Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Đó là đánh giá của ông Võ Văn Ten- 68 tuổi, hiện ngụ ấp Phước Hội, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu. Lão nông này hiện đang sở hữu 70 ha rừng, 30 ha mì trong hồ Dầu Tiếng.

Một trong những cánh rừng tràm nước của ông Ten sắp đến kỳ thu hoạch.
Chúng tôi đến thăm ông Ten vào lúc gia đình ông đang dựng rạp chuẩn bị làm đám cưới cho người con gái. Nhìn con cháu quây quần sum họp vui vầy, ông Ten chợt nhớ về những ngày gian khó của hơn 35 năm trước. Ông kể, những năm đó, cuộc sống vô cùng khó khăn, hằng ngày vợ chồng ông phải vào những bãi đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng khai hoang, dỡ đất. “Ban đầu gia đình tôi khai khẩn được 1,2 ha, sau đó tăng dần lên 5 ha, cộng với đất mua lại của nhiều bà con khác, đến nay tôi có khoảng 100 ha đất trong hồ Dầu Tiếng” (không có giấy).
Những năm đầu, ông Ten đầu tư trồng mì xen với trồng đậu phộng trên vùng đất bán ngập này. Nhưng thấy trồng mì có nhiều rủi ro nên ông nghiên cứu tìm cách chuyển đổi cây trồng sao cho ổn định sinh kế lâu dài. Sau một thời gian tìm tòi, ông quyết định chuyển dần phần lớn đất của mình sang trồng các loại cây rừng. Ông cho biết: “Đợt đầu tôi trồng được 25 ha, 12 năm sau mới thu hoạch. Đợt thứ 2 trồng thêm 25 ha nữa, chỉ sau 8 năm thì thu hoạch. 5 năm gần đây, tôi trồng tiếp 20 ha rừng cho đợt thứ 3 và mới thu hoạch xong. Tổng cộng tôi đã trồng được khoảng 70 ha rừng trong hồ Dầu Tiếng”.
Trên diện tích 70 ha đất bán ngập này, ông Ten trồng rừng theo hai loại. Ở những nơi đất thường xuyên bị ngập, ông đầu tư trồng cây tràm nước. Loại tràm này ở Tây Ninh không có cây giống nên ông phải về miền Tây mua với giá 500 đồng/cây. Mặc dù phải tốn chi phí và lặn lội đường xa, nhưng bù lại, loại tràm nước này rất dễ trồng. Những năm đầu chưa có kinh nghiệm, ông trồng “búa xua” không có hàng lối nên tỷ lệ thất thoát khá cao, giá trị gỗ thu được không như ý. Những năm gần đây, ông rút kinh nghiệm, trồng tràm nước theo hàng lối, mỗi cây cách nhau 2 mét và mỗi hàng cũng cách nhau 2 mét. Trồng như vậy tràm lớn nhanh, lớn đều nhau, dễ dàng trong khâu thu hoạch và vận chuyển, cũng như thuận tiện cho việc trồng lại và phòng chống cháy rừng. Cứ trồng được khoảng 5- 6 năm là ông Ten thu hoạch một lần theo kiểu cuốn chiếu chứ không thu hoạch trắng một lượt, nhằm duy trì rừng trong lòng hồ và phân khai nguồn vốn được hợp lý hơn. Đối với những cây tràm tốt, đường kính gốc từ 20-30cm, ông bán cho những người làm gỗ gia dụng hoặc làm bao bì. Phần ngọn hoặc những cây tràm cỡ nhỏ, ông bán về miền Tây cho người dân dùng làm cọc, cừ gia cố bờ kè hay công trình xây dựng…
Cũng là người có nhiều năm trồng mì trên vùng đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng, nên ông Ten có cơ sở để so sánh hiệu quả của hai loại cây trồng này. “Trồng mì, bình quân mỗi năm lãi được khoảng 20 triệu đồng/ha, nếu tính 5 năm lãi được 100 triệu đồng. Trong khi đó, trồng 1 ha rừng, 5 năm sau lãi được đến 400 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với trồng mì”- ông Ten nhẩm tính. Ngoài ra, trồng rừng còn có nhiều lợi ích khác như góp phần cân bằng môi trường sinh thái, chống xói mòn, giữ nước cho rừng đầu nguồn hồ Dầu Tiếng, làm nơi cư trú và sinh sản cho chim, cá...
Bên cạnh đó, để góp phần bảo vệ môi trường, ông Ten còn trồng xen kẽ nhiều loại cây rừng lâu năm trên những phần đất gò. Hiện tại, ông đã trồng được nhiều cây sao, dầu, gõ, sến, xà cừ, tràm bông vàng. Riêng cây tràm bông vàng, nếu để thời gian quá lâu sẽ bị bọng ruột làm mất giá trị thương phẩm, nên chỉ khoảng 8 năm là ông cho thu hoạch, sau đó trồng lại cây mới. Các loại cây rừng lâu năm còn lại ông để luôn chứ không tính đến chuyện thu hoạch. Đến nay, một số cây rừng của ông đã được gần 20 năm tuổi, có những cây to cỡ vòng tay người lớn ôm không giáp. Ông khoe, những cây này được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng theo chương trình khuyến khích nông dân trồng rừng của Chính phủ.
Ngoài 70 ha rừng, 30 ha mì trồng trên vùng đất bán ngập, ông Ten còn có khoảng 50 ha đất đang trồng mía, mì, cao su bên ngoài hồ Dầu Tiếng. Gần 70 tuổi, nhưng ông Ten vẫn còn nhiều tâm huyết cho việc trồng rừng, vừa tạo nguồn thu cho gia đình, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Hà Thanh Tùng- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Dương Minh Châu nhận định: “Đúng là trồng rừng trên vùng đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng cho lợi ích kinh tế cao hơn trồng mì. Hiện tại, huyện Dương Minh Châu mới chỉ có khoảng 600 ha rừng trồng trên vùng đất bán ngập trong lòng hồ. Đây là con số quá ít so với diện tích đất bán ngập hiện có. Bà con cần nghiên cứu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, cũng như góp phần bảo vệ môi trường”.
Đại Dương- Quốc Sơn