Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sản xuất rau an toàn:

Hiệu quả nhưng còn hạn chế 

Cập nhật ngày: 19/12/2017 - 14:15

BTNO - Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Tây Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có 17 cơ sở (tổ chức, cá nhân) tại 8 huyện, thành phố sản xuất rau an toàn đạt chứng nhận VietGAP với diện tích 69,20 ha.

Rau an toàn đang được trồng nhiều loại như: nhóm rau lá (rau sông, rau núi), nhóm rau thơm (rau gia vị), nấm ăn, nhóm rau ăn quả... Sản lượng được chứng nhận khoảng 4.736 tấn/năm.

Mô hình trồng rau trong nhà lưới ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành.

Trong năm 2017, Chi cục Trồng trọt và BVTV tiếp tục xây dựng 10 điểm mô hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn 8 huyện, thành phố (trừ huyện Tân Châu) với sự tham gia của 139 hộ nông dân, diện tích thực hiện hơn 100 ha. Các điểm mô hình này đang chờ để được đánh giá chứng nhận GAP cho nông dân.

Tính đến tháng 11.2017, toàn tỉnh có 27 cơ sở sản xuất rau theo quy trình VietGAP trên diện tích gần 170 ha, với sự tham gia của 208 hộ nông dân. Với năng suất bình quân 17 tấn/ha/vụ, sản lượng rau được sản xuất theo quy trình VietGAP hằng năm trên địa bàn tỉnh đạt hơn 8.600 tấn.

Đến nay, Tây Ninh bước đầu hình thành các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ rau tại các huyện, thành phố. Sản phẩm rau được chứng nhận VietGAP đã được đưa đến các cửa hàng kinh doanh và hệ thống bếp ăn tập thể của các cơ quan, trường học, khách sạn, khu công nghiệp.

Tuy nhiên, số lượng rau sạch được tiêu thụ theo hợp đồng tại các cửa hàng rau an toàn, hệ thống siêu thị còn rất ít, khiến người trồng bất an, trong khi nhiều người tiêu dùng không biết phải tìm mua rau an toàn ở đâu.

Hiện ngoài hệ thống siêu thị, trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống cửa hàng rau an toàn, như Công ty TNHH MTV Nam Trạng (5 cửa hàng), Công ty Cổ phần Doanh nhân (2 cửa hàng), Công ty Đồng Xanh (1 cửa hàng).

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất đạt chứng nhận VietGAP cũng đã được địa phương hỗ trợ xây dựng các cửa hàng như: Hợp tác xã Long Mỹ (2 cửa hàng), HTX Rỗng Tượng (2 cửa hàng), HTX Lộc Khê (1 cửa hàng), HTX rau an toàn Trường Tây (1 cửa hàng).

Đồng thời, trên địa bàn tỉnh còn có Công ty TNHH MTV sản xuất chế biến thực phẩm sạch Miền Nam chuyên thu mua, sơ chế sản phẩm rau an toàn cung cấp cho hệ thống siêu thị Vinmart với sản lượng 3 – 5 tấn/ngày.

Thu hoạch rau an toàn ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành.

Với hệ thống các siêu thị, doanh nghiệp thu mua và 14 cửa hàng trên địa bàn tỉnh hiện nay, về cơ bản có thể tiêu thụ hết sản lượng rau được sản xuất theo quy trình VietGAP. Tuy nhiên, do chưa có sự kết nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ nên số lượng rau quả được các doanh nghiệp tiêu thụ còn hạn chế. Nguyên nhân có phần do người sản xuất không đa dạng hóa sản phẩm, sản xuất còn mang tính tập quán và thời vụ.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, trong thời gian tới, người sản xuất cần phải liên kết lại với nhau thành các HTX, tổ hợp tác để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường. Đồng thời, cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy trình sản xuất rau an toàn đã được hướng dẫn, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị cây rau.

Người trồng rau cũng cần quản lý, tổ chức sản xuất theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp tiêu thụ để đảm bảo đầu ra và ổn định giá bán của sản phẩm.

Các cơ sở kinh doanh rau an toàn cần có hợp đồng liên kết tiêu thụ với người sản xuất để đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa có chất lượng, ổn định về số lượng, chủng loại. Bên cạnh đó, các cơ sở này cũng cần xây dựng hệ thống sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển đạt yêu cầu.

Người tiêu dùng lựa chọn rau sạch trong siêu thị.

Về phía nhà nước, các cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn cho nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh để tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và quản lý dịch hại tổng hợp, bền vững. Các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Để cây rau an toàn trở nên phổ biến đối với người dùng, Chi cục Trồng trọt và BVTV cũng kiến nghị UBND tỉnh sớm cho chủ trương phê duyệt kế hoạch đấu thầu chứng nhận VietGAP để đánh giá, chứng nhận cho các cơ sở sản xuất đã đăng ký trong năm 2017.

Đồng thời, Liên minh HTX cần thành lập một tổ chức dịch vụ trung gian (Hiệp hội, HTX, THT…) tập hợp các cơ sở sản xuất rau an toàn để thuận lợi trong việc quản lý, phân công và tổ chức sản xuất, tạo ra sản phẩm phong phú về chủng loại, ổn định về sản lượng và giá cả khi ký kết hợp đồng với các cơ sở kinh doanh. Song song đó, UBND các huyện, thành phố cần tạo điều kiện và hỗ trợ mặt bằng cho các cơ sở kinh doanh rau an toàn hoạt động hiệu quả.

Hoàng Thi