Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Qua mô hình này cho thấy, người nông dân trên địa bàn đã tìm cho mình một hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, nâng cao đời sống cho gia đình.
Nắm bắt được nhu cầu của người dân về gà thịt chất lượng cao, ông Phan Văn Đèo (ngụ tại ấp Thạnh Tây, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên) đã quyết định nuôi gà ta thả vườn thay vì nuôi nhốt trong chuồng. Đây là một mô hình có rất nhiều ưu điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với diện tích 1 ha đất cao su, ông Đèo dành một phần xây thành những chuồng nhỏ để gà trú ngụ. Khi gà được khoảng 40 ngày tuổi sẽ thả ra ngoài để chúng tự do kiếm ăn. Như vậy, chất lượng gà sẽ tốt hơn.
Ông Phan Văn Đèo bên đàn gà thả vườn 3 tháng tuổi.
Khi mới bắt đầu nuôi, vì chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc gà thả vườn nên ông Đèo chỉ nuôi thử 500 con được lấy từ giống gà Đồng Nai, ông vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm. Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi từ các mô hình chăn nuôi hiệu quả và từ lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, ông nhận thấy nuôi gà ta thả vườn rất dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, đàn gà phát triển nhanh và đều.
Nuôi gà trong vườn còn tận dụng được nguồn phân bón trực tiếp cho 1 ha cây cao su của gia đình. Từ 500 con gà ban đầu, thấy nuôi có hiệu quả, gia đình ông Đèo mua thêm 500 con nữa về nuôi.
Theo ông Đèo, mô hình nuôi gà của gia đình ông mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại không tốn nhiều công chăm sóc; thức ăn chủ yếu là cám, lúa, bắp, rau xanh, tiết kiệm được chi phí. Trong khi đó, vốn đầu tư chuồng trại nuôi gà thả vườn không cao, xung quanh nhà và khu chăn thả ông dùng các vật liệu như lưới thép B40, lưới nylon bao quanh chuồng trại và khu chăn thả, đảm bảo giữ nhiệt độ thích hợp thoáng mát cho đàn gà.
Ngoài thức ăn chính là lúa, cám, ông Đèo còn bổ sung thêm các loại rau. Ông chia sẻ, để đạt được hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, điều kiện đầu tiên là phải cho đàn gà ăn sạch, ở sạch và phòng chống dịch bệnh thường xuyên, đặc biệt là giao thời giữa lứa cũ và lứa mới. Sau khi xuất bán phải vệ sinh kỹ chuồng trại, kiếm thêm rau xanh, chuối, các loại cây trong sân vườn để cung cấp thức ăn cho lứa gà mới nuôi…
Hiện tại, mỗi năm ông Đèo nuôi 2 đến 3 lứa, mỗi lứa khoảng 500 con trở lên. Theo ông Đèo, giống gà Đồng Nai nuôi rất thích hợp tại địa phương, thêm vào đó chất lượng thịt rất tốt, nguồn gốc con giống rõ ràng nên ông an tâm trong việc đầu tư nuôi. Thông thường, gà nuôi khoảng 4 tháng là có thể bán ra thị trường, nếu chăm sóc cẩn thận gà có thể đạt trọng lượng hơn 2kg/con. Hiện gà xuất chuồng ông bán khoảng 80.000 đồng đến 90.000 đồng/kg, những lúc cao điểm như lễ, tết giá tăng cao hơn, khoảng 100.000 đồng/kg và được thương lái đến đặt mua tại nhà.
Với mô hình chăn nuôi mới này, thu nhập của gia đình ông Đèo luôn ổn định và phát triển. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi từ 80 đến 120 triệu đồng.
Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà thả vườn của ông Đèo mang lại mới chỉ là bước đầu. Điều đáng nói, gia đình ông Đèo đã mạnh dạn đầu tư và nuôi thành công giống gà Đồng Nai thả vườn với quy mô lớn ở địa phương. Đây là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở xã Thạnh Tây. Qua mô hình này cũng cho thấy, người nông dân trên địa bàn đã tìm cho mình một hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, nâng cao đời sống cho gia định, góp phần tạo thêm nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng ở địa phương.
Đức Thịnh