Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trảng Bàng là một huyện nông nghiệp, với diện tích tự nhiên hơn 34 ngàn ha, đất nông nghiệp chiếm 78%, trong đó phần lớn 71% được dùng vào việc trồng cây.
Đặc điểm về địa hình đã chia huyện thành 2 cánh Tây và Đông rõ rệt, nghiêng dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Cùng với sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông chảy qua thì hệ thống kênh, rạch chằng chịt đã hình thành những vùng trũng thấp.
Do địa hình thấp, hằng năm, huyện Trảng Bàng thường bị ngập úng, lũ lụt ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất, sinh hoạt, nguồn nước sạch của người dân, đặc biệt là các xã Phước Chỉ, Phước Lưu và một phần Bình Thạnh, An Hòa, Gia Bình; trong đó đáng quan tâm nhất là khu vực các ấp Phước Long, Phước Trung, Phước Mỹ, Phước Bình, Phước Hòa, Tràm Cát, Phước Hội của xã Phước Chỉ, ấp Phước Giang xã Phước Lưu, An Thới xã An Hòa, Bình Nguyên, Gia Bình và An Thành của xã An Tịnh.
Đây là những vùng khó khăn nhất về sản xuất, sinh hoạt và nguồn nước sạch, hàng năm đến mùa lũ lụt hầu như bị ngập nước hoàn toàn, hàng ngàn ha lúa bị mất trắng, ao hồ nuôi trồng thủy sản bị trôi theo sông nước, nhiều hộ phải di dời, sơ tán, nhà nước và xã hội phải ra sức cứu hộ cứu trợ…
Người dân xã Phước Chỉ sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp dễ dàng thuận tiện hơn từ khi có đê bao làm đường giao thông vận chuyển- Ảnh minh hoạ
Chính vì lẽ đó, Sở NN&PTNT Tây Ninh và Huyện ủy, UBND huyện đã cho chủ trương làm đê bao tiểu vùng kết hợp nuôi trồng thủy sản, nhằm đảm bảo cuộc sống đồng bào vùng lũ và phát triển sản xuất một cách vững chắc có hiệu quả.
Năm 2002, trước bức xúc về sản xuất và đời sống nhân dân ven sông Vàm Cỏ Đông, huyện đã triển khai xây dựng đê bao ngăn lũ ấp Phước Long theo phương châm “4 tại chỗ và Nhà nước nhân dân cùng làm” với chiều dài 982 m, kinh phí 27,5 triệu đồng đã đảm bảo cho 7 ha diện tích đất tự nhiên, 11 hộ dân, 55 nhân khẩu ổn định sản xuất, an tâm chung sống với lũ, hiệu quả kinh tế xã hội phát triển rõ nét. Đây được xem là công trình khởi xướng, làm nền móng tiền đề cho nhiều công trình đê bao hiệu quả lợi ích tiếp theo về sau này.
Tiếp nối thành công, năm 2003 nhân dân ấp Phước Trung và ấp Phước Đông đã tự hùn vốn thực hiện đê bao với tổng diện tích ngăn lũ 124 ha, 70 hộ, 424 nhân khẩu trị giá hơn 68 triệu đồng. Tính từ năm 2004 đến 2010, tỉnh và huyện đã cùng tiếp sức nhân dân tiếp tục mở rộng, xây dựng 11 công trình đê bao tiểu vùng kết hợp nuôi trồng thủy sản dài 37,4 ngàn mét, phục vụ cho 835 ha với tổng kinh phí trên 7,8 tỷ đồng.
Tính riêng từ năm 2011 – 2019, với 100% vốn từ ngân sách, Sở NN&PTNT đầu tư xây dựng 4 đê bao tiểu vùng tại xã Phước Chỉ dài 17,7 ngàn mét, phục vụ 710 ha, kinh phí 47,3 tỷ đồng. UBND huyện Trảng Bàng cũng đầu tư xây dựng thêm 3 đê bao tiểu vùng với tổng chiều dài 13,7 ngàn mét, phục vụ cho 500 ha, tổng kinh phí trên 14,3 tỷ đồng.
Có thể thấy, hiệu quả kinh tế xã hội của các công trình đê bao đã mang lại rất rõ nét. Đối với sản xuất, chủ động xuống giống không phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên, năng suất tăng lên được 13 – 14 tấn/ ha, lợi nhuận tăng từ 27 – 30 triệu đồng. Tạo được mạng lưới giao thông nội đồng, thuận lợi vận chuyển nông sản, cơ giới hóa đồng ruộng, học sinh dễ dàng đến trường.
Đối với chăn nuôi, trước đây khi chưa có đê bao thì không thể nuôi cá do không đảm bảo điều kiện. Hiện nay khi có đê bao, bên trong đê bao có 2 mô hình nuôi cá trong ao và trên ruộng lúa. Về mặt xã hội, những hộ dân trong vùng đê bao có cuộc sống ổn định, thu nhập cao hơn vì trong khu đê bao vừa sản xuất, trồng trọt chăn nuôi vẫn đảm bảo phát triển tốt, vừa không lo phải chạy lũ, người dân an tâm hơn trong sinh hoạt thường ngày.
Ông Nguyễn Văn Hăng (ngụ tổ 3, ấp Phước Hội) phấn khởi chia sẻ: “Từ khi có đê bao, bà con nông dân canh tác được 3 vụ, năng suất lúa cũng tăng lên, nhất là giá cả nông sản làm ra không bị thương lái ép giá, việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của bà con và các em học sinh cũng dễ dàng hơn trước rất nhiều.
Ông Nguyễn Thành Đi- Bí thư chi bộ ấp Phước Hội xã Phước Chỉ cho biết: “hiện nay đời sống của nhân dân khi có đê bao có nhiều thay đổi, đời sống nâng mức cao hơn, nông dân chủ động được ngày giờ sạ, chủ động được nước và vấn đề đầu ra của nông sản. Bên cạnh đó giá cả các mặt hàng cũng cao hơn so với các vùng ngoài đê bao, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thuận tiện. Tuy nhiên hiện nay ấp vẫn còn 1 tuyến đê bao lớn ở khu vực Rạch Nhẫn cần được Nhà nước quan tâm đầu tư”.
Theo ông Nguyễn Phước Nhiên - Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ, tổng số tuyến đê bao trên địa bàn xã hiện có là 14, ngay từ khi triển khai xây dựng đã nhận được sự đồng tình ủng hộ rất cao của người dân, người dân tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức, tiền của, nạo vét các tuyến kênh đấp lên thành đê bao để đưa vào sử dụng, phục vụ sản xuất, đi lại của bà con trong vùng.
Từ khi thấy được hiệu quả kinh tế- xã hội từ các khu vực đê bao, lãnh đạo tỉnh, huyện đã quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ nhân dân tiếp tục mở rộng việc xây dựng các tuyến đê bao lớn khác, qua đó đã giúp nông dân các vùng kết nối với nhau dễ dàng, giảm chi phí đầu vào sản xuất, tăng lợi nhuận rất nhiều cho nông dân Phước Chỉ
Ngoài xã Phước Chỉ, một trong những xã thấy rõ hiệu quả từ đê bao là xã Phước Lưu.
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Trưởng ấp Phước Giang cho biết: “ông sống ở đây từ nhỏ. Những năm trước, mỗi lần đến mùa lũ lụt là hầu hết các con đường trong ấp đều ngập nước. Từ khi được nhà nước quan tâm đầu tư các đê bao thì mùa mưa lũ, dân trong ấp không còn lo ngập nước, không còn bị thất thoát thủy sản đang nuôi trồng như trước, việc đi lại vô cùng thuận lợi. Ngay cả con đường chính đi qua ấp (đường Phước Tân-Phước Giang) cũng đã được láng nhựa và nâng cao, người dân rất mừng
Ông Lê Văn Em- Chủ tịch UBND xã Phước Lưu cho biết, việc xây dựng đê bao kết hợp với giao thông nội đồng đã đem lại nhiều thuận lợi, nhất là việc di chuyển của bà con, tạo điều kiện cho bà con ở các ấp gần gũi với nhau hơn. Hiệu quả từ các đê bao đem lại là vô cùng to lớn và thiết thực, nhất là đối với các xã cánh tây của huyện.
Tuy nhiên, hiện nay các địa phương cũng băn khoăn là các tuyến đê bao theo thời gian bị xuống cấp, hư hỏng, cần có chính sách đầu tư bê tông hoá để nâng cao độ bền của các tuyến đê bao.
Theo ông Trương Tấn Đạt- Trưởng phòng NN&PTNT huyện, mỗi năm, ngành Nông nghiệp huyện đều thực hiện kiểm tra thường xuyên tình trạng các tuyến đê để kịp thời phát hiện điểm xung yếu có biện pháp gia cố, duy tu, sữa chữa hợp lý, đảm bảo an toàn công trình và sản xuất của nhân dân.
Đối với hệ thống bờ bao, đập tạm huyện đã rà soát cụ thể hiện trạng từng tuyến, trên cơ sở đó kiến nghị các sở, ngành tỉnh có liên quan xem xét hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng, sớm hoàn thiện hệ thống đê bao kiên cố, đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân cũng như lộ trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. N
goài ra, ông Đạt cũng cho biết thêm, trong năm 2019, để ứng phó tình hình triều cường, ngay từ đầu năm huyện đã sử dụng ngân sách địa phương và vận động người dân đóng góp vật chất, ngày công đối ứng để gia cố những điểm xung yếu kịp thời trước mùa mưa năm nay
Vấn đề xây dựng đê bao từ lâu đã được huyện xem là vấn đề sống còn trong lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới. Sau nhiều năm ra sức xây dựng, đến nay Trảng Bàng đã có hệ thống đê bao đều khắp ở các xã. Có thể nói, hệ thống đê bao đã giúp cho hàng ngàn người dân có cuộc sống ổn định, an toàn. Hệ thống này còn giúp nhiều địa phương khác có thể ổn định sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực vẫn còn hạn chế như một số đê bao chưa phát huy hết hiệu quả, nguồn lực trong nhân dân có hạn nên việc đóng góp cùng nhà nước để thực hiện còn nhiều khó khăn, trong khi đầu tư của Nhà nước còn hạn chế nên việc phát triển đê bao còn chậm… Do đó, trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện Trảng Bàng kiến nghị tỉnh, huyện xem xét tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 13 đê bao với tổng chiều dài 44 km, khái toán tổng mức đầu tư hơn 107 tỷ đồng.
Hiểu Sinh