược (số 217, Hồng Bàng, quận 5).

Khi đăng ký mang theo giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu, cũng có thể gửi đơn đăng ký qua đường bưu điện. Đơn tình nguyện hiến xác có xác nhận của địa phương hoặc kèm theo bản sao giấy chứng minh nhân dân. Sau đó nơi tiếp nhận sẽ cấp giấy chứng nhận đã đăng ký hiến xác.

Ngay sau khi người đăng ký hiến xác qua đời, thân nhân cần gọi điện thoại đến nơi đã đăng ký hiến xác càng sớm càng tốt. Nhà trường sẽ cử đại diện đến tận nơi để tiếp nhận. Tuy nhiên, đơn vị sẽ từ chối tiếp nhận những trường hợp qua đời vì bệnh truyền nhiễm nặng. Gia đình có thể làm nghi thức vĩnh biệt tại nhà.

Theo tìm hiểu, thi hài sau khi được đơn vị tiếp nhận để sử dụng sẽ được ướp hoá chất bảo quản nhằm giữ được lâu dài, phục vụ công tác giảng dạy trong khoảng từ 1 đến 2 năm. Sau đó, nếu gia đình không có yêu cầu nhận lại, thi hài sẽ được hoả thiêu với sự hiện diện của gia đình. Nhà trường có thể sẽ giữ lại toàn bộ xương cốt để giảng dạy và nghiên cứu.

Đại Dương