BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hiệu quả mô hình “Tổ phụ nữ vần đổi công Việt Nam - Campuchia” 

Cập nhật ngày: 21/02/2024 - 16:20

BTN - Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2023, mô hình Tổ phụ nữ vần đổi công Việt Nam - Campuchia xã Ninh Điền đã giúp 107 thành viên trong các tổ và 241 hội viên, phụ nữ ngoài tổ vần đổi được 17.377 lượt ngày công làm theo thời vụ, với tổng thu nhập 2.744.270.000 đồng.

“Tổ phụ nữ vần đổi công Việt Nam - Campuchia” tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành hoạt động khá hiệu quả.

Bà Kim Thị Minh- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tây Ninh khẳng định: “Tổ phụ nữ vần đổi công Việt Nam - Campuchia” tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành là một mô hình khá hiệu quả, không chỉ góp phần ngăn chặn tình trạng mua bán người qua biên giới mà còn giúp chị em trong tổ xoay vòng giúp nhau giải quyết việc đồng áng khi vào mùa vụ, giới thiệu việc làm cho nhau để tăng thêm thu nhập”.

NÔNG DÂN "NGỒI VÕNG ĐẾM TIỀN"

Khoảng 10 năm trở lại đây, thu nhập của gia đình vợ chồng chị Sa, anh Rùa (ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành) chủ yếu nhờ vào việc trồng bầu, bí, khổ qua trên diện tích đất thuê 3,4 ha.

Chị Sa cho biết, khổ qua sau khi trồng bình quân mất 55 ngày mới bắt đầu cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch dài ngắn còn tuỳ thuộc vào giá cả thị trường. Nếu được giá, việc chăm sóc sẽ kỹ hơn, thời gian thu hoạch có thể kéo dài gần ba tháng. Nếu mất giá thì cuốn chà sớm hơn để trồng loại khác.

Chẳng hạn mùa vụ này, do công ty giao nhầm giống, khổ qua ra trái dài nên giá cả không được như mong muốn, vợ chồng chị quyết định sẽ sớm hái nụ, dỡ chà kết thúc vụ sau hai tháng thu hoạch để trồng lại giống mới phù hợp với nhu cầu thị trường.

Vợ chồng chị Sa đã cung ứng gần 30 tấn khổ qua cho thị trường. Chị cho biết, giá bán tại chỗ cho thương lái từ 8-10 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ các khoản phải chi theo hợp đồng thuê mướn nhân công, vật tư phân bón ứng trước của các đại lý, chi phí sinh hoạt hằng ngày… chị còn dành một phần bỏ ống heo phòng khi trái gió trở trời. Với mặt bằng giá cả ở Ninh Điền, phần bỏ ống tuy không nhiều nhưng có lẽ vẫn là điều mơ ước của không ít người ở vùng biên giới xa xôi này.

Vợ chồng chị Sa có hai con trai. Đứa lớn đang học năm cuối Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh; đứa nhỏ chuẩn bị thi vào lớp 10. Vì vậy, việc canh tác, trồng trọt trên diện tích hơn 3 ha, vợ chồng chị không thể tự làm tất cả mà phải nhờ đến sự hỗ trợ của Sóc Niên- cô gái người Khmer- huy động nhân lực từ đầu mùa đến cuối vụ hỗ trợ từ việc cắm chà, bón phân đến thu hoạch, phân loại…

Cho nên, tuy nói là vợ chồng chị trồng 3,4 ha khổ qua, nhưng thực ra, công việc chính của vợ chồng chị là thay nhau ngồi võng để giám sát, trả tiền công, tiền vật tư, phân bón… rồi đếm tiền có được từ các thương lái gửi về.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh- Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Châu Thành cho biết, mô hình Tổ phụ nữ vần đổi công Việt Nam - Campuchia đã hỗ trợ rất tốt nhu cầu nhân lực nông thôn

GIẢI QUYẾT NHU CẦU NHÂN LỰC   

Sóc Niên mà chị Sa nhắc đến là nữ đầu công trong mô hình “Tổ phụ nữ vần đổi công Việt Nam - Campuchia” của Hội Phụ nữ xã Ninh Điền. Đây là một trong những mô hình hỗ trợ phụ nữ vùng biên rất hiệu quả từ năm 2014 đến nay của Hội Phụ nữ tỉnh Tây Ninh.

Chị Trần Thị Thuý Hằng- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ninh Điền cho biết, trong 20 xã biên giới của Tây Ninh, nếu tính theo đường chim bay, thì Ninh Điền là xã gần trung tâm thành phố Tây Ninh nhất, với khoảng cách chưa đến 10 cây số, nhưng cũng là xã nghèo "có tiếng". Ninh Điền có 8 cây số đường biên giáp xã Kokir Saom (Cây Xôm - PV), huyện Svay Theab, tỉnh Svay Rieng thuộc Vương quốc Campuchia.

Chạy dài hai bên đường biên là những cánh đồng rộng phần lớn diện tích được trồng mía và mì- cung cấp nguyên liệu chế biến đường và tinh bột mì cho các nhà máy đang hoạt động trên vùng biên phía Việt Nam.

Chỉ riêng mía, ngoài 1.519 ha của Nông trường Ninh Điền, Công ty Hưng Thịnh còn phải mua thêm từ 3.000 ha của người dân ngoài nông trường. Với diện tích này, để thu hoạch trước khi mía phất cờ, lúc cao điểm có ngày phải huy động cả ngàn nhân công.

Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết nam nữ thanh niên nông thôn trong độ tuổi lao động đã rời bỏ ruộng vườn đi làm công nhân trong các khu công nghiệp như: Thanh Điền (huyện Châu Thành), Chà Là (huyện Dương Minh Châu), Phước Đông (huyện Gò Dầu), Linh Trung III (thị xã Trảng Bàng)…

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh- Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Châu Thành cho biết, theo Đề án "Phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Hè Thu năm 2023, các loại cây nông nghiệp trồng cạn chủ lực và truyền thống của Ninh Điền tiếp tục được xác định bao gồm: mía, mì và các loại cây ăn quả, cây ăn rau, hoa, như: cà tím, ớt, bầu bí, khổ qua…

Sóc Niên, nữ đầu công người Campuchia.

Thế nhưng, từ nhiều năm nay, việc đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng nông thôn, đặc biệt là vùng nông thôn biên giới luôn là bài toán nan giải. Do đó, từ năm 2014 đến nay, Hội Phụ nữ xã Ninh Điền đã thành lập mô hình "Tổ phụ nữ vần đổi công Việt Nam - Campuchia", hỗ trợ nhu cầu nhân lực nông thôn cho những người có nhu cầu như vợ chồng chị Sa - anh Rùa.

Tính đến nay, mô hình này có 5 tổ đầu công thành lập theo địa bàn và tương ứng với nhu cầu lao động chuyên biệt, cụ thể là các khu: Làng thanh niên lập nghiệp; đồng bào dân tộc Khmer; mé sông Trà Sim; Bến Cừ; Gò Nổi.

Đối ứng bên kia biên giới, phía xã Cây Xôm có hai tổ đầu công tương tự do chị Cà Phíp và Sóc Niên làm đầu mối cung ứng lao động thời vụ, với năng lực cung ứng hàng trăm nhân công lúc thu hoạch cao điểm. Các tổ trưởng đầu công hai bên biên giới thường xuyên liên lạc với nhau.

Phía Ninh Điền, khi cần huy động thêm công thu hoạch mùa cao điểm, sẽ liên hệ Sóc Niên và Cà Phíp. Ngược lại, lúc phía Cây Xôm cần người xịt thuốc, bón phân, giẫy cỏ mía, mì… thì liên hệ các chị đầu công Ninh Điền để “dẫn quân” qua.

Tất nhiên, việc qua lại hai bên biên giới đều phải chấp hành nghiêm các quy định vùng biên và luôn được sự hỗ trợ tích cực của lực lượng Biên phòng. 

Chị Thuý Hằng- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã phấn khởi khoe: “Việc duy trì và phát triển mô hình “Tổ phụ nữ vần đổi công Việt Nam - Campuchia” không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn, giúp chị em phụ nữ vùng biên giới nâng cao nhận thức chính trị, hiểu rõ hơn về vai trò đối ngoại nhân dân, về các quy định cư trú, đi lại, hoạt động trong khu vực biên giới; mà còn góp phần hạn chế tình trạng mua bán người qua biên giới, không để tệ nạn phát sinh do thời gian nhàn rỗi quá nhiều.

Đặc biệt, mô hình này còn mang lại những giá trị kinh tế thiết thực. Cụ thể, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2023, mô hình Tổ phụ nữ vần đổi công Việt Nam - Campuchia xã Ninh Điền đã giúp 107 thành viên trong các tổ và 241 hội viên, phụ nữ ngoài tổ vần đổi được 17.377 lượt ngày công làm theo thời vụ, với tổng thu nhập 2.744.270.000 đồng. Tuỳ theo năng lực lao động, mỗi chị em phụ nữ tham gia mô hình này đã có thu nhập thêm bình quân từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng”.

PN. Nguyễn Thiện