Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo HĐND tỉnh Tây Ninh, trong giai đoạn 2013-2016, có 22 tổ chức được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích 121,05 ha.
UBND tỉnh cũng giao cho cơ quan phát triển quỹ đất tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 19,5 ha (trong đó diện tích đã đấu giá là 18,56 ha, diện tích chưa đấu giá 0,95 ha) và hiện cơ quan phát triển quỹ đất quản lý 5,09 ha.
Quy trình quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo phân cấp, theo địa giới hành chính, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương.
Theo đó, UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, doanh nghiệp; UBND cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân; UBND cấp xã quyết định giao đất, cho thuê đất đối với 5% diện tích đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích trên địa bàn.
Khu đất công ven quốc lộ 22B- Ảnh minh họa. |
Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh và được công bố, công khai theo quy định.
Về cơ bản, các tổ chức được nhận đất đã quản lý và sử dụng đúng theo quyết định của UBND tỉnh.
Đối với đất sử dụng vào mục đích công cộng (giao thông, thủy lợi, sinh hoạt cộng đồng...), về cơ bản được các địa phương quản lý và sử dụng đúng mục đích, đúng quy hoạch.
Đối với đất chưa giao, chưa cho thuê, chưa sử dụng... được quản lý tại địa phương. Đối với diện tích đất đã thu hồi, được giao cho các tổ chức phát triển quỹ đất để tiến hành đấu giá, diện tích còn lại giao cho địa phương quản lý, sử dụng.
Đối với diện tích đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích (gọi là 5% quỹ đất nông nghiệp công ích) được UBND các xã quản lý, khai thác, sử dụng theo quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít hạn chế, hiệu quả khai thác và sử dụng đất công chưa cao.
Cụ thể, vẫn còn một số diện tích đất công ở khu vực, vị trí trung tâm chậm được đưa vào sử dụng, sử dụng không đúng mục đích hoặc bỏ hoang gây lãng phí; một số dự án đã có quyết định thu hồi đất, giao đất cho nhà đầu tư nhưng chậm hoặc chưa triển khai; một số diện tích đất chưa có phương án khai thác sử dụng hiệu quả hoặc đã thu hồi nhưng không sử dụng, để tái lấn chiếm (cụ thể như một số dự án ở cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát, đất bán ngập, đất hành lang thủy lợi, đất nông lâm trường, đất đảo Suối Nhím...).
Đến nay, hiệu quả giải quyết các hành vi vi phạm về lấn chiếm đất công tại một số địa phương còn thấp, không ít trường hợp để kéo dài nhiều năm (như đất trụ sở khối Vận, chợ huyện, sân bóng đá thuộc thị trấn Bến Cầu; đất sân bay Thiện Ngôn cũ, đất trụ sở cũ của Trung tâm y tế Tân Biên...) làm hạn chế hiệu lực quản lý, gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Một số địa phương chưa thật sự quan tâm quản lý đối với các diện tích đất công được giao cho lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa...
Có nơi, địa phương không nắm rõ và không thống kê được số tổ chức và diện tích đất đã (hay chưa) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là đối với các đơn vị thuộc hệ thống ngành dọc ở huyện Bến Cầu.
Vẫn còn một số công trình, dự án sử dụng đất công ở các huyện Tân Châu, Bến Cầu, Trảng Bàng, Châu Thành chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Đáng chú ý, một số tổ chức, đơn vị nhà nước được cấp đất vượt quá nhu cầu và công năng sử dụng, gây lãng phí.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, khai thác và sử dụng đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích (5% quỹ đất nông nghiệp) tại một số xã chưa chặt chẽ. Việc cho thuê, cho mượn chưa đúng quy định, sử dụng đất không đúng mục đích, đất không sử dụng để bị lấn chiếm gây lãng phí...
Đồng thời, việc tổ chức đo đạc, cắm mốc ranh đất công còn nhiều hạn chế, chủ yếu chỉ cắm mốc ngoài thực địa đối với những thửa đất công thuộc quản lý của địa phương. Còn các thửa đất đã có chủ trương giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất thì đa số diện tích còn lại chưa thực hiện và chưa hoàn thành việc đo đạc, cấp giấy cắm mốc và đưa vào hồ sơ quản lý địa chính (đất chợ, đất nghĩa địa).
Một khu chợ biên giới trở thành bãi đậu xe tải- Ảnh minh họa. |
Theo HĐND tỉnh, hiện nay, khái niệm về “đất công” và những quy định về quản lý sử dụng đất công chưa được hiểu một cách thống nhất và chưa có hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, nhận thức về vai trò, trách nhiệm và năng lực quản lý đất đai nói chung, đất công nói riêng của một số cơ quan, tổ chức, địa phương, nhất là đối với cấp xã còn nhiều hạn chế, chưa xác định rõ trách nhiệm được giao, chưa chủ động thực hiện kê khai và đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Chính quyền địa phương và ngành chức năng cũng chưa thường xuyên rà soát đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất công nên chưa kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp sử dụng đất kém hiệu quả hoặc vi phạm.
Nhiều nơi, diện tích đất công còn nằm rải rác, nhỏ lẻ, xen lẫn trong các khu dân cư, đất nông lâm trường, khu - cụm công nghiệp... nên việc quản lý khai thác, sử dụng còn nhiều khó khăn, thiếu chặt chẽ.
Trước những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý đất công, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, UBND cấp huyện tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, hướng dẫn việc quản lý, khai thác và sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh; trong đó cần xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành, cơ quan, tổ chức và cá nhân người đứng đầu cơ quan tổ chức, địa phương đối với diện tích đất công được giao quản lý.
Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý những vấn đề phát sinh, các trường hợp vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật về đất đai.
Các ngành, các cấp cần đẩy nhanh tiến độ xử lý tình trạng lấn chiếm đất công, khắc phục tình trạng dây dưa kéo dài ở một số địa phương; đẩy mạnh công tác kêu gọi, thu hút đầu tư vào các diện tích đất đã thu hồi cùng với việc rà soát xử lý theo quy định của pháp luật đối với đất đã giao cho các dự án nhưng chậm hoặc không triển khai thực hiện theo quy định.
Hoàng Thi