BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt:

Hiệu quả, nhưng chưa được quan tâm đúng mức 

Cập nhật ngày: 04/11/2019 - 12:53

BTN - Các hộ nuôi bò do chưa thấy được lợi ích của việc gieo tinh nhân tạo nên cho bò nọc nhảy trực tiếp. Nguồn gốc bò nọc lai tạp và chất lượng tinh không bảo đảm, dễ lây truyền bệnh cho bò cái.

Ông Nguyễn Văn Tuyền - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tịnh (bên phải) cùng với hộ nuôi bò lai chuyên thịt.

Những năm gần đây, thiếu nguồn thức ăn thô, xanh, giống bò nuôi tại địa phương cho năng suất thấp, hiệu quả chăn nuôi không cao. Hiện nay, nguồn thịt bò chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh. Dù thị trường có thịt bò đông lạnh nhập khẩu, nhưng theo thị hiếu của người dân Việt Nam, thịt bò tươi vẫn là lựa chọn hàng đầu.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân, nâng cao chất lượng đàn bò thịt như tăng trọng lượng và tăng tỷ lệ thịt xẻ, giảm giá thành sản xuất, từ năm 2016, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Bước đầu, việc triển khai thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.

Các hộ nuôi bò do chưa thấy được lợi ích của việc gieo tinh nhân tạo nên cho bò nọc nhảy trực tiếp. Nguồn gốc bò nọc lai tạp và chất lượng tinh không bảo đảm, dễ lây truyền bệnh cho bò cái. Trong khi đó, bò đực giống lấy tinh là bò thuần chủng, được tuyển chọn nghiêm ngặt qua nhiều thế hệ nên chất lượng tinh bảo đảm.

Đề án đã triển khai việc gieo tinh miễn phí cho bò cái của người dân, phổ biến lợi ích của việc gieo tinh bò nhân tạo, hướng dẫn hộ chăn nuôi các kỹ thuật mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đưa các giống bò chuyên thịt cao sản lai tạo với bò địa phương nhằm cải tạo, nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn bò.

Đề án đưa các giống bò ngoại chuyên thịt có tầm vóc lớn, khả năng tăng trưởng cao, tỷ lệ thịt xẻ bò lai đạt trên 48% -50% như: Red Sin, Red Brahman, Red Angus, Charolais, Droughmaster, BBB... chuyển đổi, thay thế giống bò ta vàng có ngoại hình nhỏ, tăng trưởng kém, tỷ lệ thịt xẻ thấp (khoảng 40%). Qua 3 năm triển khai thực hiện công tác gieo tinh nhân tạo miễn phí cho 6.950 con bò cái, đến nay đã có 3.950 con bê lai hướng thịt có ngoại hình đẹp, khối lượng bê sơ sinh lớn, bê phát triển tốt.

Ông Lê Đình Hoà, ngụ ấp An Phú, xã An Tịnh (huyện Trảng Bàng) cho biết, năm 2018, ông tham gia chương trình này và được hỗ trợ gieo tinh nhân tạo miễn phí cho bò cái. Ban đầu, do còn e ngại, chưa biết dòng bê lai này có hiệu quả hay không nên ông không giữ lại nuôi mà bán khi bê được 6 tháng. Ông Hoà đánh giá: “Bê dễ nuôi, mau lớn, sức đề kháng tốt, bán giá cao gấp đôi so với bê thông thường”.

Ở địa phương có nhiều hộ áp dụng gieo tinh nhân tạo cho đàn bò với các giống bò chuyên thịt. Nghe họ đánh giá cao về các giống bò này, ông tiếp tục áp dụng và có 2 bê con, được 2 tháng tuổi.

Theo ông Nguyễn Văn Tuyền - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tịnh, hiện nay, nông dân trên địa bàn xã áp dụng phương pháp gieo tinh nhân tạo cho bò ngày càng nhiều. Bò lai có tầm vóc to lớn, tỷ lệ thịt nhiều, có giá trị kinh tế hơn so với bò thịt truyền thống.

Hộ của ông Nguyễn Văn Đại (ấp Tịnh Phong, xã An Tịnh) có 3 con bê lai được hơn 3 tháng tuổi. Trong đó, 1 con bê lai Red Brahman trọng lượng 126kg, 2 con bê lai Red Angus, trọng lượng mỗi con khoảng 140kg.

Phần lớn các hộ chăn nuôi đều đánh giá cao các giống bò chuyên thịt về các yếu tố như tỷ lệ đậu thai cao, trọng lượng bê sinh ra đạt từ 28 - 32kg, nhanh lớn, dễ nuôi, khả năng hấp thụ thức ăn tốt, thích nghi với thời tiết, trung bình một ngày tăng trọng từ 0,8kg - 1kg/con, thời gian chăn nuôi ngắn (người chăn nuôi chăm sóc bê từ lúc sinh ra đến khoảng 4,5 tháng có thể bán được với giá khá cao), lợi nhuận cao hơn nhiều so với bò ta vàng. Nếu được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và chăm sóc đúng cách thì bê lai hướng chuyên thịt sẽ mang lại hiệu quả gấp 2 lần so với bê lai thông thường.

Ông Phương Khánh Hồng - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Trảng Bàng cho biết, tổng đàn trâu, bò của huyện Trảng Bàng có trên 29.000 con. Trong đó, trâu dưới 3.000 con, bò sữa từ 5.000 - 6.000 con, còn lại là bò thịt.

Tiếp giáp với Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), nơi áp dụng phương pháp gieo tinh nhân tạo từ lâu, nên người chăn nuôi Trảng Bàng dễ dàng nắm bắt, đánh giá được về lợi ích, hiệu quả của phương pháp này; công tác tuyên truyền, triển khai đề án thuận lợi hơn so với các địa phương khác. Dù vậy, những nơi vùng sâu như xã Phước Chỉ, Bình Thạnh, Đôn Thuận, người dân vẫn thích giống bò truyền thống hơn.

Ông Nguyễn Văn Tuyền - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tịnh (bên phải) cùng nông dân bên bò lai F1.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tỷ lệ bò cái đậu thai do gieo tinh nhân tạo khá cao, bê sinh ra có ngoại hình đẹp, trọng lượng sơ sinh lớn, nuôi mau lớn hơn so với bê do phối giống trực tiếp, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên khá được ưa chuộng, đặc biệt là giống bê lai chuyên thịt Angus phát triển tốt, phù hợp với thời tiết khí hậu và điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng của các hộ chăn nuôi.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện mô hình nhìn chung vẫn còn một số khó khăn, còn không ít người chăn nuôi bò chưa tin tưởng. Một số hộ nuôi bò chưa nắm bắt thông tin về hiệu quả khi lai tạo với các giống bò chuyên thịt nên còn e ngại trong việc cho gieo tinh nhân tạo giống bò này.

Một số hộ nuôi bò ở vùng sâu vùng xa của các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành ưa chuộng tinh bò Sind - thua kém nhiều về năng suất, sản lượng so với các giống chuyên thịt (Angus, BBB, Chaorolais…). Trong khi tỷ lệ bò lai Sind trong dân còn nhiều, hầu như chưa được lai tạo theo hướng chuyên thịt, khả năng tăng trưởng và trọng lượng rất kém, tỷ lệ thịt xẻ thấp, hiệu quả kinh tế không cao.

Trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục tăng cường tuyên truyền công tác gieo tinh bò nhân tạo miễn phí, giúp người chăn nuôi hiểu rõ hơn về lợi ích của việc gieo tinh nhân tạo so với phối trực tiếp; tiếp tục đào tạo nâng cao tay nghề gieo tinh nhân tạo cho đội ngũ dẫn tinh viên có tâm huyết với nghề.

Trúc Ly