Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hiệu quả từ các công trình thuỷ lợi
Chủ nhật: 23:42 ngày 13/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những năm qua, hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh từng bước được củng cố, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của nông dân, góp phần phát triển kinh tế.

Cải tạo nâng cấp kênh Tây giai đoạn 2.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.740 tuyến kênh tưới các cấp và 365 tuyến kênh tiêu, với tổng diện tích thiết kế tưới tiêu khoảng 66.974 ha. Tại các địa phương trong tỉnh, hệ thống thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng được quan tâm đầu tư bảo đảm cho công tác cấp nước tưới, tiêu, chống ngập úng, chống hạn, góp phần phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạn chế tình trạng thiếu nước, giúp nông dân mở rộng diện tích sản xuất.

Ðặc biệt, Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông lấy nước từ hồ Dầu Tiếng cấp nước phục vụ tưới tiêu cho diện tích gần 17.000 ha đất nông nghiệp và cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, sinh hoạt của người dân thuộc hai huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu, góp phần quan trọng vào việc sản xuất nông nghiệp ở địa phương, giúp nông dân chủ động mở rộng diện tích canh tác, giảm thiểu nguy cơ ngập úng cục bộ vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô.

Ông Nguyễn Văn Hân, ngụ xã Hảo Ðước, huyện Châu Thành cho biết, Trước kia, vào mùa khô, người dân xã Hảo Ðước phải khoan giếng sâu, sử dụng máy bơm từ kênh vào ruộng nên chi phí sản xuất tăng, năng suất cây trồng không cao, lợi nhuận thấp. Khi dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông triển khai thực hiện, nông dân Hảo Ðước rất phấn khởi vì sẽ có nước tưới vào mùa khô, cây trồng đạt năng suất cao hơn.

Tại xã Bàu Ðồn, huyện Gò Dầu, việc đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi tưới - tiêu góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân. Theo anh Phan Hoài Tuệ, ngụ ấp 7, xã Bàu Ðồn, khi chưa có kênh tưới tiêu, đất trồng ở đây thường bị ngập úng vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô. "Trước kia, khu vực này chỉ trồng được lúa, hoa màu. Từ khi các công trình thuỷ lợi được đầu tư xây dựng, nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả, tăng năng suất và phát triển kinh tế gia đình".

Ông Nguyễn Văn Rã- Bí thư Ðảng uỷ xã Bàu Ðồn cho biết, hiện xã có 1 hệ thống kênh chính- đó là kênh Ðông và các tuyến kênh nhánh như kênh N14, N16 phủ khắp địa bàn, rất thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu là suối Bàu Ðồn được tỉnh quan tâm đầu tư khai thông 3 tuyến kênh, gồm: suối Bàu Ðồn, kênh T4B3, T4B0 đang hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh thuộc các kênh cấp 1, 2, 3, đã xuống cấp qua thời gian sử dụng, dẫn đến tình trạng thiếu nước vào mùa khô, mùa mưa lại gây ngập úng. Một số công trình thuỷ lợi đưa vào hoạt động khai thác chưa hiệu quả...

Kiên cố hoá kênh mương, từng bước nâng cao chất lượng sản xuất.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, ngành rà soát, đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thuỷ lợi theo hướng đa mục tiêu; đầu tư hệ thống công trình thuỷ lợi đồng bộ với hệ thống giao thông phục vụ phát triển nông nghiệp của các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu, Gò Dầu và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, vận hành công trình cấp nước tập trung. Ðặc biệt, phấn đấu hoàn thành dự án Tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông để đưa vào vận hành khai thác.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh triển khai Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2018 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2214/QÐ-UBND phê duyệt Quy hoạch thuỷ lợi giai đoạn 2016-2025, định hướng đến 2035 với tổng mức đầu tư khoảng 3.589 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 là 715 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp 2.874 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016-2025, tỉnh có kế hoạch xây mới 8 hệ thống kênh tưới, 9 trạm bơm, 5 đê bao và nạo vét, nâng cấp 26 kênh tiêu, suối, rạch không bảo đảm yêu cầu tiêu thoát nước. Trong đó, ưu tiên đầu tư 1 trạm bơm công suất lớn cho các huyện biên giới phía Bắc của tỉnh phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 bảo đảm cấp nước tưới ổn định từ các công trình thuỷ lợi cho khoảng 81.600 ha cây trồng, đạt tỷ lệ 39,5% so với tổng diện tích 206.650 ha cây trồng cần tưới; cung cấp nước phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp, sinh hoạt với tổng công suất 244.850m3/ngày.đêm cho các khu công nghiệp và khu dân cư đô thị.

Vũ Nguyệt

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục