Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh, ngành chăn nuôi gà thịt của tỉnh những năm gần đây có bước tiến vượt bậc về quy mô cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học.
Từ năm 2015 đến nay, tổng đàn gà thịt có xu hướng tăng. Năm 2018 là 5,6 triệu con, vượt 3,7% so với chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2020 của Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh. Sản lượng thịt gà hơi chiếm 27,9% tổng sản lượng thịt hơi các loại, tăng 4,1% so với năm 2016.
Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt (gà lông màu) an toàn sinh học với quy mô 2.000 con (giống gà Mía), thực hiện tại thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành, mỗi địa phương 1.000 con.
Việc triển khai mô hình này nhằm lựa chọn các giống gà đặc sản từ các tỉnh khác về nuôi, đa dạng hoá nguồn con giống trên địa bàn tỉnh, đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học đến người chăn nuôi, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.
Giống gà mía do Trung tâm Khuyến nông triển khai.
Ông Huỳnh Quí Phi ở khu phố Ninh Thành, phường Ninh Sơn (TP.Tây Ninh) cho biết, trước đây, ông nuôi gà siêu thịt, do thị trường không ổn định nên tạm ngưng. Từ cuối tháng 5.2020, ông bắt đầu nuôi giống gà mía do Trung tâm Khuyến nông triển khai với số lượng 500 con. Ngoài ra, gia đình ông còn nuôi thêm 1.500 con gà giống Lượng Huệ.
Ông được Trung tâm hỗ trợ 50% giống và 30% vật tư; tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học có kiểm soát tốt dịch bệnh; hướng dẫn làm chuồng trại và áp dụng đệm lót sinh học trong suốt quá trình nuôi gà. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, kịp thời hướng dẫn và hỗ trợ tiêm phòng vaccine ngừa bệnh cho gà theo đúng lịch tiêm phòng, giúp đàn gà khoẻ mạnh, tỷ lệ nuôi sống cao.
“Trọng lượng gà bình quân sau 60 ngày nuôi khoảng 1,25 kg/con, đặc biệt sử dụng đệm lót sinh học mang lại nhiều hiệu quả trong chăn nuôi. Từ khi thả giống nuôi đến nay là hơn 70 ngày nhưng chuồng trại không có mùi hôi”- ông Phi nói.
Anh Huỳnh Văn Cư- Trưởng trạm Khuyến nông Thành phố cho biết, gà mía có nguồn gốc từ Hà Tây, đây là giống gà đặc sản nên khi ra thị trường, khả năng tiêu thụ sẽ tốt hơn, giúp cho người tiêu dùng có nhiều phương hướng lựa chọn.
Sử dụng đệm lót sinh học mang lại nhiều hiệu quả trong chăn nuôi.
Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, nông dân phải theo đúng quy trình kỹ thuật mà cán bộ Khuyến nông hướng dẫn, phải có sổ nhật ký mô hình, trong đó ghi chép đầy đủ quá trình chăn nuôi, sử dụng thức ăn, thuốc thú y cũng như các sản phẩm khác, bảo đảm khi thu hoạch sản phẩm đạt chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, hướng tới việc sản xuất theo quy trình VietGAHP.
Mô hình triển khai trong thời gian 3 tháng, tính đến nay đã thực hiện hơn hai tháng. Qua theo dõi, giống gà này phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương, tốc độ sinh trưởng, phát triển cũng như tỷ lệ sống của gà đạt rất tốt. Hiện trọng lượng bình quân khoảng 1,7 kg/con, đã vượt so yêu cầu ban đầu đề ra (yêu cầu của mô hình trong 3 tháng là khoảng 1,6 kg/con).
Anh Cư cho biết, ước hiệu quả kinh tế, nếu tính trọng lượng bình quân khoảng 1,8 kg/con với thời gian nuôi 3,5 tháng, giá bán bình quân 80.000 đồng/kg, sau khi trừ đi các chi phí thì lợi nhuận tổng đàn (giống gà mía) khoảng 25 triệu đồng.
Còn theo ông Phi, ông đã được một đại lý thức ăn gia súc, thuốc thú y ở thị trấn huyện Châu Thành cam kết bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Ông đang xây thêm một chuồng trại với diện tích khoảng 140 m2, quy mô nuôi khoảng 500 con gà bố mẹ để nhân giống, giảm giá thành chăn nuôi.
Tuy nhiên, chăn nuôi gà thịt hiện nay còn khó khăn, khả năng khép chuỗi nhìn chung thấp do tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều. Đây cũng là băn khoăn chung của người chăn nuôi gà.
Trúc Ly