Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ông Nguyễn Tấn Tài- Giám đốc Sở GTVT cho biết, sau khi tiến hành khảo sát, kiểm tra, kiểm chứng hiệu quả hoạt động của Công ty TNHH Huỳnh Vương thực hiện năm 2016 trên sông Vàm Cỏ Đông, Sở GTVT trình UBND tỉnh xin chủ trương chấp thuận giao cho Công ty TNHH Huỳnh Vương triển khai vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông trong thời hạn 5 năm, kinh phí mỗi năm là 1,94 tỷ đồng.
Một người dân bị lục bình bao vây phải đứng trên ghe chờ nước lớn để vào bờ tại đoạn sông Vàm Cỏ Đông, cầu Bến Sỏi, huyện Châu Thành.
Có lẽ không một người dân sống dọc theo hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, hay một người sử dụng phương tiện thuỷ nào di chuyển trên dòng sông này mà không lắc đầu ngao ngán trước vấn nạn lục bình mỗi khi mùa khô đến. Khi ấy, lục bình ken đặc mặt sông, không thuyền ghe nào có thể di chuyển, phải nằm chịu trận giữa sông chờ khi nước lớn, lục bình trôi đi bớt mới có thể vào bờ, cập bến.
Nhiều năm qua, tỉnh hết sức “đau đầu” về chuyện xử lý vấn nạn lục bình nhằm “thông tuyến” cho hoạt động giao thông, vận chuyển hàng hoá trên đường thuỷ nội địa. Nhiều doanh nghiệp cũng tìm đến Tây Ninh đưa ra không ít giải pháp xử lý lục bình, nhưng sau đó triển khai hoạt động không thành công.
Mới đây, ngày 22.3.2017, theo tờ trình của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), UBND tỉnh đã có chủ trương đồng ý chọn Công ty TNHH Huỳnh Vương là đơn vị tiến hành trục vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông với thời hạn 5 năm, kinh phí mỗi năm hơn 1,9 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tấn Tài - Giám đốc Sở GTVT cho biết, đối với phương án “xử lục bình” của Công ty TNHH Huỳnh Vương, Sở đã xem xét rất kỹ mới lựa chọn, trong đó đặt nặng các tiêu chí liên quan đến hiệu quả, chất lượng của công việc. Hiệu quả của các tiêu chí đó đã được doanh nghiệp này chứng minh khi thực hiện vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông và cho thấy có nhiều ưu điểm.
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Tài, Công ty TNHH Huỳnh Vương đã chuẩn bị phương án, thiết bị sẵn sàng cho việc tiến hành trục vớt lục bình hiện đang phát triển dày đặc trên sông Vàm Cỏ Đông.
Giám đốc Sở GT-VT cho biết thêm, để bảo đảm công tác xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông được thực hiện “căn cơ”, đạt hiệu quả cao trên cơ sở thực nghiệm, so sánh với các phương pháp đã triển khai những năm trước, Sở đã chọn Công ty TNHH Huỳnh Vương. Phương pháp công ty đưa ra là tiến hành vớt lục bình tại những đoạn cong, khúc quanh trên sông.
Công ty sẽ bố trí thiết bị cố định là xe cuốc Kobeko tự chế lại với bề rộng 3m, ngang 1,5m đặt trên xà lan để thực hiện việc vớt lục bình lên xà lan khác rồi vận chuyển về bãi tập kết. Đối với những vị trí khác trên sông, công ty dùng phương pháp lưu động cũng là xe cuốc Kobeko tự chế với thiết bị vớt rộng 3m, ngang 1,5m đặt trên phà di chuyển và thực hiện việc vớt đưa lục bình lên xà lan khác vận chuyển về bãi tập kết.
Phương pháp của Công ty TNHH Huỳnh Vương đưa ra hy vọng sẽ giải quyết cơ bản tình trạng lục bình phủ kín sông Vàm Cỏ Đông. Đối với phương án vớt cố định, một máy đào có cần dài 12m, gàu vớt rộng 3m, ngang 1,5m cùng các thiết bị hỗ trợ khác, một ngày làm việc 8 giờ có khả năng trục vớt được khối lượng 240 tấn lục bình. Đối với phương án vớt lưu động, một ngày 8 tiếng, có thể trục vớt được 480 tấn.
Thiết bị trục vớt lục bình cố định.
Ông Nguyễn Tấn Tài cho biết thêm, sau khi tiến hành khảo sát, kiểm tra, kiểm chứng hiệu quả hoạt động của Công ty TNHH Huỳnh Vương thực hiện năm 2016 trên sông Vàm Cỏ Đông, Sở GTVT trình UBND tỉnh xin chủ trương chấp thuận giao cho Công ty TNHH Huỳnh Vương triển khai vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông trong thời hạn 5 năm, kinh phí mỗi năm là 1,94 tỷ đồng.
Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Vương, ông Huỳnh Vương Trung chia sẻ, ông rất tâm huyết với công việc trục vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. Bản thân ông đã tự mày mò nghiên cứu để chế tạo thiết bị hoạt động có hiệu quả đối với vấn nạn lục bình. Hiện công ty đã chuẩn bị đầy đủ máy móc, thiết bị, xà lan, tàu chở lục bình, điểm tập kết… để sẵn sàng bắt tay ngay vào việc trục vớt lục bình.
Do mùa lũ 2016 mực nước dâng cao, chậm rút nên hiện nay mật độ lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông dày đặc. Công ty cũng đang đặt mua thêm tàu, xà lan vận chuyển từ miền Tây về để nâng hiệu suất hoạt động.
Lục bình sau khi được vớt, công ty đã có phương án xử lý, sau khi tập kết sẽ bán đi Đà Lạt để sử dụng thân lục bình cấy mô cây giống, đan giỏ trồng cây, hoa... hoặc bán cho nhà vườn dùng để ủ gốc cây. Nói chung vấn đề “đầu ra” cho lục bình cũng đã có.
Hy vọng trong thời gian tới, vấn nạn lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông sẽ không còn.
THIÊN TÂM – PHƯƠNG THẢO