Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 18.4, Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức toạ đàm đánh giá 60 ha mô hình thử nghiệm tưới ướt khô xen kẽ (AWD) tác động đến năng suất và lượng phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa tại Tây Ninh.

Đến dự có ông Nguyễn Như Cường- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường; đại diện Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường; đại diện các sở, ban, ngành liên quan; các nhà khoa học, chuyên gia; doanh nghiệp và bà con nông dân.
Tăng năng suất lúa so với phương pháp canh tác truyền thống
Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Tây Ninh là vùng đất có truyền thống sản xuất nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản của khu vực Đông Nam bộ. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp tại Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung đang đối mặt với nhiều thách thức như khan hiếm nguồn nước, chi phí sản xuất tăng cao, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là yêu cầu cấp bách trong việc giảm phát thải khí nhà kính, nhất là trong canh tác lúa nước.
Tại Tây Ninh, mô hình thử nghiệm tưới ướt khô xen kẽ (AWD) được triển khai tại Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp An Hoà, khu phố An Thới, phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng; HTX dịch vụ nông nghiệp An Bình, ấp Thanh Bình, xã An Bình, huyện Châu Thành.
Mô hình được triển khai vào vụ Đông Xuân 2024-2025, diện tích thử nghiệm 30 ha/khu vực. Kết quả ban đầu cho thấy, đây là một giải pháp tiềm năng: tiết kiệm 26% lượng phân bón; 20%–30% lượng nước tưới, vừa giúp giảm phát thải metan – loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh, giảm đến 54% so với tập quán canh tác truyền thống.
Đặc biệt, năng suất lúa tăng 17%; lợi nhuận tăng thêm khoảng 7 triệu đồng/ha/vụ so với phương pháp canh tác truyền thống tại địa phương. Điều này có ý nghĩa quan trọng, bởi Tây Ninh đang tích cực hưởng ứng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 – hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050.
Ngành Nông nghiệp Tây Ninh xác định, việc ứng dụng và nhân rộng mô hình AWD không chỉ dừng lại ở thí điểm, mà cần được lồng ghép vào các chương trình phát triển nông thôn, các chính sách hỗ trợ, đào tạo và truyền thông đến từng HTX, từng cánh đồng, qua đó giúp nông dân vừa sản xuất hiệu quả, vừa làm chủ công nghệ, vừa là lực lượng tiên phong trong công cuộc chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh – sạch – thông minh.
Tại buổi toạ đàm, ông Trần Văn Thậm- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp An Hoà (thị xã Trảng Bàng) chia sẻ, khi áp dụng mô hình, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật theo dõi mực nước vùng rễ, kết hợp quan sát thực trạng sinh trưởng của cây lúa để đưa ra quyết định tưới chính xác hơn. Điều này giúp giảm số lần bơm nước, tiết kiệm nhiên liệu và công lao động.

Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình này, bà con nông dân cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: một số khu vực sản xuất chịu ảnh hưởng của thuỷ triều hoặc thời gian rút nước không ổn định, gây khó khăn trong việc tuân thủ quy trình thời gian rút nước tối thiểu; nỗi lo thường trực của nông dân là dịch hại, đặc biệt là chuột và rầy nâu, có thể phát sinh mạnh khi ruộng khô nếu không có biện pháp quản lý kịp thời…
Nhân rộng mô hình nhằm giảm lượng phát thải metan
Tại Tây Ninh, việc áp dụng AWD mang lại nhiều lợi ích môi trường đáng kể, bao gồm tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng nước và các tác động khác đến môi trường. Trong đó, giảm phát thải khí metan (CH4) là một trong các lợi ích môi trường nổi bật nhất của phương pháp này. Phương pháp canh tác truyền thống có thời gian lưu giữ nước trên đồng ruộng lâu tạo điều kiện cho vi khuẩn kỵ khí sản sinh khí metan, một loại khí nhà kính có tiềm năng làm nóng toàn cầu gấp 25 lần so với CO2 trong 100 năm.
Với diện tích gieo trồng lúa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh là 141.500 ha mỗi năm, nếu ứng dụng phương pháp tưới ướt khô xen kẽ AWD, lượng khí metan sẽ giảm được khoảng 641.844 tấn CO2eq. Đây là đóng góp quan trọng vào nỗ lực giảm biến đổi khí hậu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Với diện tích lúa ở Tây Ninh là 141.500 ha mỗi năm, tổng lượng nước tiết kiệm được có thể được ước tính dao động từ 70.750.000 m3 đến 212.250.000 m3 mỗi năm. Điều này rất quan trọng vì Tây Ninh thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu nước vào mùa khô, đặc biệt ở các khu vực phụ thuộc vào nước mưa hoặc hệ thống thuỷ lợi chưa hoàn thiện. Phương pháp AWD giúp giảm lượng nước tưới đáng kể, giúp bảo tồn nguồn nước ngầm và bề mặt, giảm áp lực lên hệ thống thuỷ lợi địa phương.
Phát biểu định hướng và đánh giá tiềm năng mô hình AWD trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Như Cường- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh, mô hình AWD không phải là mô hình mới, đã được áp dụng tại Thái Lan, Philippines… khi áp dụng tại Việt Nam, nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Đối với mô hình 60 ha tại Tây Ninh, qua thời gian thử nghiệm đã đạt hiệu quả cao, có kết quả đáng ghi nhận so với phương pháp sản xuất lúa truyền thống.
Thời gian tới, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường mong muốn tất cả hội viên nông dân, các HTX sẽ là các tuyên truyền viên để tuyên truyền cho gia đình, hàng xóm, bạn bè… nhân rộng mô hình một cách rộng rãi. Cơ quan chức năng cần ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp bà con nông dân an tâm sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoàng Yến