Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong 5 năm qua huyện Châu Thành đã giải ngân được trên 86,324 tỷ đồng, đầu tư thực hiện 90 công trình giao thông nông thôn dạng cấp phối, 7 km kênh thuỷ lợi, 12 km đường điện hạ thế, nâng cấp xây dựng mới 26 phòng học…
Châu Thành là huyện biên giới, có đường biên giáp với Campuchia dài 48 km. Toàn huyện có hơn 31.000 hộ với hơn 129.000 nhân khẩu, trong đó có 546 hộ là người dân tộc Khmer, Chăm, Thái, Ê đê… Riêng đồng bào dân tộc Khmer có hơn 446 hộ, chiếm 1,45% tổng số dân của huyện, sinh sống tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới như: Thành Long, Hoà Thạnh, Hoà Hội, Ninh Điền, Biên Giới.
Nhằm hỗ trợ nhân dân của 6 xã biên giới và những hộ nghèo phát triển sản xuất, giai đoạn II Chương trình 135 của Chính phủ (2006 - 2010) đã được triển khai tại huyện Châu Thành, bao gồm 4 mục tiêu: xây dựng cơ sở hạ tầng; đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ xã, ấp, cộng đồng; hỗ trợ các dịch vụ cải thiện nâng cao đời sống nhân dân; trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân.
Đường liên ấp được đầu tư từ Chương trình 135 của Chính phủ |
Với những mục tiêu trên, trong 5 năm qua huyện Châu Thành đã giải ngân được trên 86,324 tỷ đồng, đầu tư thực hiện 90 công trình giao thông nông thôn dạng cấp phối, 7 km kênh thuỷ lợi, 12 km đường điện hạ thế, nâng cấp xây dựng mới 26 phòng học, 2 dự án mua trang thiết bị trường học, 2 trạm y tế, xây mới 2 chợ, 1 công trình phụ chợ, 2 nhà sinh hoạt cộng đồng và 1 công trình đê bao nuôi trồng thuỷ sản, 114 giếng khoan, cấp 104 ha đất cho 104 hộ nghèo. Lồng ghép với các chương trình khác, 5 năm qua huyện đã xây tặng 164 căn nhà đại đoàn kết; ngoài ra, từ các nguồn tài trợ khác, huyện đã xây tặng 16 căn nhà tình nghĩa; riêng năm 2010 thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xây tặng được 324 căn nhà cho hộ nghèo của 6 xã vùng biên giới này.
Từ nguồn vốn Chương trình 135, toàn bộ hộ nghèo của 6 xã biên giới được nhận vốn hỗ trợ để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, mua sắm nông cụ, tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng. Về hỗ trợ thực hiện các dịch vụ, cải thiện đời sống, trợ giúp pháp lý; đã hỗ trợ cho 900 học sinh con em gia đình nghèo, hỗ trợ cải thiện môi trường 618 triệu đồng.
Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện được hưởng thụ văn hoá, nhiều hoạt động giao lưu văn hoá các dân tộc trong và ngoài huyện đã được tổ chức. Qua đó nhận thức của bà con dân tộc thiểu số cũng được nâng lên, bà con tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trong đồng bào dân tộc thiểu số được kéo giảm, một số phong tục tập quán lạc hậu cũng dần được loại bỏ. Số gia đình đạt chuẩn gia đình văn hoá tăng lên hằng năm. Tiện nghi sinh hoạt trong gia đình ngày càng nhiều hơn, hầu hết các gia đình người dân tộc thiểu số đều có phương tiện nghe, nhìn.
Từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương được thực hiện tại Châu Thành, đã góp phần làm cho đời sống của người dân địa phương ngày một đổi thay. Đến nay, huyện Châu Thành không còn hộ đói, số hộ nghèo cũng giảm đáng kể, số hộ khá ngày càng tăng, đời sống nhân dân dần được cải thiện. Đến cuối năm 2010, Châu Thành đã hoàn thành 100% mục tiêu chương trình, các chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng, văn hoá xã hội của xã, cơ bản giải quyết được nhu cầu đời sống ở cộng đồng dân cư và phát triển kinh tế của địa phương.
Duy Thức