BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hiệu quả của đê bao tiểu vùng ở huyện Trảng Bàng

Cập nhật ngày: 27/10/2009 - 05:26

Đê bao vừa ngăn lũ, vừa là con đường giao thông thuận tiện cho nông dân vùng sông nước

Trảng Bàng là huyện nông nghiệp, với đặc điểm địa hình nghiêng dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây. Huyện có hai con sông chính chảy qua là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, cùng với hệ thống kênh rạch chằng chịt, hình thành những vùng trũng thấp. Hằng năm các vùng trũng thấp thường bị ngập úng vào mùa mưa lũ. Trong đó đáng quan tâm là khu vực các ấp Phước Long, Phước Trung, Phước Mỹ, Phước Bình, Phước Hoà, Tràm Cát, Phước Hội của xã Phước Chỉ; ấp Phước Giang, xã Phước Lưu và ấp An Thới, xã An Hoà; ấp Bình Nguyên, xã Gia Bình. Đây là những vùng khó khăn về sản xuất và nguồn nước sinh hoạt. Nhằm đảm bảo cuộc sống và phát triển sản xuất một cách bền vững cho bà con nông dân vùng trũng, từ năm 2002, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với lãnh đạo huyện Trảng Bàng có chủ trương làm đê bao tiểu vùng (ĐBTV). Đến nay trên địa bàn huyện Trảng Bàng đã và đang xây dựng hơn 10 ĐBTV ở hai xã Phước Chỉ và Phước Lưu.

Nhân dân tự nguyện đóng góp làm đê bao:

Năm 2002, huyện Trảng Bàng thực hiện thí điểm công trình đê bao ngăn lũ ấp Phước Long. Mục tiêu chính của công trình này là cứng hoá đê bao, với chiều cao vượt đỉnh lũ năm 2000, tạo điều kiện đường bộ thuận lợi trong vùng, ổn định sinh hoạt dân cư, phát triển sản xuất bền vững và hiệu quả trong mọi tình huống. Công trình được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ và Nhà nước và nhân dân cùng làm” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Trong đó lực lượng lao động nòng cốt là đoàn viên thanh niên trong huyện, cùng với lực lượng lao động công ích tại địa phương. Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí trong quá trình thi công. Đê bao này có chiều dài 982 m, bao bọc 7 ha diện tích đất tự nhiên gồm 11 hộ dân, giá trị công trình 27,5 triệu đồng.

Từ hiệu quả của đê bao Phước Long, năm 2003, nông dân ấp Phước Trung đã tự hùn vốn với nhau thực hiện một khu vực đê bao với diện tích 55 ha, gồm 31 hộ, trị giá 42,8 triệu đồng. Trong thời gian này, nông dân ấp Phước Đông cũng tự hùn vốn làm khu vực đê bao có diện tích 69 ha, với 39 hộ, trị giá hơn 44,9 triệu đồng. Tiếp theo nông dân ấp Tràm Cát cũng tự huy động và thực hiện khu vực đê bao có diện tích 75 ha, với 41 hộ, trị giá trên 23 triệu đồng.

Thấy được hiệu quả kinh tế- xã hội từ các khu vực đê bao tiểu vùng nêu trên, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, lãnh đạo tỉnh, huyện Trảng Bàng quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ nhân dân tiếp tục mở rộng việc xây dựng các “Đê bao tiểu vùng kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản” theo phương thức 50-20-30 (tỉnh 50%, huyện 20% và nhân dân 30%) trên địa bàn hai xã Phước Chỉ và xã Phước Lưu. Cụ thể: Đê bao ấp Phước Hội được hoàn thành vào cuối năm 2004, với chiều dài 4.547m, diện tích ngăn lũ 170 ha, tổng kinh phí thực hiện trên 446 triệu đồng; đê bao ấp Phước Đông, hoàn thành cuối năm 2007, với chiều dài 3.282m, diện tích ngăn lũ 73 ha, tổng kinh phí trên 586 triệu đồng; đê bao ấp Phước Lập, hoàn thành cuối năm 2007, chiều dài 3.586m, diện tích ngăn lũ 51 ha, tổng kinh phí thực hiện gần 634 triệu đồng; đê bao 2 ở ấp Phước Hội, hoàn thành cuối năm 2008, với chiều dài 5.600 m, diện tích ngăn lũ 100 ha, tổng kinh phí thực hiện hơn 1 tỷ đồng. Cùng với xã Phước Chỉ, xã Phước Lưu cũng xây dựng các đê bao: đê bao ấp Phước Giang, hoàn thành vào cuối năm 2004, dài 1.853m, diện tích ngăn lũ 40 ha, tổng kinh phí thực hiện trên 209 triệu đồng; đê bao 2 ở ấp Phước Giang, hoàn thành vào tháng 4.2008, dài 2.543 m, diện tích ngăn lũ 27 ha, tổng kinh phí thực hiện gần 476 triệu đồng; đê bao ấp Phước Giang-Phước Tân, hoàn thành vào tháng 3.2009, dài 3.741m, diện tích ngăn lũ 100 ha, tổng kinh phí thực hiện gần 735 triệu đồng.

Ngoài các đê bao đã hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng nêu trên, hiện nay ở huyện Trảng Bàng đang triển khai thực hiện hai dự án đê bao ở xã Phước Chỉ gồm: Đê bao ấp Phước Hoà, khởi công xây dựng vào tháng 8.2009 (dự kiến hoàn thành tháng 1.2010), chiều dài 3.600 m, diện tích ngăn lũ 97 ha, dự toán kinh phí khoảng 634 triệu đồng; đê bao ấp Phước Long, khởi công xây dựng vào tháng 8.2009 (dự kiến hoàn thành tháng 1.2010), dài 4.378m, diện tích ngăn lũ 97 ha, dự toán kinh phí khoảng 1,369 tỷ đồng. Ngoài ra huyện cũng đang lập hồ sơ hai dự án đê bao: Đê bao 2 ở ấp Phước Hoà, chiều dài 2.695 m, diện tích ngăn lũ 63 ha, tổng kinh phí dự án hơn 1 tỷ đồng; đê bao 2 ở ấp Phước Long, dài 3.662 m, diện tích ngăn lũ 50 ha, tổng kinh phí dự án hơn 1,689 tỷ đồng.

Hiệu quả của đê bao tiểu vùng:

Có đê bao ngăn lũ nông dân sản xuất mỗi năm 3 vụ lúa.

Theo báo cáo của Phòng NN & PTNT huyện Trảng Bàng, hiệu quả kinh tế –xã hội của các công trình đê bao TVKHNTTS mang lại rất rõ nét: Tạo thuận lợi để nông dân phát triển sản xuất một cách ổn định, vững chắc; giảm thấp tối đa rủi ro do lũ lụt gây ra; điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng được tập trung thuận lợi; việc ứng dụng thành tựu tiến bộ khoa học công nghệ được dễ dàng, hiệu quả; ổn định cuộc sống đồng bào vùng lũ lụt. Về kinh tế, đối với sản xuất, nông dân chủ động xuống giống, không phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Trước khi có đê bao, mỗi năm nông dân chỉ sản xuất được 1-2 vụ lúa, khi có đê bao sản xuất được 3 vụ lúa. Từ đó tăng cao được sản lượng lúa từ 9-10 tấn/ha/năm, lên 13-14 tấn/ha/năm và giá trị sản xuất trên 1 ha cũng tăng lên (từ 13-15 triệu đồng/năm lên 24-26 triệu đồng/năm). Đối với chăn nuôi, khi chưa có đê bao, nông dân không thể nuôi cá. Còn khi có đê bao, nông dân có thể nuôi cá trong ao và trên ruộng lúa. Về xã hội, những hộ dân trong vùng đê bao có cuộc sống ổn định, thu nhập cao hơn trước đây. Người dân rất an tâm trong cuộc sống vì không phải lo chạy lũ nữa. Đê bao tiểu vùng còn là những con đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng tạo nhiều thuận lợi cho người dân vùng sông nước lưu thông bằng đường bộ.

D.H